Củng cố khung pháp lý việc bảo tồn di sản thế giới tại Việt Nam

(PLVN) - Các di sản văn hóa và thiên nhiên hiện đang phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ sự phát triển của xã hội. Việc bảo tồn di sản; cách thức để cân bằng giữa phát triển và bảo tồn các di sản là vấn đề đặt ra với nhiều quốc gia.
Vịnh Hạ Long.

Đó là thông tin được nêu ra tại Hội thảo quốc tế về “Vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO trong công tác bảo tồn di sản văn hoá và thiên nhiên vì phát triển bền vững” do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức ngày 5/12.

Di sản đóng góp lớn cho sự phát triển đất nước

Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân về tầm quan trọng của các di sản văn hóa và thiên nhiên đối với phát triển bền vững; chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm bài học và kiến thức về bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa và thiên nhiên cũng như các loại hình danh hiệu tương tự khác của UNESCO tại Việt Nam…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Mai Phan Dũng - Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia (UBQG)  UNESCO Việt Nam – khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa di sản trong việc đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế, xã hội và cộng đồng; tạo động lực phát triển ngành du lịch nhờ vào sự gia tăng số lượng du khách quốc tế, đem đến những lợi ích kinh tế và góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước trên thế giới.

Tuy nhiên, các di sản văn hóa và thiên nhiên hiện đang phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ sự phát triển của xã hội. Việc bảo tồn di sản; cách thức để cân bằng giữa phát triển và bảo tồn các di sản là vấn đề đặt ra với nhiều quốc gia.

Với Việt Nam, đến nay, UNESCO đã công nhận 39 loại hình danh hiệu, trong đó có 8 danh hiệu về di sản văn hóa và thiên nhiên. Các di sản quý giá này cùng với các danh hiệu quan trọng khác như Công viên địa chất toàn cầu, Khu dự trữ sinh quyển thế giới là niềm tự hào, vinh dự đối với Việt Nam và góp phần quảng bá đất nước, con người, danh lam thắng cảnh, lễ hội và góp phần từng bước xây dựng thương hiệu địa phương, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia (UBQG) UNESCO Việt Nam cũng khẳng định, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được Đảng, Nhà nước, Chính phủ coi trọng và thu hút sự chung tay của mọi tầng lớp nhân dân.

Các công việc về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đang ngày càng quan trọng và cấp thiết nhằm đảm bảo thực hiện tốt các cam kết của Việt Nam với UNESCO, đồng thời hoàn thành các mục tiêu về phát triển bền vững, đóng góp cho sự phát triển cân bằng, hài hòa của quốc gia và địa phương có di sản.

Theo ông Mai Phan Dũng, UBQG UNESCO Việt Nam đã tham gia vào quá trình xây dựng, đệ trình công nhận di sản của UNESCO, định hướng và truyền tải kinh nghiệm của UNESCO triển khai tại Việt Nam và đề xuất các kiến nghị liên quan đến hoạch định chính sách của quốc gia về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Bên cạnh đó, UBQG UNESCO Việt Nam cũng kết nối mạng lưới giữa các khu di sản, chính quyền địa phương và thế giới để chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý và bảo tồn di sản đồng thời điều phối các hoạt động giữa các cơ quan chuyên môn của quốc gia để thúc đẩy và bảo tồn các di sản cho các thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, việc phối hợp, phân vai giữa Ban thư ký, Bộ Ngoại giao với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; khả năng điều phối, kết nối giữa các bộ, ngành với các địa phương có di sản… cũng còn một số vấn đề đặt ra.

Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký UBQG UNESCO Việt Nam cho rằng việc củng cố, nâng cao vai trò của UBQG UNESCO thông qua đẩy mạnh hơn nữa trao đổi kinh nghiệm giữa các UBQG UNESCO các nước, giữa Ban Thư ký UBQG với các tiểu ban, các địa phương, các đơn vị tư nhân trong công tác quản lý bảo tồn phát huy giá trị các di sản càng cần được quan tâm, thúc đẩy.

Việt Nam tích cực bảo tồn các di sản

Trình bày tham luận tại Hội thảo, GS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia – cho biết, với tư cách là nước tham gia Công ước 1972, Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện những trách nhiệm của quốc gia thành viên để tranh thủ tối đa sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hoá và thiên nhiên của dân tộc, đặc biệt là các di sản thế giới tại Việt Nam.

Trong đó, với việc ban hành Luật Di sản văn hoá với đối tượng điều chỉnh bao gồm cả di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể, Quốc hội Việt Nam đã đi tiên phong trong việc xây dựng hệ thống pháp lý toàn diện về di sản văn hoá theo những nhận thức mới của nhân loại thông qua UNESCO.

Tại Hội thảo, Đại diện Ban Thư ký UBQG UNESCO Việt Nam chỉ ra rằng, hiện nay, hành lang pháp lý, một số quy định trong Luật Di sản của Việt Nam không còn phù hợp với thực tiễn. Nguồn lực về ngân sách, con người cũng còn hạn chế trong khi nhận thức của các bộ, ngành, các địa phương về vai trò của di sản trong phát triển bền vững cũng còn chưa sâu sắc.

Thời gian tới, UBQG UNESCO Việt Nam cho biết sẽ phối hợp xây dựng, củng cố khung pháp lý, triển khai các hoạt động liên quan đến bảo vệ di sản thế giới tại Việt Nam, phù hợp với Công ước UNESCO về bảo vệ di sản thế giới; nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn và  phát huy giá trị di sản thế giới…  

Đọc thêm