“Cửa sáng” cho du lịch?

(PLVN) - “Hộ chiếu vắc xin đã được nhiều quốc gia bắt đầu ứng dụng và được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để “phá băng” cho ngành du lịch. Tuy nhiên, việc sử dụng vắc xin làm hộ chiếu thông hành cũng gây nên những tranh cãi về tính hiệu quả của nó và yếu tố bình đẳng trong xã hội. 
Khi chương trình tiêm chủng diện rộng được triển khai, hộ chiếu vắc xin có thể xem là tấm vé an toàn cho du lịch.

Có chấp nhận rủi ro?

Việt Nam đang tiến hành xem xét việc mở cửa du lịch với yêu cầu người nhập cảnh phải có chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. Trước đó, Liên minh Châu Âu (EU) và Israel rất ủng hộ việc áp dụng hộ chiếu vắc xin để “phá băng” cho ngành du lịch, phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn đang xem xét tính hiệu quả của loại chứng nhận này.

Tuy viễn cảnh về vắc xin Covid-19 sẽ mở ra tương lai mới cho cả nền kinh tế, trong đó có du lịch, việc nóng vội mở cửa và chấp nhận rủi ro trong thời điểm này vẫn là điều cần thận trọng. Nếu chưa thể đảm bảo tính an toàn của hộ chiếu vắc xin đối với khách du lịch và mở cửa nóng vội, hậu quả sẽ dẫn đến một làn sóng dịch bệnh mới khó kiểm soát. 

Thực tế chứng minh, trước đây nhiều “bong bóng” du lịch đã vỡ do sự nóng vội mở cửa đón khách như New Zealand và Úc khiến dịch bệnh bùng phát trở lại. Cùng với đó, công tác kiểm nghiệm và chứng nhận vắc xin diễn ra hời hợt, lỏng lẻo, các số liệu không đảm bảo tính chính xác sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát nguồn lây nếu dịch bùng phát. 

Mặt khác, áp dụng hộ chiếu vắc xin cũng gây nên nhiều tranh cãi. Nicole Hassoun và Anders Herlitz, những người nghiên cứu về đạo đức sức khỏe cộng đồng cho rằng: “Hộ chiếu miễn dịch hứa hẹn sẽ mang cuộc sống xã hội và kinh tế quay trở lại bình thường. Nhưng các loại vắc xin được phân phối không đồng đều theo chủng tộc, giai cấp và quốc tịch tạo nên rào cản về mặt đạo đức”. 

Điều này cũng có nghĩa rằng, nếu vắc xin trở thành giấy thông hành để thực hiện mở cửa kinh tế, khôi phục du lịch, những cộng đồng yếu thế vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 sẽ bị bỏ lại phía sau.

Vì vậy, trước khi đảm bảo tính hiệu quả của vắc xin, hộ chiếu vắc xin chỉ nên đưa ra như một phương án khả thi cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhìn chung về triển vọng cả năm 2021, phản hồi từ các chuyên gia cho thấy khá nhiều ý kiến trái chiều: 45% chuyên gia cho rằng triển vọng năm 2021 sẽ tốt hơn, 25% không chắc chắn về sự phục hồi và 30% đánh giá năm 2021 sẽ khó khăn hơn năm 2020.

Trong số đó, 67% chuyên gia cho rằng vắc xin sẽ đẩy nhanh quá trình hồi phục của du lịch quốc tế, trong khi đó khoảng 30% chỉ coi đây là một khả năng.

Dù vậy, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế gặp nhiều khó khăn, có thể vấp phải sự phản đối của người dân trong nước do lo ngại tái bùng phát dịch Covid-19, song Việt Nam cần chuẩn bị nếu không muốn bị tụt lại so với các nước đã công nhận hộ chiếu vắc xin.

Vắc xin “phá băng” cho du lịch

Tuy còn nhiều vấn đề về tính hiệu quả nhưng nhìn về tích cực, khi vắc xin được mở rộng tiêm chủng đại trà, đây có thể xem là bảo hiểm cho du lịch quốc tế. Theo TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam, việc mở cửa cho du khách có hộ chiếu vắc xin là điều cần thiết để nâng cao vị thế du lịch nước ta. “Công sức, chi phí cho những lô vắc xin là rất lớn. Nó cần được bù đắp bởi những lợi ích từ vắc xin. Hộ chiếu vắc xin là cách để tối ưu hóa những lợi ích đó” -  TS Lương Hoài Nam cho biết. 

 Vắc xin được kỳ vọng “phá băng” cho ngành du lịch.

Việc các quốc gia nghiên cứu thành công, tiêm ngừa Covid-19 và áp dụng hộ chiếu vắc xin được kỳ vọng trở thành giấy thông hành mở cánh cửa du lịch. Đặc biệt đối với những quốc gia như Việt Nam, áp dụng hội chiếu vắc xin sẽ tạo “cửa sáng” cho du lịch vừa ứng phó, thích nghi vừa phục hồi tăng trưởng và tìm kiếm dư địa phát triển mới.

Một quan điểm đáng chú ý đó là: Việc mở rộng tiêm chủng vắc xin sẽ đẩy nhanh hiệu quả miễn dịch cộng đồng và tạm thời đạt được ở một số điểm du lịch, khu du lịch.

Thành viên các dự án nghiên cứu du lịch của TAB và Tổng cục Du lịch, chuyên gia du lịch Trương Nam Thắng đưa ra một số nhận định sơ bộ dự kiến tiến độ tiêm chủng tại Việt Nam: “Đến tháng 6/2021 giảm nỗi lo đội ngũ tuyến đầu chống dịch (y tế, biên phòng, công an, bộ đội,...) bị nhiễm bệnh vì họ sẽ được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên; đến tháng 12/2021, tạm thời đạt được miễn dịch cộng đồng ở một số thành phố trọng điểm kinh tế, du lịch lớn; từ tháng 1-6/2022, hy vọng tiêm chủng đại trà trong cả nước để đạt được miễn dịch cộng đồng”.

Nhìn chung, khi công tác tiêm chủng vắc xin trên diện rộng được triển khai, hộ chiếu vắc xin được thực hiện với quy trình theo dõi và kiểm nghiệm chặt chẽ, đó vẫn sẽ là yếu tố tích cực để phục hồi ngành du lịch. 

Loại hình du lịch vắc xin được nhân rộng

Vắc xin cũng mở ra cơ hội cho ngành du lịch tại nhiều quốc gia khi hình thức kiếm lời từ loại hình du lịch vắc xin được nhân rộng. Đối với nhiều công ty du lịch, đây cũng là một cơ hội làm ăn. Theo ông Christian W. Mucha, một nhà xuất bản tạp chí du lịch và đời sống ở Áo, phương châm của một số công ty du lịch ở nước này là "ưu tiên người đến trước".

Điều này có nghĩa là khách du lịch có thể dễ dàng được tiêm ngừa Covid-19 trong điều kiện nghỉ dưỡng thoải mái thay vì phải chìm trong các thông tin rối ren về quy trình tiêm, thủ tục và chờ đợi hàng dài. Tùy thuộc vào túi tiền của khách hàng và mức giá từ 3.000 đến 4.000 euro, khách du lịch có thể nhanh chóng được sắp xếp lên máy bay đến các nước như Serbia để tiêm ngừa rồi trở về.

Đọc thêm