Cùng lúc tồn tại 3 loại giấy tờ tùy thân, dân càng rối trí

(PLO) - “Mọi thứ giấy tờ như hộ chiếu, hộ khẩu, nhà đất, sổ tiết kiệm... đều liên quan mật thiết đến CMND. Nếu giờ thay thế sẽ kéo theo cả hệ thống phải đổi. Chúng ta đang đơn giản hóa thủ tục hành chính, vậy làm cái này có đơn giản được không?”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị băn khoăn.
Hình minh họa: CMND 12 số đang được triển khai cấp thí điểm
Hình minh họa: CMND 12 số đang được triển khai cấp thí điểm
Suốt tuần qua, dư luận rất quan tâm đến việc chuẩn bị có thêm Thẻ căn cước công dân (CCCD) theo Dự thảo Luật CCCD đang được Quốc hội thảo luận. Cơ quan trình thì cho rằng cần thiết phải hiện đại hóa giấy tờ về CCCD, còn đại biểu Quốc hội và nhiều ý kiến cho rằng tính hữu dụng của Thẻ này chưa được nghiên cứu kỹ. Đấy là chưa kể việc thêm một loại thẻ có thể phát sinh chi phí quá lớn, tạo gánh nặng cho xã hội khi tồn tại cùng lúc Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số và Thẻ căn cước. 
Làm khó cho người dân
Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật CCCD thì Thẻ CCCD sẽ là giấy tờ tùy thân, thay thế CMND hiện đang sử dụng, có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu CCCD. Thẻ CCCD phản ánh thông tin cơ bản về công dân phục vụ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân nhưng vẫn bảo đảm giữ bí mật đời tư cá nhân. 
Giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, như vậy tới đây sẽ có 3 loại thẻ: CMND 9 số, CMND 12 số đang thực hiện cấp thí điểm và Thẻ CCCD. Từ thực tế đang triển khai thí điểm cấp CMND 12 số, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu triển khai thực hiện cấp Thẻ căn cước sẽ vô cùng tốn kém. Chỉ đơn cử như việc thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013- 2020, thì chi phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong đó phải mua phôi CMND rất đắt. 
Ông Nguyễn Đức Chung cũng lo ngại, có những nội dung của Luật Căn cước sẽ triển khai vô cùng khó khăn về sau. “Hà Nội làm dự án quản lý dân cư của 5 quận, thuê phía Nhật Bản viết chương trình phần mềm, nhưng làm xong không kết nối được. Một chương trình do Bulgaria viện trợ, dù đã làm xong lâu rồi nhưng đến nay mới chỉ nhập được 300 nghìn trường hợp”, ông Chung dẫn chứng.
Theo ông Chung, nếu triển khai, thủ tục sẽ rất rườm rà, nhiều quy định còn phiền hà hơn bây giờ. “Cấp CMND 9 số, rồi thí điểm lên 12 số đã rất rắc rối. Giờ lại còn có cả Thẻ CCCD, cùng hai loại CMND sẽ vô cùng rắc rối”, ông Chung nói và đề xuất cần nghiên cứu kỹ tác động của Luật này để việc triển khai có hiệu quả nhất, không gây tốn kém cho người dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thì cho rằng, chủ trương làm Thẻ CCCD thay cho CMND về lâu dài là đúng và cần thiết. Tuy nhiên, cần có lộ trình, thời gian phù hợp, bởi khi triển khai cấp Thẻ căn cước thay cả CMND cũ và mới có thể gây chồng chéo, lãng phí lớn đã đành, mà còn “chính mình tự làm khó mình và làm khó cho người dân”.
Thông tin trên Thẻ căn cước có thực sự đáng tin cậy?
Cũng theo Dự thảo Luật, trên Thẻ căn cước sẽ tích hợp những thông tin về cá nhân công dân đó như ngày, tháng, năm sinh; nơi thường trú... Khi Nhà nước hoàn thành đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật dữ liệu quốc gia thì Thẻ CCCD có thể được tích hợp các thông tin khác như bằng lái xe, Thẻ bảo hiểm y tế, thậm chí cả mã số thuế... để tiến tới bỏ sổ hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác. Thẻ căn cước dự kiến được cấp cho công dân ngay từ khi làm thủ tục khai sinh, để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp  năm 2013. 
Trở lại với việc một người có quá nhiều giấy tờ tùy thân, ông Nguyễn Bá Thuyền (đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, có rất nhiều giấy tờ nên nhiều khi mâu thuẫn nhau. “Đơn cử như ngày tháng năm sinh cũng mâu thuẫn. Một người mà khi đi học một ngày khai sinh, vào cơ quan lại một ngày khác, bằng cấp lại khác... Lấy cơ sở nào để xác định cũng không phải là đơn giản. Có nhiều mâu thuẫn vì do nhiều cơ quan quản lý, rồi cũng có những cái “tùy nghi” hứng lên thì khai theo loại giấy tờ này, khi thì khai theo loại giấy tờ khác”.
Hay như nơi đăng ký khai sinh, theo đại biểu Vũ Hải (tỉnh Bình Thuận), trước kia công dân phải khai cụ thể là “Tại nhà hộ sinh A, quận, huyện, thành phố”. “Trong Luật phải nói rõ “nơi sinh” là địa phương nơi mình sinh ra hay cả tên nhà hộ sinh, bệnh viện...”, ông Hải kiến nghị. Ngoài ra, thông tin trên thẻ căn cước cũng cần xem xét lại việc ghi “Quê quán”. Theo hướng dẫn, quê quán là nơi sinh của bố. Vậy, nếu bố sinh ở Moscow, thì quê quán ở đâu? “Quy định nguyên quán, quê quán là không cần thiết”, ông Hải nói.
Liên quan đến Thẻ căn cước, ông Hải cho rằng, hiện nay, nhiều giao dịch liên quan đến CMND (mua bán nhà cửa, hợp đồng... đều có số CMND) nhưng trên Thẻ căn cước lại không thể hiện số CMND (trong việc kê khai dữ liệu thì có).  Nhưng khi xuất trình Thẻ căn cước để giao dịch, làm việc thì lại không có thông tin về CMND. “Với những người được cấp Thẻ căn cước mới thì không có vấn đề gì, nhưng những người đã có CMND rồi thì phải xử lý ra sao, hay sẽ mang đồng thời 2 loại giấy tờ?”, ông Hải đặt câu hỏi.
Đồng tình với quan điểm của ông Hải, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (tỉnh Ninh Thuận) khẳng định, thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý nên phải chính xác, đầy đủ và thống nhất, phù hợp với nội dung Thẻ căn cước. Nơi đăng ký khai sinh phải thống nhất, chính xác hơn. Từ trước tới nay, “Nơi sinh” người thì khai ở bệnh viện, người khai ở xã, thôn, xóm… không phản ánh được điều gì khi muốn nắm bắt thông tin. Nhiều tờ khai yêu cầu khai “Quê quán”, nơi thì yêu cầu “Nguyên quán”… trong Luật phải thống nhất điều này.
Hạn sử dụng thẻ căn cước, theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, công dân từ trên 15 tuổi thì 15 năm phải làm mới một lần. Còn trên 60 tuổi thì không cần cấp hạn sử dụng nữa. “Khoảng từ 15-25 tuổi thay đổi rất nhiều như việc học tập, thành lập gia đình, đi làm… nên tính toán thế nào để mang tính ổn định, dễ nhớ”, đại biểu Nguyễn Thị Phúc góp ý. Ở nội dung quy định về việc thu hồi Thẻ căn cước dựa trên ngày, tháng, năm công dân chết như Dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Phúc khẳng định là không khả thi. “Người chết rồi thì không thể khai báo được. Còn người khác là người nào phải quy định cụ thể để đảm bảo sự chính xác” – đại biểu Nguyễn Thị Phúc nhấn mạnh.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình nêu quan điểm, việc tích hợp nhiều thông tin trên Thẻ CCCD, tiến tới lược bỏ một số giấy tờ hành chính cũng phải được quy định chặt chẽ. Trong đó, phải làm rõ những giấy tờ như hộ khẩu, khai sinh... đã được tích hợp trong Thẻ Căn cước không có nghĩa là bỏ hẳn, mà những thông tin này tồn tại dưới dạng điện tử và trong những điều kiện cần thiết vẫn có thể được sao in dễ dàng.
Không nên cấp cho công dân dưới 15 tuổi
Một điểm mới quan trọng so với quy định của pháp luật hiện hành là Dự thảo Luật quy định cấp Thẻ CCCD cho công dân dưới 15 tuổi, thay vì thời điểm công dân đủ 14 tuổi (tương tự thời điểm làm CMND hiện nay) như đề xuất trước đó, nhằm bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.
Tán thành với quy định cấp Thẻ căn cước cho trẻ em ngay từ khi sinh ra nhằm bảo đảm quyền con người, nhưng đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP.Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác cho rằng, cần quy định trẻ sinh ra bao nhiêu ngày thì được cấp thẻ. Còn đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (tỉnh Quảng Bình) thì chưa tán thành những lập luận của cơ quan được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật (Bộ Công an) về việc cấp Thẻ CCCD ngay từ khi công dân được sinh ra để “tạo thuận lợi cho người dân”. “CCCD phải có ảnh nhân dạng, nhưng trẻ mới sinh nhân dạng chưa rõ và có nhiều thay đổi cho đến 14 tuổi, nên cấp Thẻ CCCD từ khi sinh ra là chưa hợp lý”, ông Mạnh Cường phân tích.
Nêu quan điểm nhất quán của Chính phủ là trẻ em sinh ra được cấp giấy khai sinh và đến tuổi nhất định được cấp chứng minh nhân dân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường lý giải: Theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Dự thảo Luật CCCD, CCCD là “các thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác”. Tuy nhiên, mô tả thẻ căn cước là phải có ảnh, nhưng trẻ con thì nhận dạng chưa ổn định, mà nếu cấp Thẻ CCCD cho trẻ mới sinh không có ảnh cũng không ổn. 
Vì thế, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, việc cấp Thẻ CCCD cho trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi là chưa phù hợp với khái niệm “căn cước” trong Dự thảo Luật. Đồng thời, với độ tuổi từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi, các đặc điểm nhận dạng của trẻ em chưa ổn định. Bên cạnh đó, theo pháp luật Việt Nam, từ đủ 14 tuổi là độ tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự, do vậy, cấp Thẻ CCCD cho người từ đủ 14 tuổi trở lên như cấp CMND hiện nay là hoàn toàn phù hợp.

Đọc thêm