Trợ giúp pháp lý từng bước trưởng thành
Ông Cù Thu Anh, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) cho biết: Hệ thống TGPL ở Việt Nam hình thành từ năm 1997, đặc biệt, sự ra đời của Luật TGPL năm 2006 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của công tác TGPL.
Thực tiễn công tác TGPL trong thời gian qua đã khẳng định chính sách TGPL và việc ra đời Luật TGPL là đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với chủ trương của Đảng, đạo lý của dân tộc và điều kiện thực tế của nước ta, không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đưa pháp luật đến với người dân, tạo lập thói quen và nếp sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Đến nay, trên toàn quốc có 63 Trung tâm TGPL Nhà nước, 199 Chi nhánh của Trung tâm đặt tại cấp huyện và liên huyện, 4.345 Câu lạc bộ TGPL. Tổng số người làm việc tại các Trung tâm và Chi nhánh trong toàn quốc là 1.244 người, trong đó 483 trợ giúp viên pháp lý (TGPL).
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác TGPL, các địa phương đã chú trọng việc phát triển đội ngũ cộng tác viên và huy động các tổ chức tham gia TGPL. Đến tháng 6/2013, cả nước có 317 tổ chức đăng ký tham gia TGPL, trong đó có 277 tổ chức hành nghề luật sư, 40 Trung tâm tư vấn pháp luật. Tổng số cộng tác viên trong toàn quốc là 8.980 người, trong đó có 1.055 luật sư.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục TGPL, từ khi triển khai thi hành Luật TGPL đến tháng 6/2014, hệ thống TGPL của Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, thực hiện được 824.344 vụ việc TGPL cho 843.533 người thuộc diện TGPL.
Những năm gần đây, tỷ lệ TGVPL tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL ngày càng gia tăng. Đội ngũ TGVPL từng bước trưởng thành và khẳng định được vai trò của mình trong việc thực hiện TGPL, đặc biệt là những tỉnh miền núi, địa bàn khó khăn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục TGPL cũng như nhiều đại biểu đến từ các Trung tâm TGPL đều trăn trở cho rằng, thực tế hiện nay, chất lượng hoạt động TGPL chưa đáp ứng yêu cầu. TGPL chưa được nhiều người dân đánh giá cao đúng như ý nghĩa cao cả của hoạt động này.
Tham gia tố tụng nhiều hơn để khẳng định mình
Nhiều ý kiến tham dự hội nghị cho rằng, để đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động TGPL, một giải pháp quan trọng là TGPL phải tham gia nhiều hơn vào tố tụng và phải thu hút nhiều hơn lực lượng luật sư tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.
Luật sư Vũ Thị Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận định: Hiện nay, lực lượng luật sư tham gia TGPL còn rất hạn chế, các hoạt động TGPL được thực hiện chủ yếu bởi lực lượng TGVPL, trong khi đó lực lượng TGVPL còn non trẻ và đôi lúc chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng vụ việc cho các đối tượng.
Nhưng làm thế nào để thu hút được nhiều luật sư tham gia TGPL, nhất là TGPL cho các vụ việc hình sự trong khi số lượng luật sư ở nhiều địa phương hiện nay chưa nhiều, thù lao chi cho luật sư tham gia TGPL không đủ hấp dẫn là vấn đề được đặt ra.
Luật sư Vũ Thị Nga cho rằng ,một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của luật sư đối với hoạt động TGPL trong Luật TGPL và Luật Luật sư, chưa có quy định cụ thể về số giờ tối thiểu và vụ việc tối thiểu thực hiện TGPL đối với mỗi luật sư. Để giải quyết vấn đề này,
Luật sư Vũ Thị Nga đề nghị Luật TGPL cần quy định rõ Luật sư khi thực hiện TGPL phải coi như Luật sư nhận việc theo hợp đồng với khách hàng của mình, quy định thời gian tham gia tối thiểu/vụ việc và số vụ việc tối thiểu/năm đối với mỗi luật sư.
Luật sư Nguyễn Thị Vân Hằng, Đoàn Luật sư Hà Nội hiến kế: Để có thể thu hút các luật sư có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp tham gia TGPL nên có nhiều biện pháp, chính sách thu hút sự tham gia của các luật sư như: tăng mức thù lao cho mỗi vụ việc; cho phép luật sư được hưởng một số ưu đãi nếu thực hiện được số lượng vụ việc trợ giúp nhất định theo quy định chung, có thành tích tốt trong công tác TGPL; có sự tôn vinh đối với các luật sư có nhiều đóng góp cho sự nghiệp TGPL
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Liên, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước thành phố Hải Phòng thì đề nghị bổ sung trong Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi quy định việc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án yêu cầu Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, thành phố cử người bào chữa cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì tập trung đầu mối về Trung tâm TGPL Nhà nước đề nghị cử TGVPL, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nâng cao chất lượng hoạt động TGPL và thu hút luật sư tham gia TGPL ở TP.HCM, ông Nguyễn Minh Chánh, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước TP.HCM cho rằng: Để nâng cao chất lượng thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng thì ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện TGPL của đội ngũ TGVPL thì cần phải tăng cường hơn nữa hoạt động phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau và giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với Trung tâm TGPL Nhà nước trên địa bàn.
Ông Nguyễn Minh Chánh cũng cho biết, đội ngũ luật sư ở TP.HCM rất nhiệt tình tham gia TGPL vì Trung tâm phân tích rất rõ ý nghĩa cao cả, trách nhiệm xã hội của các luật sư khi tham gia TGPL. Đối với các TGVPL, Ban Giám đốc Trung tâm luôn có sự phân công nhiệm vụ tham gia tố tụng phù hợp với năng lực, sở trường, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của từng trợ giúp viên và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các TGVPL gặp phải trong quá trình tham gia tố tụng nhằm giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.