Khó khăn chồng chất
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2020, du lịch Việt Nam chỉ đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm hơn 80% so với năm trước; khách nội địa giảm 50%; ngành du lịch thất thu khoảng 23 tỷ USD. Đến nay, 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngưng hoạt động, 70% doanh nghiệp du lịch đóng cửa. Niềm hy vọng đón lượng khách lớn để giảm bớt sự thiệt hại “cơn bão covid 2020” vào đầu xuân, Tết Nguyên đán vụt tắt khi covid quay trở lại.
Thời điểm Tết được xem là “giai đoạn vàng” giúp ngành du lịch và doanh nghiệp lữ hành ít nhiều vực dậy sau giai đoạn khó khăn của mùa dịch đầu tiên. Tuy nhiên, niềm hy vọng đó vụt tắt khi covid quay trở lại tạo cú “trời giáng” khiến cho ngành du lịch khó gắng gượng, chống đỡ.
Ở đợt bùng phát lần này, Covid-19 đã biến chủng, dễ lây lan. Người dân đề phòng, cảnh giác cao hơn, hạn chế đi lại, tụ tập đông người. Bên cạnh đó, du lịch không được coi là nhu cầu thiết yếu, người ta có thể huỷ tour bất cứ lúc nào để đảm bảo an toàn. Điều đó khiến cho ngành du lịch, khách sạn khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Hàng loạt tour đều bị hủy, các khách sạn vắng khách vào dịp Tết và những ngày lễ Tình nhân, 8/3. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2021, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước tính đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, giảm 15%; Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, giảm 62,2%, trong đó doanh thu của Hà Nội giảm 45,6%; Cần Thơ giảm 50,1%; Đà Nẵng giảm 68,2%; TP Hồ Chí Minh giảm 69,9%; Quảng Nam giảm 91,3%; Khánh Hòa giảm 95%.
Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch cho hay, thống kê sơ bộ trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2021, lượng khách du lịch sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong dịp Tết Tân Sửu, tổng khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 30.800 lượt khách, chỉ bằng khoảng 40% so với năm ngoái, trong đó chủ yếu là khách nội địa.
Tại TP Đà Lạt, do tác động bởi dịch Covid-19, lượng khách du xuân đầu năm nay giảm đáng kể so với những năm trước. Du khách lác đác tới những điểm du lịch, đường phố vắng tanh. Tại Vũng Tàu, tình trạng cũng tương tự, Trung tâm Quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu cho biết, trong 7 ngày tết, các khu du lịch trên địa bàn đón và phục vụ khoảng 102.000 lượt khách, giảm gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá, lượng khách đến Vũng Tàu năm nay giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó, khách đến vui chơi chủ yếu là các nhóm khách lẻ, khách gia đình di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết, trong dịp Tết lượng khách giảm hơn 56% so với cùng kỳ năm 2020, doanh thu cũng giảm hơn 71%... Theo thống kê của một số tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình khách du lịch thời gian qua giảm mạnh. Đặc biệt là trong dịp Tết vừa qua, lượng khách đến các điểm du lịch trên địa bàn giảm hơn 50%.
Mặc dù giá phòng khách sạn đã giảm sâu nhưng khách vẫn rất vắng. Khảo sát trên một website chuyên booking phòng khách sạn du lịch cho thấy, gần như 100% trong tổng số khoảng 34.000 khách sạn, cơ sở lưu trú đều giảm giá thuê từ 20-80%. Trên các website mua bán, mỗi ngày có cả chục lượt rao bán khách sạn, hầu hết là các khách sạn từ 3 sao trở xuống, với mức giá vài chục tỷ đồng.
Nhiều khách sạn, nhà hàng tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang treo biển rao bán, tạm nghỉ... Anh Vũ Hùng - chủ một khách sạn tại phố cổ Hà Nội ngao ngán: “Khách sạn mini của chúng tôi trước đây luôn chật kín khách du lịch, nay thì cửa đóng then cài. Tiền đầu tư khách sạn chúng tôi đi vay. Lãi mẹ đẻ lãi con. Không chịu nổi “nhiệt”, chúng tôi rao giá bán khách sạn giảm tới 1/3 so với năm 2019. Nhưng đáng buồn, không ai ngó ngàng, quan tâm. Cứ cái đà này, chúng tôi không biết phải sống ra sao?”.
Mặc dù thời gian qua các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, tín dụng, thuế... do Chính phủ ban hành cộng thêm chính sách riêng của từng địa phương đã được đưa ra, song tình thế vẫn đang rất khó khăn với chủ kinh doanh khách sạn. Bởi chủ kinh doanh khách sạn, cơ sở lưu trú đã phải bỏ số vốn khá lớn để đầu tư mặt bằng, chi phí quản lý dịch vụ, khách lại không có, dẫn đến hàng loạt vấn đề.
Những thiệt hại du lịch do đại dịch gây nên. |
Sẽ mất vài năm để phục hồi
Theo khảo sát của Vietnam Report, có đến 60% doanh nghiệp cho rằng sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, doanh nghiệp sẽ cần 13-18 tháng để phục hồi, có 20% doanh nghiệp chỉ cần từ 7-12 tháng để có thể phục hồi tình hình kinh doanh như trước.
Để bảo vệ người dân, cộng đồng, đồng nghĩa với đó, Việt Nam phải chấp nhận đánh đổi kinh tế để an toàn. Tính ra, khi Việt Nam chưa mở cửa trở lại cho khách quốc tế, mỗi ngày ngành du lịch thất thu 3,75 triệu USD, tương đương 156.250 USD mỗi giờ. Trong bối cảnh tiếp tục phải đóng cửa các đường bay quốc tế, kết nối ngắt quãng, năm 2021, bức tranh doanh nghiệp du lịch sẽ có thêm nhiều “nốt trầm” và quá trình đào thải vẫn tiếp diễn.
Với tình hình dịch bệnh chưa có hồi kết như hiện nay, một thách thức mà các doanh nghiệp du lịch đang phải đối mặt đó là nhu cầu du lịch sụt giảm. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự đoán, việc phục hồi của ngành du lịch về mức trước khủng hoảng dự kiến sẽ mất tới 3 - 4 năm. Du lịch nội địa đang tạo ra một sự thúc đẩy rất cần thiết để giúp duy trì nhiều điểm đến và doanh nghiệp du lịch sẽ tiếp tục là động lực phục hồi chính trong ngắn hạn và trung hạn.
Tuy nhiên, khi các hoạt động du lịch trong nước đã có một số khởi sắc thì một phần do ảnh hưởng các hạn chế đi lại quốc tế và hành vi của khách du lịch thay đổi, người dân sẽ khó khăn trong việc sắp xếp được thời gian và tài chính để đi du lịch. Vì vậy, mức du lịch nội địa vẫn sẽ giảm mạnh trong năm 2021.
Ngoài ra, việc phát triển hoạt động kinh doanh du lịch trong năm 2021 sẽ rất khó khăn, do doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền. Hiện nay, ngân hàng quản lý rất chặt, xét thấy ngành có dấu hiệu khó khăn là thu hạn mức, không cho vay dự án mới, khiến dòng tiền vốn đã khó lại càng khó hơn.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), không ai biết trước Covid-19 có bùng phát trở lại hay không, nên trong kế hoạch kinh doanh năm 2021, doanh nghiệp du lịch cần tính toán kịch bản ứng phó với những tình huống xấu nhất. “Doanh nghiệp cần linh hoạt tư duy, đa dạng loại hình kinh doanh, có thêm nghề phụ như kinh doanh online, bán đồ ăn… để tồn tại. Sáng tạo, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, thay đổi chuỗi kinh doanh sẽ tạo dư địa tăng trưởng”.