Bộ Thông tin và Truyền thông đang xem xét việc xây dựng một Thông tư về quản lý giá cước, trong đó có quy định về “giá sàn” để chống phá giá thị trường cước viễn thông...
|
l Vào tháng 11/2011, Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải từng nhận định gói cước Tỷ phú 2 mà Beeline chuẩn bị cung cấp có dấu hiệu phá giá thị trường. Tuy nhiên, sau đó ngày 9/12/2011, Beeline vẫn được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý cho cung cấp gói cước này |
Phá giá – người tiêu dùng lầm tưởng được lợi
Thời gian qua, một số mạng di động, chẳng hạn như Beeline đã triển khai những gói cước siêu rẻ, gây tranh cãi trên thị trường viễn thông di động xung quanh việc có hay không dấu hiệu phá giá thị trường. Đại diện mạng Beeline từng thừa nhận, những gói cước siêu rẻ đó chính là “cần” để nhà mạng này có thể “câu” được thuê bao trong bối cảnh thị trường thuê bao di động đã tiến dần đến mức bão hòa.
Tuy nhiên, vì thị trường cạnh tranh khốc liệt, không nhà mạng nào chịu ngồi yên nhìn DN khác “phá giá” để giành thuê bao. Thế nên, dẫn đến tình trạng các nhà mạng cùng tạo nên một “làn sóng” phá giá. Chẳng hạn như khi gói cước Tỷ phú của Beeline, có giá trị tính cước chưa đến 10 đồng/phút gọi nội mạng, không bị “tuýt còi”, một số nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone cũng rục rịch khuyến mại kiểu phá giá. Ông Lê Hữu Phương – Phó Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, hiện các DN lớn đều đang áp dụng mức cước 500 – 600 đồng/phút.
Nếu cấp phép cho Beeline được lưu hành gói cước khoảng 10 đồng/phút (2.700 đồng gọi 110 phút), thì chính cơ quan quản lý nhà nước đang gây áp lực cho lực lượng thanh tra. “Nếu không xử nghiêm Beeline và những “ông nhỏ” đang sốt ruột chinh phục thị trường bằng nhiều chiêu trò khác nhau, thì các “ông lớn” không “tâm phục khẩu phục” khi bị xử phạt, và đương nhiên các “ông lớn”cũng sẽ không thể “ngồi yên” nhìn các gói cước khuyến mãi khủng của các đối thủ cạnh tranh. Khi đó rất có thể dẫn tới hệ lụy vỡ thị trường viễn thông” – ông Phương nhận định.
“Gói cước siêu rẻ đầu tiên thoạt nhìn tưởng có lợi cho khách hàng, nhưng khi các nhà mạng cạnh tranh nhau bằng gói cước siêu rẻ có thể dẫn tới ảnh hưởng thị trường viễn thông. Cuối cùng, hệ lụy lại đổ lên chính đầu khách hàng” – ông Nguyễn Thành, chuyên gia viễn thông, chia sẻ.
Chống bằng “giá sàn”
Tại một cuộc họp mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, câu chuyện được các nhà quản lý đưa ra thảo luận là nếu cho rằng Beeline đang “phá giá” thị trường, thì thế nào bị coi là “phá giá”?
Luật Viễn thông và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông đã định tính thế nào là “phá giá” nhưng chưa định lượng giảm bao nhiêu phần trăm so với mức giá trung bình của thị trường sẽ là “phá giá thị trường”. Pháp lệnh Giá thì chỉ quy định bán quá mức dưới mức trung bình của thị trường là phá giá nhưng không nói rõ quá mức bao nhiêu phần trăm, việc xác định “ngưỡng” của “phá giá” tùy thuộc mức độ nhạy cảm của từng ngành, lĩnh vực.
Hiện, trong lĩnh vực thanh toán điện thoại quốc tế quy định rõ bán với mức giá thấp hơn 15% so với giá trung bình của thị trường thì bị coi là phá giá. Thế nhưng trong lĩnh vực thông tin di động cũng chỉ đang ước lượng nếu hạ xuống 20 – 30% so với giá trung bình trên thị trường thì được phép xác định là phá giá.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã yêu cầu Cục Viễn thông sớm xây dựng Thông tư về quản lý giá cước, trong đó có quy định về “giá sàn” để làm cơ sở xác định ngưỡng phá giá thị trường của các gói cước viễn thông, đặc biệt là gói cước di động hiện nay.
Bách Nguyễn