Hạn hán kéo dài, doanh nghiệp gạo lỗ nặng

(PLO) - Giá gạo tăng cao khiến doanh nghiệp (DN) xuất khẩu méo mặt với các hợp đồng tập trung đã ký trước đó. Nhiều DN “lỡ” ký nhiều hợp đồng mà chưa kịp thu gom lúa gạo đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ nặng.
Hạn hán kéo dài, doanh nghiệp gạo lỗ nặng

Thu mua khó khăn

Trong khi các nhà xuất khẩu gạo trong khu vực vẫn giữ nguyên giá chào bán thì DN xuất khẩu gạo Việt Nam buộc phải tăng giá để đủ bù đắp chi phí: Giá chào bán loại gạo 5% tấm có thời điểm lên mức 380- 390USD/tấn và 365-375USD/tấn đối với gạo 25% tấm. Theo một số DN, mức giá này cao hơn từ 10-20USD/tấn so với mức giá đối tác có thể chấp nhận mua. Và giá gạo Việt Nam cũng đang cao hơn so với Thái Lan, đối thủ cạnh tranh chính, từ 10-15USD/tấn.

Việc tăng giá bán là do giá lúa gạo trong nước liên tục tăng trong thời gian qua từ ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đối với vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, so với mặt bằng chung giá thị trường thế giới thì chỉ có giá gạo Việt Nam tăng cao hơn hẳn nên các DN mất đi lợi thế cạnh tranh về giá bán.

Trao đổi với PLVN, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) Phạm Thanh Bằng, cho biết: Trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, vụ Đông Xuân kết thúc sớm, vụ Hè Thu xuống giống muộn, sản lượng thiếu hụt gần 1 triệu tấn nên giá lúa gạo trong nước dự báo trong 3 tháng tới có xu hướng tiếp tục tăng. Với diễn biến này, một số DN khó có thể ký được các hợp đồng xuất khẩu gạo mới với khối lượng lớn.

Đáng chú ý, nhiều DN lớn đang phải “xua quân” đôn đốc thu gom đủ lượng gạo cung cấp cho các hợp đồng đã ký với đối tác trước đó. “Giá lúa tăng so với trước khi vào vụ Đông Xuân khoảng 500 ngàn đồng/kg, sản lượng thì giảm nên việc thu mua của chúng tôi gặp khó khăn. Trước đây, mình mở kho mỗi ngày mua được 700 đến 1000 tấn nhưng giờ lượng gạo về ít lại phải mua giá cao hơn nên mỗi ngày cũng chỉ được khoảng 600 tấn”, ông Bằng cho biết.

Đối mặt “vỡ trận”

Có một thực tế đang diễn ra, những DN đã “lỡ” ký nhiều hợp đồng tập trung và phải giao hàng trong thời điểm hiện tại, nhưng việc thu gom lúa gạo gặp khó khăn do giá cao đang đối diện với tình trạng thua lỗ cực kỳ nặng. Theo một số chuyên gia lúa gạo, DN cần 1000 tấn gạo để xuất khẩu thì tại thời điểm hiện tại đang phải bù lỗ khoảng 400 triệu đồng. Mỗi hợp đồng xuất khẩu ít nhất cũng phải trên 10 ngàn tấn thì việc DN thua lỗ tiền tỷ là dễ hình dung.

Theo ông Bằng, đối với các hợp đồng mà DN ký bán theo thị trường thì hạn chế được rủi ro. Nhưng thông thường các hợp đồng xuất khẩu đều được ký trước đó nên phải chấp nhận những rủi ro, hậu quả trong tương lai nếu như việc phán đoán diễn biến thị trường không chuẩn.

“Khi đi ký những hợp đồng ấy thông thường trong kho của DN giỏi lắm chỉ có tối đa khoảng 30% chân hàng. Để trả hàng cho đối tác sau đó DN phải mua đuổi. Nhưng với diễn biến của thị trường như năm nay gần như đi ngược so với mọi năm khiến việc thu mua của DN xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, không chuẩn bị đủ chân hàng, hoặc mua đủ chân hàng nhưng giá lại quá cao. Ở bình diện chung rất nhiều DN bị vỡ trận theo cùng một tình trạng như vậy”, ông Bằng cho hay.

Ông Bằng nói rằng Vinafood 1 cũng không nằm ngoài ảnh hưởng chung nhưng nhờ chủ động nắm bắt được tình hình nên DN đã hạn chế được rất nhiều rủi ro. Theo Vinafood 1 đối với xuất khẩu, thị trường chính của DN này vẫn là Cuba và Haiti.

Cho đến hiện nay thị trường Haiti th Vinafood 1 vẫn chưa ký, còn thị trường Cuba thì DN này vừa mới ký xong. Trong đó hợp đồng Chính phủ ký 200 ngàn tấn và hiện DN đã giao được một phần, phần còn lại sẽ thực hiện rải rác từ nay cho đến tháng 6. Đối với hợp đồng thương mại, hiện đã ký được gần 60 ngàn tấn sang thị trường này.

“Các hợp đồng này chúng tôi không chốt giá ngay mà chốt giá theo từng tàu một, mỗi tàu khoảng 25 ngàn tấn. Việc đàm phán chốt giá theo cách bám đuổi theo thị trường như vậy nên về cơ bản không những hạn chế được rủi ro như hiện tại mà với thị trường này các hợp đồng xuất khẩu vẫn có hiệu quả”, ông Bằng nói.

Khi được hỏi chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong việc theo dõi, rà soát, nắm chắc tình hình sản xuất lúa gạo và diễn biến hoạt động xuất khẩu gạo để có các giải pháp kịp thời bảo đảm an ninh lương thực trong nước có ảnh hưởng gì tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Phó Tổng Giám đốc Vinafood 1 cho rằng, chỉ đạo này mang tính chất định hướng. Bởi với sản lượng sụt giảm gần cả triệu tấn lúa thì các ngành phải cân đối xuất khẩu như thế nào cho phù hợp, để làm sao gạo trong nước cần phải đủ cho tiêu dùng, không tạo ra đột biến, sốt giá như năm 2008 đã xảy ra.

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,59 triệu tấn và 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Tính trong quý I/2016, giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm 2 tháng đầu và tăng trong tháng 3. Với mức thấp nhất trong quý đầu năm là 4.500 đ/kg đối với lúa tươi IR50404 tại An Giang, hiện tăng lên 5.000 đ/kg. Lúa IR50404 tại Vĩnh Long hiện ở mức 4.800 đ/kg, bằng mức giá đầu tháng 1, với mức thấp hồi tháng 2 là 4.400 đ/kg.

Đọc thêm