[links()]Ngay sau khi TAND TP. Hà Nội ban hành bản án sơ thẩm đồng thời ban hành quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tháng 10/2011 LILAMA tiếp tục gửi yêu cầu Ngân hàng Ngoại thương Nga thanh toán bảo lãnh. Tuy nhiên, từ đây lại mở ra một “chặng đường” khác mà LILAMA phải trải qua.
|
Tòa Trọng tài Moscow |
Yêu cầu thanh toán bị từ chối
Dù nhận được yêu cầu thanh toán từ tháng 10/2011, song Ngân hàng Ngoại thương Nga không trả lời ngay. Đến cuối tháng 11/2011 họ mới trả lời từ chối thanh toán với lý do Tòa án Trọng tài Moscow ban hành quyết định cấm họ thanh toán tiền cho LILAMA.
Sự thực là khi Power Machinery thấy có nguy cơ yêu cầu khởi kiện không được Tòa án Hà Nội chấp nhận, họ đã quay về Liên bang Nga đề nghị Tòa Trọng tài Moscow áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo luật Liên bang Nga. Đầu tháng 11/2011 Tòa Trọng tài Moscow căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga ra lệnh cấm Ngân hàng Ngoại thương Nga thanh toán tiền bảo lãnh cho LILAMA cho đến khi bản án của Tòa án Hà Nội có hiệu lực pháp luật với lý do vụ việc đang được giải quyết tại Tòa án Việt Nam.
Sự quan liêu của Tòa Trọng tài Moscow đã đưa đến một phán quyết ảnh hưởng đến quyền lợi của LILAMA nhưng không thông báo cho LILAMA biết.
Trong khi đó, Power Machinery kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án Hà Nội. Ngày 21/5/2012, Tòa phúc thẩm đã xử và bác yêu cầu kháng cáo của Power Machinery, và LILAMA không phải trả cho Power Machinery bất kỳ đồng nào. Khi đó, Bản án sơ thẩm của Tòa án Hà Nội có hiệu lực pháp luật - đủ điều kiện để LILAMA tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Ngoại thương Nga thanh toán bảo lãnh.
Liên tục trong tháng 6/2012 LILAMA hai lần gửi hồ sơ yêu cầu thanh toán nhưng Ngân hàng Ngoại thương Nga vẫn không thực hiện trách nhiệm và không nêu lý do.
Hành trình tố tụng tại Nga
Sau khi tham vấn các luật sư, LILAMA thấy rằng cần phải thực hiện các biện pháp tố tụng tại Liên bang Nga, nhằm đề nghị Tòa Trọng tài Mowcov hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời vì lý do áp dụng đã không còn (bản án của Tòa án Hà Nội đã có hiệu lực pháp luật). Đồng thời khởi kiện Ngân hàng Ngoại thương Nga ra Tòa án theo thủ tục tố tụng Liên bang Nga. (Điều 28 URDG 458 quy định tranh chấp giữa Người bảo lãnh và Người thụ hưởng được giải quyết tại tòa án nơi có hoạt động kinh doanh (trụ sở) của Người bảo lãnh).
Ngày 17/9/2012 các luật sư của LILAMA đã phối hợp với đồng nghiệp gửi thủ tục yêu cầu Tòa Trọng tài Moscow hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do họ ban hành, đồng thời chuẩn bị hồ sơ khởi kiện Ngân hàng Ngoại thương Nga ra Tòa án St Petersburg theo Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho luật sư của LILAMA là phải thuyết phục được Tòa Trọng tài Moscow mặc nhiên công nhận hiệu lực pháp lý bản án của Tòa án Hà Nội.
Mặc dù Liên bang Nga và Việt Nam đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp năm 1998, nhưng Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga vẫn có quy định về thủ tục công nhận bản án của Tòa án nước ngoài. Hiệp định tương trợ tư pháp và luật của Liên bang Nga có sự xung đột nhất định.
Các luật sư LILAMA đã đấu tranh theo nguyên tắc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế để giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, LILAMA cũng liên hệ với Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam để khi cần thiết sẽ đề nghị cấp ý kiến Lãnh sự. Việc mặc nhiên công nhận bản án của Tòa án Hà Nội sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho LILAMA so với phải thực hiện thủ tục công nhận theo Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga, bên cạnh đó cũng phần nào thể hiện tính hiệu quả, hiệu lực quốc tế bản án của Tòa án Việt Nam.
Ngày 25/9/2012, Tòa Trọng tài Moscow đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do chính họ ban hành tháng 11/2011. Ngay sau đó các luật sư của LILAMA đã một lần nữa gửi yêu Ngân hàng Ngoại thương Nga thanh toán bảo lãnh. Bên cạnh việc viện dẫn quy định tại Điều 2 URDG 458 ICC nêu trên, LILAMA cũng sẵn sàng cho việc nộp đơn khởi kiện Ngân hàng Ngoại thương Nga ra Tòa án St Petersburg theo Bộ luật tố tụng dân sự Liên bang Nga.
Trước nguy cơ bị khởi kiện và có nhiều khả năng thua kiện, hơn nữa Liên bang Nga đã gia nhập WTO nên họ cũng phải tuân thủ các quy tắc kinh doanh quốc tế. Vì vậy, ngày 5/10/2012 Ngân hàng Ngoại thương Nga buộc phải thực thi trách nhiệm của Người bảo lãnh, thanh toán cho LILAMA số tiền 4,2 triệu USD.
Như vậy sau hai năm, với những thách thức pháp lý phức tạp, vừa theo quy tắc quốc tế, vừa theo pháp luật Việt Nam, Liên bang Nga và hàng chục lần gửi hồ sơ để bảo vệ quyền lợi của mình, LILAMA đã thành công.
DN lớn cần có bộ phận pháp chế chuyên trách Trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Trần Vũ Vương (Đoàn luật sư TP Hà Nội) – người được LILAMA chỉ định là người đại diện theo ủy quyền – đã chia sẻ về những kinh nghiệm sau hành trình tố tụng phức tạp cả trong vài ngoài nước. Theo Luật sư Vương, các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước nên thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức pháp chế tại cơ quan, DN nhà nước. Cần thành lập bộ phận pháp chế chuyên trách, chuyên nghiêp để tham mưu, giúp lãnh đạo trong viêc thực thi pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của DN. Trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế như hiện nay, các tranh chấp quốc tế là không tránh khỏi. Lãnh đạo DN và nhất là luật sư của DN cần trang bị cho mình những kiến thức nhất định về kinh tế, luật pháp quốc tế. Cần bình tĩnh, nâng cao trách nhiệm và kiên trì theo đuổi mục tiêu bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN. Sẵn sàng “mang chuông đi đánh xứ người”, sẵn sàng vận dụng các quy tắc kinh doanh quốc tế cũng như luật pháp bản địa để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, bảo vệ lợi ích của nhà nước. Trong quá trình giải quyết vụ việc, cần nghiên cứu, vận dụng triệt để các quy định song phương (Hiệp định tương trợ tư pháp, các hiệp định khác … ) và các quy định quốc tế (quy định của WTO, của ICC) liên quan đến hoạt động kinh doanh, thương mại của DN. Chính phủ, Bộ Tư pháp cần thúc đẩy mạnh hơn nữa công tác hợp tác quốc tế về pháp luật, ký kết thêm hoặc sửa đổi, bổ sung Hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia có quan hệ kinh tế với Việt Nam, làm công cụ pháp lý hỗ trợ DN bảo vệ quyền lợi của mình trong các tranh chấp quốc tế. |
PV