“Cục nợ” ngàn tỷ theo chân Vinafood 2 đến cổ phần hóa

(PLO) - Trong cơ cấu 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ, Vinafood 2 phải “mang theo” khoản nợ 1.100 tỷ đồng trước khi cổ phần hóa. Trong đó, có gần 600 tỷ đồng “nợ khó đòi” từ một số doanh nghiệp…, và khoảng 500 tỷ đồng đầu tư “sai” vào lĩnh vực thủy sản. 
Vinafood 2 bị cho là chưa thực hiện tốt vai trò hỗ trợ nông dân
Vinafood 2 bị cho là chưa thực hiện tốt vai trò hỗ trợ nông dân

Nhà nước vẫn nắm giữ 65%

Bộ NN&PTNT vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Theo phương án trình Chính phủ, Vinafood 2 chọn hình thức cổ phần hóa là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.  

Vốn điều lệ khi tiến hành cổ phần của Vinafood 2 dự kiến là 5.000 tỷ đồng, được chia thành 500 triệu cổ phần, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó, Vinafood 2 phát hành thêm gần 16,5 triệu cổ phần (gần 165 tỷ đồng) để bổ sung vào vốn điều lệ.

Cũng theo phương án này, cổ đông nhà nước sẽ nắm giữ 65% số cổ phần (tương đương 3.250 tỷ đồng), nhà đầu tư chiến lược trong nước là 25% (1.250 tỷ đồng), bán đấu giá cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài 8,95%. Phần còn lại, cổ đông sẽ là cán bộ công nhân viên, tổ chức Công đoàn Tổng Công ty. 

Đáng chú ý, trong cơ cấu 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ, Vinafood 2 phải “mang theo” khoản nợ 1.100 tỷ đồng trước thời điểm cổ phần hóa. Cụ thể, trong đó có gần 600 tỷ đồng “nợ khó đòi” từ Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà, Công ty Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum… đồng thời, có khoảng 500 tỷ đồng đầu tư “sai” vào lĩnh vực thủy sản. 

Theo Vinafood 2, các khoản nợ, đọng này được hình thành từ trước năm 2013 và đã được công bố công khai cho các nhà đầu tư có quan tâm. Trước khi trình phương án, Vinafood 2 cũng đã lựa chọn được một nhà đầu tư chiến lược đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Lãnh đạo Vinafood 2 còn cho hay, trong trường hợp lượng cổ phần không bán hết, Vinafood 2 kiến nghị được điều chỉnh tăng vốn nhà nước tại công ty cổ phần, sau khi công ty đi vào hoạt động sẽ xem xét thoái vốn tiếp.  

Hàng chục đơn vị thua lỗ, mất khả năng thanh toán

Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo Vinafood 2 khẩn trương thoái vốn nhà nước ở các đơn vị mà Tổng Công ty đã góp vốn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng Công ty Lương thực Miền Nam. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm việc giám sát tài chính tại Công ty mẹ - Tổng Công ty Lương thực Miền Nam như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Văn bản số 8081/VPCP-KTTH ngày 6/10/2015 và số 812/VPCP-KTTH ngày 2/2/2016; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của Tổng Công ty, bảo đảm việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo đúng quy định, đúng tiến độ, kế hoạch đã được duyệt.

Tìm hiểu của PLVN được thấy, trước khi bị đưa vào diện giám sát tài chính Vinafood 2 đã có hàng loạt vi phạm nghiêm trọng về quản lý tài chính trong một thời gian dài. Kết quả thanh tra cho thấy, đến hết năm 2013, Vinafood 2 có 7 đơn vị trực thuộc lỗ lũy kế, nợ khó đòi với tổng số tiền gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thất thoát có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. 

Đáng chú ý, trong tổng số 44 công ty thành viên (14 đơn vị trực và 30 đơn vị liên kết, công ty TNHH) thì có tới 19 đơn vị kinh doanh thua lỗ. Danh sách đơn vị thua lỗ là nặng được liệt vào diện đứng đầu gồm: Công ty Nông sản Thực phẩm Trà Vinh lỗ 164,66 tỷ đồng; Công ty Lương thực Trà Vinh lỗ 134,52 tỷ đồng; Công ty Lương thực Thực phẩm An Giang lỗ 83,19 tỷ đồng; Công ty Lương thực Bạc Liêu lỗ 42,34 tỷ đồng; Công ty Nông sản Thực phẩm Tiền Giang lỗ 25,13 tỷ đồng; Công ty Lương thực Bến Tre lỗ 1,35 tỷ đồng; Công ty Lương thực Sóc Trăng lỗ 2,7 tỷ đồng. Trong số đó, các Công ty Lương thực Trà Vinh, An Giang và Bạc Liêu thậm chí còn rơi vào nhóm đối tượng mất khả năng thanh toán bằng nguồn vốn chủ sở hữu, mất khả năng tự chủ về tài chính, khả năng không trả được nợ rất cao. 

Vinafood 2 là một trong hai “ông lớn” của ngành lương thực, thực phẩm của cả nước. Hiện thị trường lúa gạo đang ở thế độc quyền bởi chỉ có Vinafood 1 và Vinafood 2 đã chiếm tới phân nửa thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam. Dù được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi song Vinafood 2 - với tư cách là một tổng công ty nhà nước lại hoạt động như một “con buôn” thuần túy mà chưa thực hiện được vai trò hỗ trợ nông dân.  

Được biết, trong khi chờ cơ chế mới về quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, trong phương án cổ phần hóa trình Chính phủ, Vinafood 2 cũng kiến nghị đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại tổng công ty tiếp tục vẫn là Bộ NN&PTNT.

Lỗ cả trăm tỷ đồng/đơn vị

“Trong tổng số 44 công ty thành viên thuộc Vinafood 2 (14 đơn vị trực và 30 đơn vị liên kết, công ty TNHH) thì có tới 19 đơn vị kinh doanh thua lỗ. Danh sách đơn vị thua lỗ là nặng được liệt vào diện đứng đầu gồm: Công ty Nông sản Thực phẩm Trà Vinh lỗ 164,66 tỷ đồng; Công ty Lương thực Trà Vinh lỗ 134,52 tỷ đồng; Công ty Lương thực Thực phẩm An Giang lỗ 83,19 tỷ đồng; Công ty Lương thực Bạc Liêu lỗ 42,34 tỷ đồng; Công ty Nông sản Thực phẩm Tiền Giang lỗ 25,13 tỷ đồng; Công ty Lương thực Bến Tre lỗ 1,35 tỷ đồng; Công ty Lương thực Sóc Trăng lỗ 2,7 tỷ đồng”.

Phát hành thêm 165 tỷ vốn điều lệ

“Vốn điều lệ khi tiến hành cổ phần của Vinafood 2 dự kiến là 5.000 tỷ đồng, được chia thành 500 triệu cổ phần, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó, Vinafood 2 phát hành thêm gần 16,5 triệu cổ phần (gần 165 tỷ đồng) để bổ sung vào vốn điều lệ”.

Đọc thêm