Đây là hội thảo thứ 2 được tổ chức sau 40 năm, kể từ hội thảo năm 1979 cũng do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, giảng viên đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học uy tín trong cả nước và sự tham dự của các nhân chứng, các cựu quân nhân đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Sự kiện không thể nào quên của mọi người dân Việt Nam
Phát biểu khai mạc, GS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, trong lịch sử dân tộc, cha ông ta luôn giữ gìn vùng biên cương của Tổ quốc, chuẩn bị mọi nhân tài, vật lực để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, có mối quan hệ gắn bó từ lâu đời.
Phát huy tinh thần đoàn kết trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam về nhiều mặt, góp phần quan trọng giúp nhân dân Việt Nam hoàn thành việc giải phóng dân tộc. Sự giúp đỡ quý báu đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mãi ghi nhớ.
Nhưng, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ tháng 2/1979 đến tháng 9/1989 là một sự kiện không thể nào quên của mọi người dân Việt Nam. “Với thắng lợi này, quân và dân Việt Nam đã viết tiếp trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc, bảo vệ bờ cõi, nền hòa bình, độc lập dân tộc của đất nước”, ông Thuấn nhấn mạnh.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS. TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, cuộc tiến công xâm lược Việt Nam của quân đội Trung Quốc cũng làm cho thế giới sửng sốt, đồng thời bị nhân dân thế giới phản đối.
“Những người bình thường trên thế giới không ai nghĩ rằng một dân tộc vừa phải trải qua 30 năm chiến tranh với thương tích đầy mình và có biết bao nhiêu công việc phải làm để xây dựng lại đất nước lại đi khiêu khích rồi xâm lược một nước khác là nước lớn hơn, thậm chí là nước đã từng là đồng minh trong 2 cuộc kháng chiến trước đó, như một số người Trung Quốc cho đến nay vẫn nói rằng cuộc chiến tranh chống Việt Nam của họ chỉ là một “cuộc phản công tự vệ”, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh.
Sự chính nghĩa của Việt Nam
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, 40 năm đã trôi qua, thế giới đã có nhiều biến đổi. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được bình thường hóa và đang trong quá trình phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dù còn có những trở ngại cần vượt qua.
Theo PGS. TS Trần Đức Cường, việc tổ chức hội thảo quốc gia không phải để khoét sâu mối hận thù, mà để nhắc lại một sự thật lịch sử, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Cùng với đó, hội thảo nhằm tôn vinh những đồng bào, chiến sĩ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, đặc biệt là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân và xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nêu rõ nỗ lực của Đảng và Nhà nước cùng nguyện vọng của nhân dân trong việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông, trong khu vực và trên thế giới; Biểu dương và cổ vũ những việc làm góp phần gìn giữ và tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. Đồng thời, phê phán những biểu hiện sai trái, thù địch, xuyên tạc, vu cáo, lợi dụng sự kiện biên giới phía Bắc để kích động, chống phá Đảng và Nhà nước, chia rẽ quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.