Cửa khẩu thông minh kỳ vọng đưa Lạng Sơn thành trung tâm kết nối giao thương lớn nhất giữa Trung Quốc với Việt Nam và khu vực ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cửa khẩu thông minh với tổng mức đầu tư dự kiến gần 8.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ biến Lạng Sơn thành khu giao thương hàng hóa hiện đại, sôi động, lớn nhất giữa Trung Quốc với nước ta và khu vực ASEAN. Phóng viên PLVN có cuộc trao đổi với ông Đoàn Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về vấn đề này.
Một góc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - nơi sẽ thực hiện xây dựng cửa khẩu thông minh.

Một góc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - nơi sẽ thực hiện xây dựng cửa khẩu thông minh.

Triển khai hàng loạt dự án hạ tầng, logistics thông minh

* Thưa ông, ông có thể chia sẻ với bạn đọc báo Pháp luật Việt Nam về tiến độ triển khai việc xây dựng cửa khẩu thông minh?

- Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Hữu Nghị ngày 17/8/2024, chúng tôi đã bắt tay ngay vào việc nhằm đáp ứng tiến độ là xây dựng xong hạ tầng giai đoạn 1 trong năm 2026 và đi vào hoạt động thí điểm từ năm 2027.

Dự án cửa khẩu thông minh được chia làm hai giai đoạn, dự kiến tổng mức đầu khoảng 8.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 gần 2.500 tỷ đồng, giai đoạn 2 gần 5.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Dự án được kỳ vọng là cuộc cách mạng trong phương thức xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường bộ.

Để xây dựng cửa khẩu thông minh, vốn ngân sách sẽ đầu tư ba dự án hạ tầng “cứng”, gồm 1 dự án mở rộng đường chuyên dụng xuất khẩu tại khu vực Hữu Nghị (dài 695m), 1 dự án mở rộng đường chuyên dụng xuất nhập khẩu tại khu vực Tân Thanh (dài 700m) và 1 dự án trụ sở làm việc của các lực lượng chức năng tại khu vực Tân Thanh. Ngoài ra, các dự án bến bãi, kho cảng, trung tâm logistics sẽ được xã hội hóa thu hút vốn tư nhân xây dựng ngay cạnh khu vực hai đường chuyên dụng xuất nhập khẩu.

Đây là khu vực sẽ mở rộng đường chuyên dụng xuất khẩu tại khu vực Hữu Nghị từ 4 làn lên 14 làn phục vụ Cửa khẩu thông minh.

Đây là khu vực sẽ mở rộng đường chuyên dụng xuất khẩu tại khu vực Hữu Nghị từ 4 làn lên 14 làn phục vụ Cửa khẩu thông minh.

Hiện nay, dự án mở rộng đường chuyên dụng xuất nhập khẩu khu vực Hữu Nghị đã có 4 làn, sẽ được mở rộng lên 14 làn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn đang thực hiện thi công, mở rộng đường này trước tiên lên 8 làn, sau đó sẽ được nâng lên 14 làn sau khi điều chỉnh quy hoạch.

Còn dự án mở rộng đường xuất nhập khẩu tại Tân Thanh và Dự án trụ sở làm việc của các lực lượng chức năng tại khu vực Tân Thanh đang thực hiện các thủ tục quy hoạch, đầu tư, sau đó sẽ tiến hành xây dựng, hoàn thành trong năm 2026.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn trả lời phỏng vấn phóng viên Pháp luật Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn trả lời phỏng vấn phóng viên Pháp luật Việt Nam.

Về nguồn vốn thực hiện ba dự án trên, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất bổ sung 200 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho Lạng Sơn thực hiện các dự án giai đoạn 1. Đối với 580 tỷ đồng còn lại, căn cứ nhu cầu giải ngân của các dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, UBND tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất nguồn vốn phù hợp theo quy định để hỗ trợ Lạng Sơn thực hiện dự án theo tiến độ.

Hạ tầng logistics tại cửa khẩu Lạng Sơn sẽ ngày càng được hoàn thiện.

Hạ tầng logistics tại cửa khẩu Lạng Sơn sẽ ngày càng được hoàn thiện.

* Vậy hệ thống đường xuất nhập khẩu và các trung tâm kho bãi, logictics sẽ được kết nối với nhau ra sao tại cửa khẩu thông minh?

- Đường xuất nhập khẩu tại khu vực Hữu Nghị có 14 làn thì có 10 làn cho phương tiện xuất nhập khẩu truyền thống thông thường, 4 làn dành cho cửa khẩu thông minh, gồm 2 làn nhập khẩu và 2 làn xuất khẩu. Với 10 làn xe thông thường, vẫn kết nối với bến bãi tập kết hàng hóa truyền thống. 4 làn cửa khẩu thông minh sẽ kết nối trực tiếp với bến bãi hàng hóa riêng, rộng khoảng 5 ha. Khu vực 5 ha này sẽ xây dựng trung tâm điều khiển, dây chuyền tự động để kết nối với hạ tầng đường xuất nhập khẩu. Như vậy, 4 làn cửa khẩu thông minh với khu vực 5 ha hàng hóa sẽ được xây dựng hàng rào kỹ thuật khép kín, tách biệt so với các bến bãi truyền thống còn lại, để vận hành theo phương thức tự động hóa.

Ở đường xuất nhập khẩu khu vực Tân Thanh cũng tương tự, trong 8 làn xe vận chuyển xuất nhập khẩu, sẽ có 2 làn cho cửa khẩu thông minh, 1 làn xuất, 1 làn nhập; có bến bãi riêng cho làn cửa khẩu thông minh và bến bãi riêng cho làn truyền thống.

Khu vực bến bãi của doanh nghiệp Xuân Cương tại Hữu Nghị sẽ được mở rộng lên hơn 100ha để phục vụ hoạt động cửa khẩu thông minh.

Khu vực bến bãi của doanh nghiệp Xuân Cương tại Hữu Nghị sẽ được mở rộng lên hơn 100ha để phục vụ hoạt động cửa khẩu thông minh.

Doanh nghiệp logistics, công nghệ sẵn sàng đồng hành

* Lạng Sơn đã tính toán như thế nào để đảm bảo năng lực tập kết hàng hóa, kết nối với đường chuyên dụng xuất nhập khẩu, các bến bãi tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, thưa ông?

- Đây cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng. Cửa khẩu thông minh không thể thiếu các trung tâm logistics, bến bãi tập kết hàng hóa. Trung tâm điều hành cửa khẩu thông minh với hệ thống máy móc thiết bị hiện đại cũng được xây dựng ở khu vực các bến bãi, gần với hệ thống đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa tự động.

Hiện đang có một số nhà đầu tư quan tâm, sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh để mở rộng các trung tâm bến bãi, trung tâm logistics. Ngoài Tập đoàn Vietel, hai doanh nghiệp trong tỉnh là Xuân Cương và Bảo Nguyên cũng bày tỏ sự quan tâm, sẵn sàng đồng hành. Hai doanh nghiệp này có lợi thế là đang kinh doanh bến bãi, logistics tại khu vực Hữu Nghị và Tân Thanh.

Tại cửa khẩu Hữu Nghị, doanh nghiệp Xuân Cương đang xây dựng phương án điều chỉnh dự án bến bãi. Doanh nghiệp này hiện có bến bãi ở khu vực này rộng hơn 25 ha. Khu vực này nằm sát đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa, thuận lợi cho tập kết hàng hóa, xây dựng trung tâm logistics. Chúng tôi đang làm thủ tục quy hoạch để xây dựng khu vực này này từ 25 ha lên khoảng 100 ha, dự kiến khoảng tháng 6 năm sau sẽ hoàn thành quy hoạch.

Bến bãi tại khu vực Tân Thanh của doanh nghiệp Bảo Nguyên cũng sẽ được mở rộng nhằm đáp ứng cho các mục tiêu của đề án xây dựng cửa khẩu thông minh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn kiểm tra dự án mở rộng đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hữu nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn kiểm tra dự án mở rộng đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hữu nghị.

* Để trở thành cửa khẩu thông minh, thiết bị, công nghệ rất quan trọng. Ông có thể cho biết về kế hoạch xây dựng hệ thống công nghệ, máy móc tại cửa khẩu này?

- Hệ thống công nghệ, thiết bị được gắn liền với hệ thống bến bãi, đường xuất nhập khẩu chuyên dụng. Trong đề án trước đây, phần công nghệ, thiết bị cửa khẩu thông minh, chúng ta sẽ nhận chuyển giao công nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án ban đầu được đặt ra. Hiện nhà đầu tư vào, thì phương án công nghệ, thiết bị sẽ do nhà đầu tư lựa chọn, quyết định, trên cơ sở thẩm định của cơ quan chức năng. Dù công nghệ nhận chuyển giao hay công nghệ do nhà đầu tư tự lựa chọn thì công nghệ đó phải có sự tương thích tuyệt đối giữa hai bên Việt Nam và Trung Quốc.

Mới đây, khi làm việc tại Lạng Sơn, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Tập đoàn Viettel phối hợp với lực lượng hải quan để nghiên cứu về vấn đề công nghệ, đảm bảo nguyên tắc dữ liệu, thiết bị phải đồng bộ, khi vận hành phải suôn sẻ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra dự án mở rộng đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra dự án mở rộng đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Vấn đề này trong đề án đã giao trách nhiệm cho từng bên, ví dụ, Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát về thủ tục hải quan, kết nối chia sẻ dữ liệu hải quan giữa hai nước. Liên quan đến điều khiển tự động hóa, sử dụng mạng 5G sẽ liên quan đến trách nhiệm của Bộ Thông tin Truyền thông, các doanh nghiệp công nghệ.

Không phải tất cả các loại hàng hóa đều được qua cửa khẩu thông minh. Theo Đề án thí điểm, trong giai đoạn 1, hàng hóa cho cửa khẩu thông minh sẽ là hàng nông sản xuất nhập khẩu và hàng linh kiện điện tử. Đối với hai mặt hàng này, hiện nay cơ bản là hàng “luồng xanh”, tức thuộc dạng miễn kiểm tra hải quan. Khi đó, sau khi hàng hóa đã hoàn thành thủ tục kiểm tra, chỉ cần chuyển công hàng vào bãi tự động, rồi hệ thống sẽ tự vận hành, luân chuyển hàng qua biên giới. Cửa khẩu thông minh sẽ được hoạt động 24h/7, do đó rất thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm nhiều thời gian cho doanh nghiệp.

UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ với phía Trung Quốc trong quá trình triển khai Đề án Cửa khẩu thông minh.

UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ với phía Trung Quốc trong quá trình triển khai Đề án Cửa khẩu thông minh.

Quyết tâm thực hiện thành công cửa khẩu thông minh

* Thưa ông, Lạng Sơn kỳ vọng như thế nào với mô hình cửa khẩu thông minh?

- Cửa khẩu thông minh được xây dựng nhằm phấn đấu đưa Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm vùng Đông Bắc; đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác.

Công nghệ không người lái

Cửa khẩu thông minh là mô hình thí điểm đầu tiên trên cả nước với việc xây dựng tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu độc lập, khép kín, tách biệt với tuyến vận chuyển truyền thống hiện nay. Mô hình này sẽ kết nối đồng bộ hạ tầng, cơ sở dữ liệu giữa hai nước, áp dụng vận chuyển không tiếp xúc, không gián đoạn với công nghệ không người lái trên tuyến cố định, cẩu container tự động hóa dựa trên định vị vệ tinh và 5G. Hoạt động thông quan được điều hành qua trung tâm chỉ huy, trao đổi thông tin xuyên biên giới.

Xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”, cửa khẩu đường bộ tiên tiến nhất ASEAN phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay; hình thành trung tâm thương mại giao thương hàng hóa đường bộ lớn nhất của Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc và ngược lại.

Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2027, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa gấp 2-3 lần so với thời điểm hiện nay. Đến năm 2030, năng lực thông quan gấp 4-5 lần hiện nay; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu thông minh đạt khoảng 110 tỷ USD.

Đồng thời, cửa khẩu thông minh giúp giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các thông tin, tài liệu về Đề án Cửa khẩu thông minh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các thông tin, tài liệu về Đề án Cửa khẩu thông minh.

* Mục tiêu, kỳ vọng của dự án là rất lớn. Vậy thưa ông, quá trình triển khai cửa khẩu thông minh có gặp khó khăn gì không?

- Ngoài những thuận lợi như được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành thì dự án gặp không ít khó khăn, thách thức. Dù là dự án thí điểm nhưng công tác đầu tư phải tuân thủ các quy định về quy hoạch, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư… nên tốn nhiều thời gian hoàn thành thủ tục. Khu vực xây dựng bến bãi, trung tâm kỹ thuật, trung tâm logistics mặt bằng không thuận lợi, chủ yếu bị chia cắt bởi đồi núi, suối nhỏ, hệ thống đường sắt. Ngoài ra, đây là dự án cửa khẩu thông minh đầu tiên, chưa có kinh nghiệm thực hiện, sử dụng những thiết bị tự động, không người lái hiện đại bậc nhất. Phải làm sao để hàng hóa vận hành thông suốt, không bị lỗi, không bị ách tắc là những điều khiến chúng tôi đặc biệt quan tâm nghiên cứu.

Tuy nhiên, chúng tôi tin chắc rằng, bằng năng lực mạnh mẽ, sự sáng tạo dồi dào, các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng chúng tôi thực hiện thành công cửa khẩu thông minh đầu tiên tại Việt Nam.

* Trân trọng cảm ơn ông và chúc Lạng Sơn sớm hoàn thành Đề án cửa khẩu thông minh để từ đó nhân rộng sang các tỉnh biên giới khác như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ!

Việc mở rộng kho bãi tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị sẽ gặp một số khó khăn do địa hình đồi núi, có sông và đường sắt.

Việc mở rộng kho bãi tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị sẽ gặp một số khó khăn do địa hình đồi núi, có sông và đường sắt.

Phối cảnh dự kiến của dự án kho bãi hơn 100ha của doanh nghiệp Xuân Cương, gồm Khu vực sang tải cơ giới, Khu vực kho Thương mại điện tử, Kho Ngoại quan, Khu vực toà nhà dịch vụ...

Phối cảnh dự kiến của dự án kho bãi hơn 100ha của doanh nghiệp Xuân Cương, gồm Khu vực sang tải cơ giới, Khu vực kho Thương mại điện tử, Kho Ngoại quan, Khu vực toà nhà dịch vụ...

Doanh nghiệp Xuân Cương nói gì?

“Cửa khẩu thông minh là đề án quốc gia với mục đích thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Dự án mang lại lợi ích cho khách hàng thông qua việc tối ưu các thủ tục hành chính, tối ưu thời gian, chi phí và minh bạch hóa các thông tin trong quá trình xuất nhập khẩu. Với nguồn lực và kinh nghiệm sẵn có, Công ty CP Hữu nghị Xuân Cương rất mong muốn được tham gia vào Đề án cửa khẩu thông minh, góp sức mình mang lại sự phát triển bền vững cho quốc gia, cho tỉnh nhà và cho khách hàng",

Bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương

Mở rộng hạ tầng cửa khẩu là yêu cầu cấp thiết

Năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra rất sôi động, tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2023, trung bình đạt 1.300 lượt xe/ngày, cao điểm lên tới trên 1.500 lượt xe/ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các loại hình qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm nay ước đạt 66,4 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 6.600 tỷ đồng, tăng 29,26% so với cùng kỳ.

Với tốc độ tăng trưởng hàng hóa xuất nhập khẩu như hiện nay, việc mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ tại các cửa khẩu đang là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng tốt hơn nhu cầu giao thương của doanh nghiệp cũng như khả năng phát triển trong tương lai”, Ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

Đọc thêm