Cuộc chiến vì văn hóa

(PLVN) - Covid-19 đã bị đẩy lùi tại Việt Nam. Không có gì vui hơn thế, một dấu ấn không thể tự hào hơn trước thế giới, trước đại dịch toàn cầu. Thế giới đã bắt đầu phải “mổ xẻ” về thành công của Việt Nam, vì con người ở chính nước họ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo Guardian của Anh cho rằng Việt Nam đã thành công trong cuộc chiến kiểm soát dịch Covid-19 nhờ hành động nhanh chóng, quyết liệt và huy động toàn dân tham gia cũng như đảm bảo sự minh bạch. Báo Washington Post cho rằng Việt Nam là câu chuyện “thành công ngoại lệ” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và Mỹ có thể học hỏi từ điều này. Vâng, minh bạch là một nguyên nhân.

Thế nhưng, có một khoảng tối, không thể không buồn khi cả nước “chống dịch như chống giặc”. Đó là việc lộ diện các khuôn mặt lợi dụng dịch bệnh “đục khoét”. Hàng chục nghìn tỷ được chi cho phòng chống đại dịch Covid-19, trong đó không ít là dành cho mua sắm trang thiết bị y tế. Tình trạng chi tiêu vô tội vạ, gây lãng phí ngân sách sẽ xảy ra. Không còn “nếu” nữa, thực tế đã xảy ra. Nạn rút ruột, nâng khống giá trị để trục lợi đã xảy ra.

Câu chuyện ở CDC Hà Nội và dấu hiệu ở một số tỉnh mua thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch với giá “trên trời”, bị “động rừng” thì loanh quanh vừa qua là tiếng chuông cảnh báo mạnh mẽ.

Thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh là hoàn cảnh đặc biệt. Đáp ứng hoàn cảnh ấy, bao giờ cũng phải thực hiện “cơ chế cấp bách”, nhiều gói thầu hàng chục tỷ đồng đã được các đơn vị chi ra để mua trang thiết bị, vật tư y tế bằng hình thức chỉ định thầu. “Chỉ định thầu”, vâng, gói thầu sẽ dễ vào tay “sân sau”, dễ “gửi giá”. Để “lách luật”, thủ đoạn phổ biến vẫn là chia nhỏ gói thầu để thực hiện chỉ định thầu.

Về câu chuyện trang thiết bị chống Covid-19, sau khi được báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh..., nhất là các gói thầu mua sắm máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ai sai sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, câu chuyện này cho thấy, chúng ta đã thắng Covid-19, bằng quyết tâm, sự đồng lòng, nhưng “Covid tham nhũng” vẫn còn gian nan. Gần như các giải pháp có thể thực hiện để chống tham nhũng đã được ban hành; từ học tập, nâng cao nhận thức, cam kết, xây dựng hành lang pháp lý đến đấu tranh, xử lý trước pháp luật đối tượng tham nhũng. Tuy nhiên, “Covid tham nhũng” ẩn nấp sau nhiều “lớp áo”, ngự ở nhiều vị trí, có điều kiện sẽ xuất hiện. Do vậy, đây còn là cuộc đấu tranh về nhận thức, đấu tranh vì văn hóa.

Đọc thêm