Cuộc chiến chống khủng bố ở Philippines (Tiếp): Nguy cơ mới

(PLO) -Tại Davao, thành phố thủ phủ của đảo Mindanao, những ai đặt chân đến đây đều cảm thấy bầu không khí khác lạ. Thay vì những người mặc quần bò, nghe các ca khúc Mỹ như ở Manila, ở đây đâu cũng thấy những người mặc trang phục Hồi giáo. Một học giả cho biết: 10% dân số Philippines theo Hồi giáo, phần lớn họ đều sống ở miền Nam.
Một toán vũ trang Abu Sayyaf
Một toán vũ trang Abu Sayyaf

Các biện pháp đảm báo an ninh ở Davao rất nghiêm ngặt, không chỉ có kiểm tra an ninh tại các khách sạn, trung tâm thương mại mà trên đường phố cũng thường có lính đi tuần.

Ngay chợ đêm bán các thứ lặt vặt và đồ ăn bình dân thì cửa vào cũng có nhân viên an ninh kiểm tra túi xách của khách. Dân chúng ở đây đã quen với cảnh này. Họ nói làm thế để ngăn chặn các thế lực cực đoan ở khu vực  Mindanao cũ mò tới phá hoại; cẩn thận vẫn hơn.

Không yên tĩnh

Rio Blanco, một nhà báo Philippines từng hoạt động ở Mindanao nói, tại Marawi và vùng phụ cận, các phần tử vũ trang chống chính phủ thường giết hại người dân vô tội, nhất là các tín đồ Thiên chúa giáo. Dân chúng ở đó luôn sống trong sợ hãi, các hành động quân sự diễn ra liên tiếp đã dẫn đến việc nhiều người dân bỏ nhà đi nơi khác sống.

Phóng viên kênh CNBC của Mỹ nói, gần đây, xuất hiện xu thế các phần tử cực đoan tập kích các khu du lịch đã gây những phiền phức mới cho kinh tế đất nước vì nguồn thu từ du lịch của Philippines chiếm đến 10% GDP.

Hồi tháng 4/2017, 10 tay súng Abu Sayyaf tiến công vào đảo Bohol định bắt cóc du khách, tuy không thành công nhưng đã khiến người ta hoảng sợ. Sứ quán nhiều nước phương Tây ở Manila đã đưa ra cảnh báo đối với du khách nước mình, khuyên họ hãy tránh xa các đảo Bohol, Cebu và Palawan.

Miền Nam Philippines hiện tồn tại nhiều nhóm vũ trang khác nhau, bản chất cũng khác nhau. Các nhóm “Quân đội nhân dân mới” và “Mặt trận giải phóng dân tộc Moro” được coi là “có hình thái ý thức nhất định, có mục tiêu phấn đấu”, khác với những nhóm chỉ chuyên hoạt động khủng bố như Abu Sayyaf.

Quân chính phủ chiến đấu trên đường phố Marawi
Quân chính phủ chiến đấu trên đường phố Marawi

Nhóm “Mặt trận giải phóng dân tộc Moro” hy vọng thành lập được nhà nước Hồi giáo ở miền Nam Philippines, còn nhóm “Quân đội nhân dân mới”  muốn thành lập được chính phủ cộng sản kiểu Maoist ở Philippines. Hai nhóm này hoạt động khá sôi nổi vào thập niên 1990, nhưng sau khi bước sang thế kỷ 21 đã bị suy yếu do quân chính phủ liên tục truy lùng.

Ông Perin, người phụ trách vấn đề châu Á của Trung tâm nghiên cứu vấn đề quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) từng nhận xét, Abu Sayyaf đã trở thành tập đoàn phạm tội bắt cóc tống tiền, có khoảng 200 – 400 thành viên.

Năm nay, nhóm này đã giết hại 1 con tin người Đức, năm ngoái chúng sát hại 2 con tin người Canada. Có tài liệu cho thấy, nửa đầu năm 2016 chúng đã nhận được 7,3 triệu USD tiền chuộc từ các con tin bị chúng bắt cóc.

Hiện nay các tổ chức Mặt trận giải phóng dân tộc Moro (Moro National Liberation Front – MNLF), Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (Moro Islamic Liberation Front - MILF) và Quân đội nhân dân mới (Bagong Hukbong Bayan) đang tiến hành đàm phán với chính phủ Philippines.

Mấy ngày vừa qua, Tổng thống Duterte đã kêu gọi 3 tổ chức này hãy sát cánh cùng với chính phủ “chống lại kẻ thù chung”. MNLF đã quyết định cử 5 ngàn quân tham gia. 3 tổ chức Abu Sayyaf, Maute và Các chiến binh tự do Hồi giáo Bangsamoro (Bangsamoro Islamic Freedom Fighters – BIFF) đều bị chính phủ Philippines tuyên bố là tổ chức khủng bố.

Tổng thống Duterte thề sẽ tiêu diệt hết quân khủng bố
Tổng thống Duterte thề sẽ tiêu diệt hết quân khủng bố

Số liệu của Tổ chức ân xá quốc tế cho biết: chỉ trong 2 năm 2014 và 2015, 3 tổ chức này phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng ngàn người, trong đó Abu Sayyaf sát hại 482 người, Maute 82 người và BIFF 463 người.

Là thổ phỉ hay là IS?

“Muốn khẳng định sự tồn tại của IS trên đất Philippines thì cũng phải thừa nhận các tổ chức khủng bố bản địa” – Chuyên gia chống khủng bố người Singapore Rohan Gunaratna nêu quan điểm này trên trang web Rappler của Philippines.

Hiện nay ông Duterte đã chấp nhận sự thực IS đang tồn tại trên đất nước Philippines, “nhưng nếu anh nói với một quan chức cao cấp Philippines là IS đang hoạt động trên lãnh thổ Phi thì họ sẽ bày tỏ sự khinh bỉ anh”.

Nói về trận chiến ở Marawi, người phát ngôn quân đội Philippines, Chuẩn tướng Restituto Padilla nói, những nhân viên vũ trang này “không phải IS”, “chúng chỉ là các thành viên tổ chức khủng bố bản địa”, “chúng tung ra những tin đó nhằm gieo rắc sự hoang mang và tình báo giả”, “để thu hút sự thừa nhận và ủng hộ của các tổ chức khủng bố nước ngoài”…

Dân chúng Marawi bỏ nhà đi lánh nạn
Dân chúng Marawi bỏ nhà đi lánh nạn

Năm ngoái, học giả người Singapore Liêu Chấn Dương viết bài trên trang web của CNN nói: cơ quan an ninh Philippines lâu nay vẫn cho rằng những tổ chức như Abu Sayyaf chỉ là những nhóm thổ phỉ lục lâm thảo khấu.

Nhưng ông Rohan Gunaratna lại cho rằng, những tổ chức này chính là IS, vì chúng đang hành động theo phong cách của IS, như hành quyết con tin. “Sự tồn tại của IS không nhất định phải là những ai đó từ khu vực Trung Đông như Syria kéo sang Philippines, mà là tổ chức khủng bố ở địa phương theo đuổi hình thái ý thức và phương thức hành động của IS”.

Liệu có phải IS đã chuyển chiến trường sang Đông Nam Á? Ông Trương Thiếu Anh, Phó nghiên cứu viên Trung tâm huấn luyện và giao lưu tư pháp của Tổ chức hợp tác Thượng Hải Trung Quốc cho rằng: cho đến nay, IS chưa đưa nhân viên của chúng từ Trung Đông tới Đông Nam Á; khu vực Đông Nam Á với cơ cấu dân số phức tạp, nằm trên tuyến giao thông quốc tế trọng yếu có tác dụng để IS biến thành nơi phân tán lực lượng.

Ông cho rằng, các tổ chức vũ trang chống chính phủ ở Indonesia và Philippines giương ngọn cờ IS về cơ bản là những tổ chức bản địa, chúng vốn trung thành với Al-Qeada, sau khi Al-Qaeda suy yếu thì chuyển sang theo IS, “thực ra ai chi tiền thì chúng ngả theo”. Theo ông, hiện nay thế lực của IS ở Đông Nam Á chưa mạnh, không thể so sánh với lực lượng của chúng ở Trung Đông.

Đặc trưng xuyên quốc gia của thế lực khủng bố ở Đông Nam Á đòi hỏi phải có hành động đối phó kiểu xuyên quốc gia; nhưng Cơ quan nghiên cứu phân tích chính sách xung đột của chính phủ Indonesia nhận xét: hiện nay việc thực thi pháp luật và chống khủng bố của các nước liên quan vẫn mạnh ai nấy làm.

“Vấn đề chủ quyền, cạnh tranh về yêu sách lãnh thổ và hoạt động chính trị khu vực tựa hồ đang cản trở sự hợp tác khu vực”. Một số quốc gia ASEAN không phải đương đầu với hoạt động khủng bố thì thái độ không tích cực, nên vấn đề không thống nhất về lợi ích trong vấn đề chống khủng bố dẫn đến việc không hình thành được hành động phối hợp chống khủng bố.Mặt khác, tờ “USA Today” dẫn quan điểm của chuyên gia phân tích chính trị Ramon Castle cho rằng: rất khó triệt để loại bỏ được các tổ chức này vì thế lực của những nhóm như Maute đều là người bản địa, “đã bám rễ chặt vào địa phương”.

Vị trí thành phố Marawi trên đảo Mindanao
Vị trí thành phố Marawi trên đảo Mindanao

Giáo sư Hiderian ở Đại học De La Salle Manila cho rằng, là vị tổng thống đầu tiên người đảo Mindanao, ông Duterte rất được dân chúng Philippines kỳ vọng vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố do ông phát động, “xét về cả trước mắt và trung hạn, chống khủng bố có khả năng trở thành vấn đề chủ đạo trong chương trình nghị sự của ông Duterte, điều này có thể buộc ông phải khẩn cầu sự giúp đỡ từ Mỹ và các đồng minh”. 

Chuyên gia Singapore Rohan Gunaratna cho rằng, đứng trước nguy cơ về an ninh, ông cần phải nhận được từ Mỹ các thông tin tình báo cao cấp và các vũ khí trang bị tốt. Tuy nhiên, đối tượng mà Duterte tìm kiếm sự giúp đỡ và hợp tác không chỉ có Mỹ.

Khi sang thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Putin, ông Duterte đã nói: “Philippines cần có những vũ khí hiện đại để đối phó với các tổ chức cực đoan, mong nhận được sự viện trợ của Nga”.

Tới đây, tình hình có thể còn diễn biến phức tạp, điều này đòi hỏi Tổng thống Duterte sẽ phải có những sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại để có thể đối phó được với nguy cơ từ các nhóm khủng bố có quan hệ chặt chẽ với IS…