Trúng đấu giá 5 năm chưa có đất
Như PLVN đã từng phản ánh, năm 2013, 6 hộ dân trú tại các huyện Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn tỉnh Phú Thọ đã tham gia đấu giá và trúng đấu giá các lô đất ở khu 10A, xã Tân Phú, do UBND huyện Tân Sơn bán đấu giá để tăng nguồn thu cho ngân sách, chỉnh trang phố thị.
Sau khi trúng đấu giá, các hộ dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Tháng 1/2014, họ được UBND huyện Tân Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) và lập các biên bản bàn giao đất. Tuy nhiên, khi các hộ dân ra ô đất trúng đấu giá đã được cấp GCN để làm nhà ở thì họ bất ngờ bị gia đình ông Đinh Văn Sinh (tại khu 10A, xã Tân Phú) là hộ có đất cũ đã được UBND huyện Tân Sơn thu hồi và đền bù ra ngăn cản, không cho làm.
"Trong rất nhiều buổi tiếp các hộ dân chúng tôi, ông Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cùng các phòng ban của huyện đều hứa với các hộ dân là sẽ xin ý kiến các cơ quan chuyên môn của tỉnh để tổ chức cưỡng chế, trả lại đất cho người dân trúng đấu giá. Nhưng thực tế đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được đất. Có thể thấy, UBND huyện Tân Sơn đã coi thường quyền lợi, cũng như tài sản của người dân và bất chấp quy định của pháp luật", đại diện 6 hộ dân bức xúc cho biết.
UBND huyện Tân Sơn buông lỏng quản lý
Trước sự việc nêu trên, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật TGS (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc UBND huyện Tân Sơn không bàn giao đất cho người trúng đấu giá là vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi đã để sự việc diễn ra đã 5 năm mà chưa giải quyết dứt điểm.
Sau nhiều lần khiếu nại nhưng chính quyền không giải quyết dứt điểm. Các hộ dân có thể khởi kiện vụ án hành chính đến Tòa án cấp có thẩm quyền giải quyết buộc UBND huyện Tân Sơn phải thực hiện nghĩa vụ giao tài sản cho người trúng đấu giá và yêu cầu bồi thường nếu có thiệt hại. Trường hợp UBND huyện Tân Sơn có những hành vi sai phạm của cá nhân có thẩm quyền thì người dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm theo Luật Tố cáo.
Hơn nữa, UBND huyện Tân Sơn khẳng định quá trình thu hồi đất trước khi tổ chức đấu giá là đúng quy định pháp luật, nhưng để chủ cũ thửa đất ngang nhiên chiếm đất và xây dựng công trình trên đất suốt thời gian 5 năm là không thể chấp nhận được.
Một chính quyền nhưng không xử lý được một cá nhân vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thể hiện sự yếu kém và coi thường pháp luật cũng như có sự buông lỏng quản lý đất đai nên dẫn đến tình trạng như vậy. Có thể thấy, người thiệt thòi lại là những người trúng đấu giá và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lại khoanh tay làm ngơ?
Bên cạnh đó, hành vi của ông Đinh Văn Sinh là vi phạm pháp luật về đất đai cần xử lý thích đáng và ở đây trách nhiệm không nhỏ thuộc về UBND huyện Tân Sơn khi để sự việc kéo dài như vậy.
Luật sư Hùng phân tích thêm, tại Điều 3 Nghị định 102/2014 và Điều 3 Nghị định 91/2019 quy định chiếm đất là hành vi tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép. Khi các hộ dân trúng đấu giá và đã được cấp GCN tức là họ đã xác lập quyền sở hữu và quyền định đoạt. Tuy nhiên, do chưa được bàn giao thửa đất nên họ không được thực hiện quyền sử dụng. Trong trường hợp người trúng đấu giá đã không thể sử dụng thửa đất dẫn đến phải đi ở nhờ, thuê nhà ở gây khó khăn trong cuộc sống cần yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Khoản 3 Điều 10 Nghị định 102/2014 xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi có hành vi lấn, chiếm đất ở. Do hành vi chiếm đất của ông Đinh Văn Sinh xảy ra từ năm 2014, nếu UBND huyện Tân Sơn đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ cưỡng chế ông Đinh Văn Sinh thực hiện quyết định xử phạt hành chính theo Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Trường hợp UBND huyện Tân Sơn đến nay chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì thời hiệu là 2 năm.
Đến nay thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đất của ông Đinh Văn Sinh đã hết và UBND huyện Tân Sơn ra quyết định không xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, UBND huyện Tân Sơn buộc ông Đinh Văn Sinh phải khắc phục hậu quả theo Điều 29 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 7 Điều 14 Nghị định 91/2019 buộc ông Đinh Văn Sinh khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại đất đã chiếm. Nếu sự việc có dấu hiệu của tội phạm, UBND huyện Tân Sơn cần chuyển hồ sơ đến cơ quan tố tụng hình sự để xử lý.
Bên cạnh đó, việc gia đình ông Đinh Văn Sinh cho rằng việc thu hồi đất của gia đình ông bồi thường không thỏa đáng có thể khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của pháp luật, không thể vì thế mà coi thường pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.