Củng cố, nâng cao chất lượng vốn chính sách tại vùng Tây Nam Bộ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong 3 năm qua (2021 - 2023), với sự nỗ lực của Ban lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tại chi nhánh NHCSXH 5 tỉnh Tây Nam Bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VBSP).
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VBSP).

Chất lượng tín dụng chuyển biến tích cực

Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chi nhánh NHCSXH 5 tỉnh Tây Nam Bộ giai đoạn 2021 - 2023 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2024 - 2025 diễn ra vừa qua tại Bạc Liêu, ông Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tại chi nhánh NHCSXH các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và An Giang có chuyển biến tích cực, hiệu quả.

Có được kết quả trên, theo ông Dương Quyết Thắng là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Ban lãnh đạo NHCSXH, Ban lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cấp Trung ương, lãnh chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương các cấp, cùng với sự vào cuộc trách nhiệm, quyết tâm chính trị cao của cán bộ NHCSXH, cán bộ, hội viên các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác các cấp.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2023, nguồn vốn nhận ủy thác địa phương tại 5 tỉnh Tây Nam Bộ đạt hơn 1.354 tỷ đồng, tăng 619 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2020 (Kiên Giang tăng 200 tỷ đồng, Cà Mau tăng 113,6 tỷ đồng, An Giang 110,4 tỷ đồng, Bạc Liêu tăng 104,4 tỷ đồng, Sóc Trăng 90,9 tỷ đồng).

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho gần 186.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; hỗ trợ, tạo việc làm cho gần 128.000 lao động; gần 1.100 lượt lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 19.000 học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 349.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh; 1.545 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng theo Nghị định 100 của Chính phủ; hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho 2.112 khách hàng là hộ dân tộc vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn vốn chính sách tại Bạc Liêu đạt 3.061,4 tỷ đồng, tăng 901 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2020. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 193,8 tỷ đồng. Tại tỉnh Sóc Trăng, tổng nguồn vốn đạt 5.177,8 tỷ đồng, tăng 1.476,2 tỷ đồng so với 31/12/2020, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 192,4 tỷ đồng. Tương tự, tại tỉnh Kiên Giang, tổng nguồn vốn chính sách đạt 5.885 tỷ đồng, tăng 2.146,4 tỷ đồng so với 31/12/2020. Trong đó vốn nhận ủy thác địa phương đạt 421,4 tỷ đồng.

Cà Mau và An Giang cũng đạt nhiều kết quả tích cực về triển khai tín dụng chính sách. Cụ thể, tại Cà Mau, giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn vốn chính sách lên tới 4.139,4 tỷ đồng, tăng 1.341,3 tỷ đồng so với 31/12/2020. Còn tại An Giang, tổng nguồn vốn chính sách đạt 4.996,8 tỷ đồng, tăng 1.625 tỷ đồng so với 31/12/2020. Đáng chú ý, dự nợ cho vay tín dụng chính sách tại 5 tỉnh nêu trên theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đều đạt 100% kế hoạch được giao.

Nâng cao hiệu quả quản lý, kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Giám đốc NHCSXH cũng chỉ ra những tồn đọng, hạn chế của công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, như: Chất lượng hoạt động tín dụng cấp huyện tại một số nơi còn chưa đồng đều. Số Tổ tiết kiệm vay vốn có nợ quá hạn tuy có giảm nhưng chưa thực sự bền vững…

Theo ông Dương Quyết Thắng, nguyên nhân khách hàng vay vốn bị rủi ro là do được địa phương đánh giá đủ điều kiện và lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro nhưng vẫn đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt dẫn đến tỷ lệ nợ quá hạn tăng lên, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tín dụng.

Bên cạnh đó, các yếu tố về thiên tai, dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 gây thiệt hại lớn đến hoạt động sản xuất của người dân, dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ.

Đáng lưu ý, một bộ phận người dân chưa có ý thức vươn lên trong cuộc sống, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không có ý thức tiết kiệm, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng. Nhiều khách hàng vay vốn đi khỏi nơi cư trú, không có thông tin địa chỉ, không có tài sản tại địa phương, khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện xử lý nợ.

Trước những vấn đề còn tồn đọng trên, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng yêu cầu các đơn vị cần có những giải pháp hiệu quả hơn để hiện thực hóa định hướng, nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn 2024 - 2025. Trong đó, 5 chi nhánh NHCSXH các tỉnh cần tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.

Đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Trong đó, tập trung thường xuyên chỉ đạo rà soát điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện tổ chức giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng, bảo đảm 100% khách hàng thuộc đối tượng thụ hưởng, đủ điều kiện vay vốn và có nhu cầu vay, đều được đáp ứng vốn phù hợp với phương án đầu tư.

Tập trung thực hiện công tác xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời, công khai, minh bạch, chính xác, đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng công tác quản lý và xử lý nợ rủi ro theo quy định.

Đọc thêm