Tham nhũng gia tăng
Từ năm 1949, giới chức Trung Quốc đã tích cực thực hiện các biện pháp chống tham nhũng nhưng không vì thế mà vấn nạn này bị loại trừ. Ngược lại, trong những năm 1960, 1970, một thứ văn hóa mới đã nổi lên, trong đó những cá nhân thường tìm cách lợi dụng các mối quan hệ cá nhân để “đi cửa sau” hòng có được thực phẩm, được nhận vào trường học, xin việc làm và những ưu ái khác.
Ở thời kỳ đó, tiền mới chỉ là thứ yếu vì không thể mua được hàng hóa hay các vật dụng vốn được phân phát theo tỉ lệ nhất định.
Đến đầu những năm 1980, nạn tham nhũng vặt bắt đầu phát triển mạnh. Nguồn cung hàng hóa lúc này vẫn còn thiếu so với nhu cầu nên nhiều người đã tìm cách hối lộ quan chức bằng những bao thuốc hay vài chai rượu để lấy tem phiếu.
Những người muốn mở các công ty tư nhân cũng sử dụng quan hệ cá nhân và tiền mặt để “được việc”. Đến giữa những năm 1980, khi Trung Quốc tiến hành cải cách về giá cả hàng hóa, nhiều quan chức ở nước này đã tranh thủ cơ hội để trục lợi, khiến nạn tham nhũng trở nên tràn lan.
Đến đầu những năm 1990, sau vòng cải cách thứ 2, nạn tham nhũng ở Trung Quốc càng trở nên trầm trọng hơn. Đến giữa những năm 1990, số quan chức cấp cao dính đến tham nhũng gia tăng đáng kể. Họ thực hiện việc đấu giá quyền kiểm soát các doanh nghiệp hay bất động sản để nhận về những khoản hoa hồng. Ví dụ, năm 1995, Bí thư thành ủy Bắc Kinh Chen Xitong đã bị bắt giữ vì nhận hàng triệu USD tiền hoa hồng từ các nhà kinh doanh bất động sản.
Số quan chức cấp cao ở Trung Quốc bị bắt vì những hành vi liên quan đến tham nhũng gia tăng đột biến, từ trung bình khoảng hơn 10 người một năm vào giữa những năm 1980 lên thành 2.500 người. Số tiền trung bình trong những vụ việc bị phát giác cũng tăng từ khoảng 1.700 USD vào năm 1984 lên 4.900 vào năm 1994.
Đến năm 2007, khoản tiền đó là 35.800 USD. Ở giai đoạn này, mỗi năm, Ủy ban kiểm tra kỷ luật của Đảng cộng sản Trung Quốc kỷ luật khoảng 150.000 đảng viên, trong đó có 1/3 các vụ liên quan đến tham nhũng.
Theo các khảo sát do Tổ chức Minh bạch toàn cầu thực hiện vào giữa những năm 1990, Trung Quốc bị các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ xếp ở nhóm 3 nước tham nhũng nhất châu Á. Năm 1995, theo tổ chức trên, chỉ số nhận thức về tham nhũng ở Trung Quốc chỉ đạt 2,16 trong khi mức điểm dưới 3,0 cho thấy nạn tham nhũng tràn lan. Đến năm 2011, một khảo sát được thực hiện trên khắp Trung Quốc cho thấy có đến 82% người được hỏi nói rằng Trung Quốc đã trải qua sự suy giảm đạo đức nghiêm trọng.
Tham nhũng ở Trung Quốc được cho là đã đến mức xuất hiện ở mọi lĩnh vực và mọi thành viên trong xã hội. Theo ông Daniel Bell – trưởng khoa Khoa học chính trị và hành chính công ở trường Đại học Sơn Đông, trước năm 2012, tình trạng hối lộ được xem là một phần của đời sống tại Trung Quốc.
Ở thời kỳ đó, để vào được trường học hay bệnh viện tốt mà không chi tiền hối lộ cho những người có chức là vô cùng khó. Để được thăng chức, người ta cũng thường phải chi tiền hối lộ cho các cấp trên của mình.
Theo một số ý kiến, sự gia tăng vấn nạn tham nhũng ở Trung Quốc là kết quả của sự tăng trưởng nhanh chóng của nước này và thực chất việc tham nhũng ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn hẳn các nước khác là do tốc độ tăng trưởng của nước này đặc biệt cao. Luật pháp lỏng lẻo cũng được nhận định là một nguyên nhân khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Tổ chức Hòa bình quốc tế Carnegie năm 2013 ước tính tham nhũng khiến nền kinh tế Trung Quốc mất đi 3% GDP hàng năm, tức khoảng 200 tỉ USD. Còn theo nhà kinh tế độc lập ở Thượng Hải Andy Xie Guozhong, tham nhũng khiến nền kinh tế Trung Quốc mất đi đến 10% GDP.
Tham nhũng tràn lan cũng khiến cho những khủng hoảng chính trị - xã hội hiện có ở Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn. Sự mất niềm tin được cho là lý do khiến những người mới giàu có ở Trung Quốc chọn di cư ra nước ngoài.
Theo một báo cáo của Ngân hàng thế giới, 14% những người có tổng tài sản từ 60 triệu nhân dân tệ (tức 10 triệu USD) ở Trung Quốc đã ra nước ngoài sinh sống. 46% trong số còn lại cho biết họ muốn tới nước khác sống hơn. Các thống kê cũng cho thấy 3,72 nghìn tỉ USD đã được đưa ra khỏi nước này trong 1 thập kỷ qua.
Đẩy mạnh “đả hổ, diệt ruồi”
Một số chuyên gia nhận định, rõ ràng những vấn đề chính trị - xã hội sâu sắc, trong đó có tham nhũng, đang đe dọa đến những thành tựu phát triển của Trung Quốc và nếu những vấn đề này không được giải quyết, Trung Quốc sẽ không thể nắm được vai trò lãnh đạo trong hệ thống quốc tế mà lẽ ra với quy mô của nền kinh tế nước này, đó là vị trí của họ.
Khi nhận thấy vấn nạn tham nhũng đã tới đỉnh điểm, năm 2012, tại Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu phát động cuộc chiến chống tham nhũng quyết liệt nhất trong lịch sử của Đảng.
Theo thống kê, từ năm 2013 đến năm 2016, Trung Quốc đã trừng phạt tổng cộng hơn 1 triệu quan chức có hành vi tham nhũng. Chỉ trong tháng 5/2016, đã có tổng cộng 4.469 quan chức bị kỷ luật vì vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm và quy chuẩn đạo đức khác. 409 đối tượng khác đã bỏ trốn ra nước ngoài đã bị bắt giữ trong năm ngoái.
Theo một số thống kê, khoảng 200 quan chức từ cấp tỉnh trở lên đã bị bắt giữ vì tham nhũng, trong đó có những người từng là ủy viên Bộ chính trị như cựu Bộ trưởng Bộ công an Chu Vĩnh Khang; 2 thượng tướng, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.
Ngay cả Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng liên tục dính líu tới những bê bối tham nhũng và ở mức độ được cho là chưa từng có ở các quân đội của các nước lớn trên thế giới. Một số thống kê cho biết 100 tướng Trung Quốc, trong đó có ông Quách và ông Từ đã bị bắt giữ vì có liên quan đến tham nhũng. Trong năm 2016, theo các số liệu thống kê chính thức, tổng số sỹ quan của PLA bị kỷ luật đã lên đến 4.885 người.
Chống tham nhũng là mất động cơ cải tiến?
Ngược lại, trên tờ South China Morning Post, Daniel Bell – trưởng khoa Khoa học chính trị và hành chính công ở trường Đại học Sơn Đông, Trung Quốc - cho rằng cuộc trấn áp tham nhũng ở nước này thực sự đã phát huy hiệu quả. Nó khiến nạn tham nhũng giảm đi đáng kể.
Nhưng, ông Daniel Bell lại cho rằng việc đẩy mạnh chống tham nhũng của Trung Quốc cũng có mặt trái của nó khi triệt tiêu tinh thần dám nghĩ dám làm của không ít cán bộ ở nước này. “Các quan chức trong chính quyền không chỉ phải nghĩ kỹ trước khi có hành vi tham nhũng mà họ lúc nào cũng phải đắn đo về khả năng mọi việc sẽ diễn ra theo chiều hướng xấu, tới mức mà việc đưa ra những quyết định đã trở nên gần như bị tê liệt hoàn toàn” – ông nói.
Theo ông Daniel Bell, thay vì tích cực, chủ động trong việc áp dụng những cải tiến trong công việc, rất ít quan chức ở Trung Quốc hiện sẵn sàng chấp nhận rủi ro để áp dụng những giải pháp sáng tạo, cải tiến trong những vấn đề mới và bất ngờ diễn ra để không bị chú ý đến và đảm bảo an toàn cho bản thân. Trình tự thủ tục để sử dụng các khoản công quỹ vào các hoạt động phục vụ cộng đồng cũng trở nên khó khăn hơn và nhiều địa phương trở nên có suy nghĩ không làm gì để an toàn hơn.
Ông Daniel Bell cho rằng, chủ nghĩa bảo thủ đồng nghĩa với việc những cán bộ có tư tưởng cải tiến và sẵn sàng chấp nhận rủi ro sẽ không được thăng chức, đồng nghĩa với việc nhiều vấn đề trong công việc hay bộ máy không được giải quyết. Trong dài hạn, việc này có thể khiến những người có tài trở nên ì trệ và mất đi nhiệt huyết phục vụ cộng đồng.
Ông Daniel Bell khuyến nghị cần phải giảm bớt đà của cuộc trấn áp tham nhũng ở Trung Quốc, thay vào đó tập trung vào các biện pháp làm giảm động cơ tham nhũng, trong đó có việc bảo đảm mức lương cao hơn cho các cán bộ, đồng thời tách bạch rõ ràng hơn giữa quyền lực kinh tế và chính trị.