“Cuộc đua” làm nhạc phim

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua xuất hiện không ít ca khúc nhạc phim “nổi đình nổi đám” sau các bộ phim điện ảnh, truyền hình. Thậm chí, nhiều nhà làm phim đã lựa chọn chiến lược tung sớm các MV ca khúc nhạc phim bên cạnh “trailer” để thu hút khán giả.
 “Cuộc đua” làm nhạc phim

“Mạnh tay” đầu tư nhạc phim

Mới đây, ca khúc “Sao cha không” của nhạc sĩ – ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh xuất hiện trong bộ phim điện ảnh “Bố già” của hai đạo diễn Trấn Thành – Vũ Ngọc Đãng đã tạo nên “cơn sốt”. Chỉ tính riêng MV chính thức trên Youtube đã đạt 16 triệu lượt xem sau một tháng phát hành, chưa kể đến các nền tảng mạng xã hội khác. Bài hát “Cha già rồi đúng không” và “Điều cha chưa nói” của Ali Hoàng Dương vốn là nhạc phim webdrama “Bố già” cũng được cư dân mạng “đào lại” để nghe, đặc biệt khi phim đang được chiếu trên rạp. MV chính thức của hai ca khúc này trên Youtube đến nay đã thu về lần lượt là 10 triệu và 7,5 triệu lượt xem. 

Có nhiều người đánh giá rằng, chưa bao giờ các ca khúc nhạc phim tại Việt Nam lại được chú ý, tạo thành “làn sóng” nhanh đến vậy. Nhiều ca khúc, âm thanh được đầu tư chỉn chu, sắc nét trong các phân cảnh phim góp phần thể hiện chiều sâu tâm lý nhân vật, gia tăng cảm xúc người xem, ghi dấu ấn sâu sắc với khán giả xem phim hay người nghe nhạc. 

Đạo diễn Victor Vũ đã từng chia sẻ, bộ phim “Mắt biếc” có phần nhạc nền được xử lý và thu âm bởi dàn nhạc giao hưởng Bungari với 20 nhạc công châu Âu. Dù đây là một quyết định tốn kém nhưng nam đạo diễn khẳng định là điều cần thiết để tạo hiệu quả cảm xúc cho khán giả. Ca khúc “Có chàng trai viết lên cây” của Phan Mạnh Quỳnh đến nay đạt hàng trăm triệu lượt nghe trên nền tảng Youtube, tính tổng tất cả những video đăng tải chính thức của nghệ sĩ này. Đây cũng là bài hát được đông đảo bạn trẻ yêu thích cho tới tận bây giờ.

Thực tế cho thấy, có những ca khúc nhạc phim còn có khả năng “gánh” cả bộ phim. Như phim điện ảnh “Kiều”, dù hứng chịu nhiều chỉ trích liên quan kịch bản, bối cảnh, diễn xuất, nhưng nhiều khán giả cho rằng điểm cộng hiếm hoi của phim chính là phần âm nhạc, với ca khúc chính “Kiều mệnh khúc” do Bùi Lan Hương thể hiện. 

Không dừng ở đó, nhiều ca khúc nhạc phim còn thành công là một ca khúc độc lập trong nền âm nhạc đương đại Việt Nam. Đơn cử: Có chàng trai viết lên cây (phim Mắt biếc), Ngày chưa giông bão (phim Người bất tử), Chạy (phim Ròm), Cô gái ngày hôm qua (phim Cô gái đến từ hôm qua), Nếu được gặp lại nhau (phim Trái tim quái vật), Sự thật vỡ đôi (phim Tiệc trăng máu),… Ở lĩnh vực phim truyền hình cũng có những ca khúc chủ để nổi bật: Chuyện của cát (phim Cát đỏ), Cảm ơn con nhé (phim Về nhà đi con), Lặng yên (phim Lặng yên dưới vực sâu), Cứ thế (phim Tuổi thanh xuân), Hạnh phúc mong manh (phim Sống chung với mẹ chồng), Đi tìm tình yêu (phim Gạo nếp gạo tẻ), Vệt nắng nhạt nhòa (phim Hoa hồng trên ngực trái)… 

Kèm theo đó, có nhiều tên tuổi nổi tiếng đã được gắn liền với nhạc phim như nhạc sĩ Trọng Đài, NSƯT Tiến Minh,.. hay các nghệ sĩ trẻ Phan Mạnh Quỳnh, Nguyễn Hồng Thuận, Dương Khắc Linh, Only C… 

“Vùng đất” chưa khai phá hết

Không thể phủ nhận, những ca khúc nhạc phim chất lượng đã góp phần đáng kể làm sôi động và nâng tầm chất lượng cho đời sống âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên chỉ trong khoảng vài năm gần đây, nhạc phim mới thực sự được các đạo diễn, nghệ sĩ đầu tư “mạnh tay”. 

Nhạc sĩ Dương Trường Giang – người sáng tác ca khúc “Chuyện của cát” (phim truyền hình Cát đỏ) chia sẻ: “Dù những người làm phim từ thời kỳ đầu đến nay đều cố gắng để thích nghi, chuyên nghiệp hoá âm nhạc phim phù hợp văn hoá, phù hợp với độ phát triển của nước mình, tiềm lực kinh tế, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Thông thường barem dành cho một tác phẩm phim dài tập ở Việt Nam đang rất ít âm nhạc. Rất lãng phí khi một bộ phim điện ảnh dài 180 phút của điện ảnh Hàn, Mỹ đã thường có ít nhất 6-8 bản OST (ca khúc thu sẵn - PV)”.

Theo Hiệp hội Các nhà soạn nhạc, tác giả và nhà xuất bản Mỹ (ASCAP), có 3 loại âm nhạc trong phim: Bài nhạc đã được sáng tác trước đó, bài nhạc đặc biệt sáng tác cho bộ phim và nhạc nền cho phim. Hầu hết các OST của phim Việt thường không khai thác hết toàn bộ tiềm năng của cả 3 loại âm nhạc trong phim này để gây hiệu ứng tốt nhất cho khán giả. OST phim Việt thường chỉ bao gồm từ 1 đến 3 ca khúc chính, còn lại phần lớn đều không được đầu tư quá nhiều và quảng cáo rầm rộ đến công chúng. 

Việc “mạnh tay” đầu tư bài bản, chỉn chu cho các ca khúc nhạc phim đang cho thấy nhiều hiệu quả ưu việt trong “trận chiến phòng vé” của các bộ phim điện ảnh hay tỉ lệ rating của các bộ phim truyền hình. Tuy vậy, thế giới nhạc phim vẫn là một “cánh đồng bỏ hoang” đối với nhạc Việt khi phần lớn nhà làm phim, nhà làm nhạc vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng của thể loại này.