“Em là con gái rượu của bố đấy”
Đào (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) sinh ra và lớn lên ở khu Phúc Tân, một xóm bãi ngoài đê sông Hồng, từ chân cầu Long Biên đến phố Hàm Tử Quan. Nơi đây thường được biết đến là nơi tập kết phế liệu hay được gọi là khu bãi rác, sân sau của thành phố. Đây cũng là khu vực sinh sống của nhiều người nhập cư, lao động nghèo.
“Em tên là Đào, năm nay 28 tuổi. Em ở nhà chăm con, nội trợ hàng ngày. Em có hai con, một cháu 8 tuổi, một cháu 7 tuổi. Nhà em có hai chị em gái. Bố em mất từ khi em học lớp 6. Mẹ em đi bước nữa hơn chục năm nay.
Hồi bé em không gần mẹ lắm. Cũng không có kỷ niệm gì về mẹ cả. Bố là người em gần gũi nhất. Bố lo toan, để ý con cái. Bố chiều em lắm! Lúc nào bố cũng thủ thỉ. Bố em bán vé xe buýt. Tối hôm đó, bố đi lấy vé xe buýt để sáng hôm sau đi làm. Em cũng đòi đi theo nhưng bố bảo ở nhà. Không hiểu sao cả đêm, em không tài nào ngủ được, nằm quay ra, quay vào. Tự nhiên, thấy báo về là bố bị tai nạn mất”…
Qua lời kể của Đào, có thể thấy phần lớn những ký ức tuổi thơ của cô đều gắn liền với bố, người hiện lên với sự chăm sóc và cảm giác an toàn. Với Đào, bố là người duy nhất yêu thương và quan tâm cô. Sự ra đi đột ngột của bố hẳn đã để lại cho Đào, cô con gái vừa bước sang tuổi vị thành niên vào thời điểm đó, một nỗi mất mát sâu sắc. “Thực sự lúc bố mất, em chán lắm. Chán đến nỗi không buồn thiết cái gì. Chỉ nghĩ sao lúc đấy bố không cho mình đi theo, cùng chết với bố luôn. Hồi mẹ đi bước nữa, em không thích. Đầu óc chỉ nghĩ mẹ là của bố, không là của ai. Em chán lắm. Ai muốn làm gì thì làm, em chẳng quan tâm. Lúc nào cũng định tự tử. Mẹ hay cô dì, chú bác, chả ai nói được em. Lớp 7, em bỏ học. Kể ra hồi cấp 1, em học giỏi lắm, toàn được học sinh giỏi, đi thi viết chữ đẹp. Bỏ học rồi, hồi đấy bất cứ ai rủ rê làm gì, em đều thử…”.
Như thể giờ đây, người duy nhất mang lại cho cô cảm giác được quan tâm và yêu thương không còn nữa. Cô cảm thấy chơi vơi và mất đi điểm tựa. Từ một học sinh giỏi, Đào nghỉ học giữa chừng, cô nghe theo lời rủ rê của các bạn và bắt đầu sử dụng ma túy.
“Em có một cái ảnh với bố. Em giữ từ lâu. Cái ảnh cũ bé bé, bằng lòng bàn tay nát lắm rồi, từ năm chín mấy. Đợt đấy, em bảo bố chồng dắt đi ra hàng làm lại cái ảnh này… Em là con gái rượu của bố đấy!”…
Năm 15 tuổi, Đào quen Đức, chàng trai hơn cô 10 tuổi. Giống như Đào, Đức cũng lớn lên trong một gia đình có nhiều biến cố và chia cắt. Bố mẹ Đức ly thân khi anh 19 - 20 tuổi.
Trong câu chuyện của Đào, thời thơ ấu của cô có sự hiện diện của bố đẻ, người chăm sóc mang lại cho Đào gắn bó an toàn và những trải nghiệm tích cực. Tuy nhiên, sự ra đi đột ngột của bố lại để lại những tổn thương sâu sắc và những hệ lụy về sức khỏe tinh thần và hành vi nguy cơ khi Đào ở lứa tuổi vị thành niên. Quá trình chuyển giao sang tuổi trưởng thành của Đào lại có sự đồng hành của người yêu và sau này là chồng cô. Dù cũng từng mang nhiều tổn thương và trải qua nghịch cảnh, trong quan hệ với Đào, Đức lại cho cô cảm giác tin tưởng và tình yêu. Sau này, khi gia đình riêng của Đào và Đức đối diện với những thử thách, bố chồng lại là người đóng vai trò hỗ trợ và duy trì những gắn bó lành mạnh trong gia đình.
“Ba má mình có 7 người con, mình là con thứ tư trong nhà. Ba mình đi bán vé số qua ngày. Má mình đi phụ hồ, ngày có việc, ngày không. Lúc không có việc thì má cũng đi bán vé số. Ba có bệnh về thần kinh, lúc uống thuốc vô thì tỉnh, lúc không uống thì bệnh tái phát. Anh ba của mình cũng bệnh giống ba. Nhưng đến mình thì không sao cả. Vì nhà khó khăn nên mình cũng đi làm từ sớm để phụ ba má. Lần đầu tiên mình sử dụng đá là năm 13 tuổi. Hồi ấy nào biết đá là gì. Bạn bè rủ nên cũng ham vui và dùng thôi, thế rồi không dứt ra được. Lần đầu dùng mình thấy tỉnh táo lắm, cảm thấy người tràn đầy năng lượng. Gia đình khó khăn, mình nghỉ học đi làm sớm để phụ ba má. Lần đầu tiên sử dụng nào biết đá là gì, ham vui nên dùng, thế rồi không dứt ra được...
Cho tới thời điểm mình bị bắt và phải đi cai nghiện 15 tháng. Lúc đó mọi người trong nhà mới biết. Sau khi về, bà con làng xóm không ai dám nói chuyện với mình, thậm chí anh em họ hàng ngày xưa thân thiết. Có khoảng thời gian mình làm việc nhiều quá nên bị sụt cân, họ nói này, nói kia “Ừ, nó chơi lại rồi”. Mình giải thích nhưng họ không tin. Nhiều khi chán chường muốn bỏ mặc tất cả mọi thứ, nhưng lại nghĩ về gia đình của mình…
Và một hành trình tự thương
Theo nghiên cứu trên gần 600 thanh, thiếu niên có sử dụng ma túy độ tuổi 16 - 24 tại Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM do dự án Bảo vệ Tương lai thực hiện, đến 43% người tham gia khảo sát cho biết có những dấu hiệu trầm cảm ở mức độ từ trung bình đến nghiêm trọng. Trong độ tuổi thanh, thiếu niên, não bộ vẫn tiếp tục phát triển, đến 24 - 25 tuổi mới hoàn thiện. Nếu trong quá trình đó, thanh, thiếu niên sử dụng các chất kích thích gây tác động lên thần kinh trung ương như ma tuý, rượu..., nguy cơ nghiện cao hơn.
Khi tuổi thơ được vỗ về. (Ảnh minh họa) |
Chị Khánh, tiếp cận viên nhóm Niềm tin xanh tại Hà Nội chia sẻ: “Các bạn thanh, thiếu niên sử dụng ma túy thường có những chấn thương tâm lý và cảm giác bị cô đơn, cô lập, khó giao tiếp với gia đình cũng như xã hội bên ngoài. Các bạn còn gặp các vấn đề về định kiến và kỳ thị từ môi trường xung quanh. Khi tới nhóm, các bạn có cơ hội được lắng nghe từ những bạn có hoàn cảnh giống mình, được chia sẻ những điều thầm kín mà hiếm khi nói được cho ai”.
Theo ThS.BS Nguyễn Song Chí Trung, giảng viên bộ môn tâm thần, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, giảng viên tại Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất và HIV. Bác sĩ Trung chia sẻ: “Đối với trải nghiệm cá nhân, mình gặp không ít các bạn gặp phải những vấn đề về tâm thần liên quan đến sử dụng chất. Những điều tiếng, kỳ thị trong xã hội đối với các bạn ấy nặng nề hơn. Ngoài sự nỗ lực để thay đổi từ chính bản thân các bạn, cộng đồng chung cũng nên có sự thấu hiểu và tạo điều kiện. Nếu chúng ta thật sự mở lòng và lắng nghe, sẽ thấy có những bạn thực sự muốn phấn đấu để vươn lên chứ không phải muốn buông xuôi. Bản thân tôi mỗi lần khám, mỗi một câu chuyện tôi lại học được điều gì đó từ các bạn.Tôi rất mong muốn cộng đồng có cái nhìn thiện cảm và rộng mở hơn, để các bạn trẻ sử dụng chất đó có thể đóng góp gì đó giúp cho cuộc đời này thêm tốt đẹp”…
Theo đó, về sức khỏe tâm thần, dự án triển khai can thiệp theo hai cấp độ: Ở mức độ cộng đồng, dự án thực hiện hướng dẫn và chuyển giao các kiến thức nhận diện vấn đề và can thiệp sơ cấp cho tiếp cận viên. Sau đó, các tiếp cận viên sẽ chuyển gửi khám/điều trị khách hàng đến các cơ sở y tế có sự theo dõi và hỗ trợ của bác sĩ tâm thần.
“Với sự đồng hành của các anh chị, tôi đã dần dần bỏ được việc sử dụng chất, sức khỏe cải thiện hơn. Tôi cũng vay mượn để mở một quán nước mưu sinh. Thu nhập không dư dả gì, cuộc sống vẫn khó khăn và phải chạy ăn từng bữa. Nhưng dù khó nhọc đến đâu, tôi gắng gồng gánh để con được đi học, để con nhận được những điều tốt nhất và có một tương lai tươi sáng hơn. Tôi đưa con về nhà bà ngoại. Để lại phía sau những câu chuyện quá khứ, tôi mong con được kết nối và yêu thương. Sau tất cả, lòng khoan dung và sự chấp nhận là cách để chúng ta trân trọng nhau hơn”.
“Mình hiện tại cũng có ước mơ trong tương lai là mình sẽ mở một tủ vé số cho gia đình mình vì ba mẹ mình lớn tuổi rồi, làm sao cho ba mẹ mình bớt khổ đi”. “Đi được đến đây, mình đã hiểu được việc dùng ma túy có hại như thế nào. Khi gặp những người giống mình ngày trước, mình sẽ khuyên nhủ họ. Mình sẽ kể cuộc đời của mình cho họ nghe, tác hại và ảnh hưởng đến tinh thần như thế nào, mình sẽ áp dụng kiến thức theo cách mà dự án đã chia sẻ với mình, nhẹ nhàng, kiên nhẫn và thấu hiểu”…
“Giờ mình cũng chẳng giận ba mẹ nữa. Mình mạnh mẽ sống vì con. Mình không ở gần ba mẹ nhưng mình cầu chúc ba mẹ luôn khỏe mạnh. Bây giờ động lực của mình là vì con mình thôi, vì con mình càng ngày ngày lớn, nếu như mình làm những chuyện xấu hoài thì người ta sẽ nhìn vô, người ta sẽ nói con mình. Mình mong con sẽ không giống mình ngày trước. Mình cố gắng lên, mình sẽ làm những điều gì đó để con mình có tương lai sáng hơn”…
Có thể nói, hành trình tự thương không hề dễ dàng, đặc biệt là những bạn trẻ đã trải qua nỗi đau trong quá khứ. Nhưng với sự hỗ trợ và cảm thông từ cộng đồng, họ cho mình cơ hội kết nối, yêu thương bản thân và những nỗi đau sẽ không còn tiếp diễn.
Trên đây là một trong số rất nhiều câu chuyện có thật thuộc dự án Bảo vệ Tương lai - dự án Tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV- SCDI (Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng) trong nhóm thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tại Việt Nam. Bảo vệ Tương lai 2.0 kéo dài từ năm 2020 - 2024 với sự tham gia của hơn 100 tiếp cận viên. Đa số các tiếp cận viên là người “trong cuộc”. “Hiện nay, ma túy xuất hiện thêm nhiều loại chất mới, tôi cảm thấy lo lắng cho tương lai của thế hệ trẻ. Các em có thể bị lệ thuộc vào chất, bị lây nhiễm HIV và còn rất nhiều hệ lụy lâu dài. Tôi mong các em có thể được học hành, được vui chơi, có tương lai xán lạn chứ không phải trượt dài như thế hệ chúng tôi ngày trước”…