Động thái này diễn ra sau gần 2 tháng, Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt trái phép một giàn khoan lớn tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.
Theo hãng tin Reuters, tin từ trang web của Cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc cho biết, các giàn khoan Nam Hải 2 và Nam Hải 5 sẽ được triển khai tại khu vực giữa miền Nam Trung Quốc với quần đảo Đông Sa (Pratas) - khu vực do Đài Loan kiểm soát.
Giàn khoan Nam Hải số 4 sẽ được kéo gần về phía bờ biển Trung Quốc.
Biểu tượng xanh trong vòng tròn trắng là vị trí của giàn khoan Hải Dương-981. Các biểu tượng màu xanh còn lại là vị trí của 4 giàn khoan khác của Trung Quốc. |
Cơ quan này không nói rõ chủ sở hữu của những giàn khoan và cho biết, cả ba giàn khoan sẽ được đặt tại các vị trí trên vào ngày 12/8 tới.
Đầu tuần, Trung Quốc đã điều giàn khoan Nam Hải số 9 tới cửa vịnh Bắc Bộ.
Tuyên bố của Trung Quốc khi đưa thêm giàn khoan ra Biển Đông xuất hiện giữa lúc nhiều nước tại châu Á ngày một quan ngại về sự gây hấn của Trung Quốc trong vùng biển này.
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông Zhuang Goutu, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trường ĐH Hạ Môn (Trung Quốc), gọi việc Trung Quốc triển khai nhiều giàn khoan tới biển Đông là “hành động chiến lược”.
“Đem thêm nhiều giàn khoan chắc chắn sẽ gây căng thẳng dữ dội cho Việt Nam và Philippines” - ông này tuyên bố đầy khiêu khích.
Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cho hay, họ có 4 dự án mới dự kiến triển khai ở khu vực tây và đông Biển Đông trong nửa cuối năm nay. Không rõ 4 giàn khoan nói trên có thuộc các dự án của họ hay không.
Tuy nhiên, CNOOC luôn khẳng định mong muốn thúc đẩy sản lượng dầu khi ở vùng nước sâu. CNOOC tuyên bố sẽ gia tăng 1/3 vốn đầu tư cho năm nay lên gần 20 tỉ USD.
Bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước châu Á khác ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn đưa ra yêu sách chủ quyền với 90% diện tích vùng biển giàu tài nguyên năng lượng này./.