Cuộc chiến đòi quyền chia tay ở quốc gia không cho phép ly hôn

(PLO) - Bên cạnh Vatican, Philippines là một trong hai quốc gia trên thế giới không cho phép ly hôn. Tại đất nước mà người dân chủ yếu theo Công giáo, sức mạnh của rào cản tôn giáo kết hợp với sự bảo thủ của nhiều chính trị gia dẫn tới việc bất cứ thay đổi luật pháp nào liên quan đến lĩnh vực hôn nhân cũng đối mặt với sự phản đối dữ dội.
Melody Alan, một nạn nhân của việc bạo hành và lạm dụng trong hôn nhân
Melody Alan, một nạn nhân của việc bạo hành và lạm dụng trong hôn nhân

Tuy nhiên, một cuộc chiến đang diễn ra nhằm đạt được thay đổi đó. Dự luật về ly hôn đã được hạ viện Philippines thông qua hồi tháng 3/2018, dự kiến sắp đưa ra tranh luận tại thượng viện. Đây là bước tiến triển lớn nhất dự luật này từng đạt được.

Melody Alan, một phụ nữ tại thủ đô Manila từng trải qua cuộc hôn nhân tồi tệ, là một trong những người đi đầu trong việc thúc đẩy nhận thức trên toàn quốc về sự cần thiết của luật ly hôn.

Nhóm Những người ủng hộ Ly hôn tại Philippines của Melody hoạt động trên mạng xã hội với hàng nghìn thành viên, đồng thời tổ chức một số sự kiện như "Tuần hành vì ly hôn". Cá nhân Melody đã đóng góp rất nhiều cho cuộc đấu tranh.

Đây không chỉ là cuộc đấu tranh cho cái chung, mà còn là vì chính bản thân Melody. Cô kết hôn với mối tình đầu của mình vào năm 1995, sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng cuộc hôn nhân nhanh chóng gặp trắc trở khi cô biết rằng chồng mình nghiện rượu và ma túy.

"Tôi bị suy nhược thần kinh những lúc anh ta say. Tôi đoán anh ta sẽ gây rắc rối bên ngoài và thực sự lo lắng khi chồng về nhà, bởi anh ta sẽ ném đồ đạc và đánh tôi. Đó là tình huống rất đáng sợ", Melody bày tỏ.

Cô được tách khỏi người chồng bạo lực từ năm 2009, nhưng không thể hoàn toàn thoát khỏi cuộc hôn nhân đau khổ này, bởi luật pháp Philippines không cho ly hôn. "Đôi lúc thật khó cho tôi khi phải viết ra họ của anh ta. Tôi sẽ chỉ viết tên của mình bởi tôi không muốn dính líu đến anh ta nữa", Melody cho biết.

Melody không phải là người duy nhất có hoàn cảnh hôn nhân bi kịch ở Philippines. Nhưng hiện tại, cô và nhiều người khác chỉ còn cách hủy hôn. Phương án này cũng mang lại hiệu quả giống như ly hôn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện kéo dài tới vài năm và chi phí pháp lý có thể tốn tới 10.000 USD.

Không dừng lại ở đó, việc hủy hôn còn đòi hỏi các cặp vợ chồng chứng minh được rằng cuộc hôn nhân của họ không hợp pháp khi bắt đầu. Các mối quan hệ đa thê, lừa đảo, nhận dạng bị nhầm lẫn, hoặc một trong hai người bị thiểu năng tâm thần thì được phép hủy hôn. Với những vợ chồng chỉ đơn giản là muốn chia tay, dù lý do là gì thì việc hủy hôn đều được xem xét là không trung thực.

Giáo hội Công giáo có tầm ảnh hưởng lớn tới xã hội Philippines. Hầu hết người dân nước này đều sùng đạo. Họ quan niệm rằng đức tin dẫn lối cho những quyết định về đạo đức. Hội thánh thì giữ nguyên sự kiên định trong quan điểm về ly hôn.

"Giáo hội luôn ủng hộ hôn nhân truyền thống. Cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông và một người phụ nữ là cam kết trọn đời", theo linh mục Jerome Secillano của Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines, một tổ chức hướng tới việc "thúc đẩy hơn nữa những điều tốt đẹp mà Giáo hội mang lại cho nhân loại".

Secillano nhấn mạnh gia đình là một thực thể xã hội bất khả xâm phạm. "Nghĩa vụ bắt buộc của Giáo hội là bảo vệ hôn nhân bằng mọi giá", ông cho biết. Với những cặp đủ điều kiện để hủy hôn, Giáo hội cho rằng cuộc hôn nhân này không có ý nghĩa gì bởi ngay từ đầu đã không có hiệu lực và không hợp lệ.

Nguyên tắc của Giáo hội đang được siết chặt hơn bao giờ hết sau khi dự luật ly hôn được hạ viện thông qua. Nếu tiếp tục được thông qua trong phiên họp của thượng viện, dự luật sẽ được gửi tới Tổng thống Rodrigo Duterte để phê chuẩn lần cuối.

"Chúng tôi, những người Philippines, phải thừa nhận rằng có nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, đang bị mắc kẹt trong những mối quan hệ bạo lực, lạm dụng và độc hại. Đến nay, những nỗ lực giải quyết vấn đề này đều thất bại", thượng nghị sĩ Risa Hontiveros, chủ tịch đảng Akbayan, chia sẻ.

Hontiveros cho rằng quan điểm đối lập của Giáo hội là rào cản lớn nhất trong việc thông qua luật. Tuy nhiên, bên cạnh những truyền thống tâm linh đa dạng, Philippines có cả những người vô thần. Hontiveros cho biết thượng viện sẽ đưa ra quyết định tách biệt với những vấn đề về tôn giáo.

Tuy nhiên Thượng nghị sĩ Sherwin Gatchalian, một trong những người phản đối dự luật ly hôn, cho rằng: "Ly hôn sẽ làm đánh mất ý nghĩa thực sự của kết hôn. Tôi tin vào những biện pháp giúp gia đình trở nên gắn bó thay vì làm suy yếu mối quan hệ này", Gatchalian bày tỏ.

Ông cho rằng mối liên hệ chặt chẽ giữa Philippines và văn hóa Mỹ tạo ra những quan niệm xã hội sai lầm về ý nghĩa việc ly hôn, khiến hai người kết hôn và rời bỏ nhau quá dễ dàng.

Các cuộc thăm dò ý kiến ở Philippines cho thấy hiện có 53% người dân ủng hộ hợp pháp hóa ly hôn và đang có xu hướng tăng lên. Là một chính trị gia, Gatchalian không thể phớt lờ cử tri của mình.

"Làm cách nào để vừa siết chặt quan hệ trong gia đình mà không bỏ qua thực trạng lạm dụng và bạo lực? Quan điểm của tôi là tạo ra một dự luật cân bằng, vừa dựa vào thực tế, vừa không làm suy yếu cốt lõi của xã hội, đó là gia đình", ông chia sẻ.

Đọc thêm