Từ cuộc đua của những “ông lớn”...
Việc “chuyển mình” theo xu hướng xanh hóa của nhiều doanh nghiệp đang được coi là khoản đầu tư xứng đáng, khi việc chú trọng phát triển xanh, bền vững đang là điều kiện cần và đủ để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu lớn, đồng thời tối đa hóa lợi nhuận. Với mong muốn đi trước sẽ có lợi thế chiếm lĩnh thị phần “hàng hóa xanh” ở các thị trường, các doanh nghiệp, từ những công ty nhỏ đến các tập đoàn lớn, đang tích cực tìm kiếm những cách thức để tham gia vào cuộc đua xanh hóa này. Tuy nhiên, hiện tại, cuộc đua này chủ yếu là sân chơi của những “ông lớn” với nguồn lực dồi dào và chiến lược mạnh mẽ.
Bắt đầu tham gia vào cuộc đua Net Zero từ năm 2020, thời điểm đó Tập đoàn Nestlé đã công bố lộ trình Nestlé Net Zero. Đây là lộ trình dài hạn được Nestlé đặt ra nhằm từng bước góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như đóng góp vào việc bảo tồn, tái tạo, tái sinh các nguồn tài nguyên tự nhiên cho thế hệ hiện tại và tương lai thông qua hợp tác với các đối tác và các bên liên quan. Với lộ trình này, Nestlé đặc biệt chú trọng đến các giải pháp như nông nghiệp tái sinh, bảo vệ rừng, phát triển bao bì bền vững, quản lý nguồn tài nguyên nước - những yếu tố chủ chốt giúp phục hồi hệ sinh thái và giảm lượng phát thải từ chuỗi cung ứng.
Kể từ đó đến nay, Nestlé chuyển đổi hoạt động kinh doanh và bắt đầu thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trên cả ba phạm vi hoạt động của Tập đoàn. Trong đó, nổi bật có chiến lược “Nestlé Forest Positive” nhằm mục đích bảo tồn và phục hồi rừng và môi trường sống tự nhiên và “Khung Nông nghiệp Nestlé” nhằm thực hiện một hệ thống nông nghiệp và thực phẩm có khả năng tái tạo hơn. Các biện pháp này không chỉ thể hiện trách nhiệm của Nestlé đối với chương trình hành động cụ thể nhằm hướng đến tương lai xanh của quốc gia, mà còn mở rộng ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng, hướng tới xây dựng một xã hội xanh, sạch và bền vững hơn.
Cùng với Tập đoàn Nestlé, một cái tên khác cũng đang chạy đua hết mình trên cuộc đua Net Zero là Tập đoàn TH. Ngay từ đầu, TH đã triển khai mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn với những hành động trọng tâm, trọng điểm. Từ năm 2014, doanh nghiệp đã đưa vào sử dụng máy tách phân, xử lý chất thải trang trại thành phân bón vi sinh. Hiện nay, TH sở hữu nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ Greenma, không chỉ phục vụ nội bộ mà còn cung ứng ra thị trường.
Đối với hệ thống xử lý nước thải, mỗi cụm trang trại của TH đều có nhà máy xử lý nước thải riêng, công suất từ 1.200 đến 2.500m³/ngày đêm. Từ năm 2020, tập đoàn đã lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, sản xuất khoảng 8 triệu kWh/năm, giúp giảm 5.000 - 6.000 tấn CO2 phát thải, đồng thời chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sinh khối và triển khai thu gom bao bì sau sử dụng.
Không dừng lại ở đó, TH còn thực hiện nhiều sáng kiến nhằm cắt giảm tối đa lượng nhựa trong sản xuất. Những nỗ lực này không chỉ khẳng định vai trò tiên phong của TH trong việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện cam kết Net Zero mà còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong suốt vòng đời sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ngoài hai cái tên đã được nhắc đến, vẫn còn nhiều những “ông lớn” khác từ mọi lĩnh vực đều đang không ngừng chuyển mình để tham gia vào cuộc đua Net Zero. Cuộc cạnh tranh giữa từng doanh nghiệp giờ đây không chỉ xoay quanh chất lượng hay giá cả, mà còn là “bài toán” phát triển xanh, phát triển bền vững.
...Đến tấm gương xanh hóa cho startup Việt
Có thể thấy, quá trình xanh hóa đã trở thành chiến lược cốt lõi, mang lại lợi thế cạnh tranh cho nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh Net Zero, những doanh nghiệp tiên phong trong lộ trình này sẽ nắm giữ “chìa khóa” phát triển bền vững, mở ra nhiều cơ hội và lợi ích to lớn. Ngược lại, những doanh nghiệp chậm chân sẽ đối mặt với nguy cơ mất dần lợi thế cạnh tranh, thậm chí bị đào thải khi thị trường ngày càng ưu tiên các tiêu chí bền vững.
|
Nguồn năng lượng xanh từ những mái trang trại bò sữa của Tập đoàn TH. (Nguồn: EVN) |
Thực tế này đã được thể hiện qua cuộc đua Net Zero của những “ông lớn”, trở thành minh chứng rõ nét cho xu hướng tất yếu của nền kinh tế hiện đại. Đây cũng là tấm gương để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các startup noi theo. Trong bối cảnh thị trường ngày càng đề cao yếu tố xanh và bền vững, các doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ cần tập trung vào mô hình kinh doanh hiệu quả mà còn phải xây dựng nền tảng phát triển dài hạn, thân thiện với môi trường và có trách nhiệm với cộng đồng. Giờ đây, xanh hóa không còn là việc muốn hay không mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, để doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu bền vững.
Những startup có tầm nhìn xa, bước vào cuộc đua Net Zero ngay từ đầu, không chỉ tạo dựng lợi thế cạnh tranh mà còn dễ dàng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và người tiêu dùng hiện đại. Tuy nhiên, quá trình xanh hóa không hề đơn giản. Ngay cả những doanh nghiệp lâu năm cũng gặp không ít thách thức, chưa kể đến các startup với nguồn lực hạn chế. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, việc đáp ứng các tiêu chuẩn hiện có đã là một “bài toán khó”, thì việc theo đuổi các tiêu chuẩn xanh càng trở thành thách thức lớn, đòi hỏi sự đầu tư không chỉ về vốn, mà còn về kinh nghiệm và công nghệ.
Trong đó, rào cản lớn nhất đối với các startup chính là vấn đề tài chính. Quá trình xanh hóa đòi hỏi sự cải tiến toàn diện trong mô hình sản xuất, kinh doanh. Những yêu cầu này đòi hỏi nguồn vốn đáng kể đầu tư vào hệ thống vận hành đạt tiêu chuẩn xanh. Tuy nhiên, không phải startup nào cũng có đủ tiềm lực tài chính để thực hiện những thay đổi này ngay từ giai đoạn đầu.
Nhìn chung, các startup Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong hành trình xanh hóa do hạn chế về nguồn lực, bao gồm tài chính, khoa học - công nghệ và các giải pháp xanh phù hợp. Sự thiếu hụt này không chỉ cản trở quá trình phát triển mô hình bền vững mà còn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Nhiều startup dù đã ý thức được tầm quan trọng của việc giảm phát thải và bắt đầu quá trình xanh hóa nhưng vẫn loay hoay trong việc xác định lộ trình cụ thể, dẫn đến quá trình triển khai chậm trễ.
Theo các chuyên gia, để các startup trong lĩnh vực tăng trưởng xanh có thể thành công, sự hỗ trợ từ chính sách là vô cùng cần thiết. Việt Nam cần tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực như kinh tế xanh, năng lượng sạch, xử lý rác thải… Đồng thời, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ startup xanh, bao gồm khung pháp lý, ưu đãi tài chính, tài trợ và thu hút đầu tư nước ngoài, sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.
Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, bao gồm Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, nhằm xây dựng một hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ hỗ trợ các startup xanh. Sự đồng hành này đóng vai trò then chốt, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua những rào cản khi tham gia vào quá trình xanh hóa, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để họ phát triển theo hướng bền vững và có trách nhiệm với xã hội.
Trong cuộc đua Net Zero, định nghĩa khái niệm thành công dần thay đổi. Thành công giờ đây không chỉ gói gọn trong những con số tài chính mà còn được đo lường bằng giá trị bền vững mà doanh nghiệp mang lại, từ trách nhiệm với môi trường, tác động tích cực đến xã hội cho đến khả năng thích ứng và đổi mới. Đây cũng là mục tiêu thành công mà ngày càng nhiều doanh nghiệp theo đuổi, bao gồm cả các startup - những doanh nghiệp trẻ đang đặt nền móng cho tương lai.