Tín dụng chính sách góp phần phát triển Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố Đà Nẵng.
Vốn chính sách giúp nhiều hộ dân trên địa bàn TP Đà Nẵng có điều kiện mở rộng sản xuất. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Dân Việt)
Vốn chính sách giúp nhiều hộ dân trên địa bàn TP Đà Nẵng có điều kiện mở rộng sản xuất. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Dân Việt)

Hiệu quả từ nguồn vốn nhân văn

Trong 20 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Từ nguồn lực Trung ương phân bổ và nguồn vốn ngân sách thành phố chuyển qua, trong hơn 20 năm qua NHCSXH thành phố đã giải ngân gần 10 ngàn tỷ đồng cho gần 420 ngàn lượt khách hàng vay vốn... Thông qua hoạt động tín dụng chính sách giúp tạo việc làm mới cho hơn 156 ngàn lao động; gần 68 ngàn học sinh sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; cho vay xây dựng hơn 51 ngàn công trình nước sạch...

Những kết quả đạt được trong hơn 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Đồng thời khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của NHCSXH khác với các tổ chức tín dụng tại địa phương.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang triển khai 10 chương trình tín dụng từ nguồn vốn ủy thác địa phương. Trong đó có tập trung ở các chương trình lớn theo đặc thù của thành phố như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo chuẩn thành phố với dư nợ trên 170 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với dư nợ trên 1.300 tỷ đồng, cho vay nhà ở xã hội với dư nợ trên 243 tỷ đồng…

Việc ủy thác vốn sang NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi cho người dân trên địa bàn thành phố đã phát huy hiệu quả, các chương trình mục tiêu giảm nghèo của thành phố đều về đích trước 1 đến 2 năm; hàng năm có trên 15 nghìn lao động được giải quyết thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; hàng nghìn người có nhà ở ổn định “an cư lạc nghiệp”.

Các chính sách của thành phố khi triển khai cũng nhận được sự đồng tình ủng hộ rất lớn của người dân bởi người dân khi di dời giải tỏa, ngoài được đền bù thỏa đáng còn được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để chuyển đổi ngành nghề hoặc xây dựng mới nhà để ở từ nguồn vốn của thành phố. Cán bộ, công chức có hoàn cảnh khó khăn cũng được vay vốn ưu đãi để giải quyết những khó khăn từ đó yên tâm công tác; người mới đi tù về được vay vốn để hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng… Từ đó, có thể thấy nguồn vốn ủy thác địa phương sang NHCSXH thời gian qua là một nguồn lực hết sức quan trọng trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại địa phương.

Phát huy hơn nữa hiệu quả vốn tín dụng chính sách

Được biết, trong thời gian tới, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với Chi nhánh NHCSXH thành phố tham mưu cho UBND thành phố mở rộng các chương trình tín dụng chính sách xã hội, mở rộng đối tượng vay vốn như chính sách cho vay đối với hộ có mức sống trung bình, cho vay cán bộ công chức quận, huyện, xã, phường có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, tiếp tục dành nguồn lực từ ngân sách để ủy thác sang NHCSXH cho phù hợp nhu cầu và khả năng cân đối ngân sách của thành phố.

Qua hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thiết thực, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đến nay những nội dung của Nghị định số 78/2002/NĐ-CP vẫn còn nguyên giá trị thực hiện.

Thời gian tới, thành phố Đà Nẵng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, đồng thời tiếp tục bổ sung nguồn lực sang NHCSXH để thực hiện tốt hơn nữa các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Đọc thêm