Việt Nam nỗ lực thực hiện cam kết Net Zero

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam đã cam kết Net Zero vào năm 2050. Đây là một cam kết táo bạo, cần sự chung tay từ các quốc gia phát triển trên toàn thế giới, trong đó Liên minh Châu Âu (EU) được nhắc đến với vai trò đi đầu trong nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế xanh.
Việt Nam cần sự giúp sức từ quốc tế trong tăng trường xanh. (Ảnh minh họa: Bộ Công Thương)
Việt Nam cần sự giúp sức từ quốc tế trong tăng trường xanh. (Ảnh minh họa: Bộ Công Thương)

Từng bước xây dựng nền kinh tế xanh

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tăng trưởng xanh (TTX) và phát triển bền vững trở thành những định hướng chiến lược phù hợp cho phục hồi, phát triển của nền kinh tế và xa hơn là phòng ngừa rủi ro của cả khu vực công và tư. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 10 năm 2021 - 2030 đã đề ra định hướng lớn là phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số.

Đồng thời, với việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH), Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm hướng đến Net Zero bằng Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch Quy hoạch điện VIII hướng đến các mục tiêu đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm mạnh nhiệt điện than, phát triển hợp lý nguồn điện khí sử dụng LNG và sử dụng các nguồn điện sinh khối.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, các định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và đang được cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể cùng với các phương án huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và bên ngoài nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước, địa phương, người dân và DN. “Chúng tôi hiểu rõ rằng, trên hành trình đi đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thực hiện TTX, Việt Nam không thể đi một mình” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, phát triển nông nghiệp gắn với TTX chính là hướng đi mà Việt Nam luôn hướng tới. Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp xanh còn rất nhiều khó khăn và thách thức, cần nhiều hướng đi và kinh nghiệm quốc tế, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của EU. “Chúng tôi cũng mong EU hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, thông qua nâng cao năng lực, thí điểm và nhân rộng truy xuất nguồn gốc điện tự gắn với theo dõi dấu chân các bon, dán nhãn các bon một số ngành hàng chủ lực có tỷ trọng xuất khẩu sang EU cao. Ngoài ta, chúng ta có thể mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như ứng phó BĐKH, TTX” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói.

EU sẽ đồng hành cùng Việt Nam

Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier thông tin, EU đã có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng các chính sách và giải pháp hỗ trợ nền kinh tế xanh và cuộc chiến chống BĐKH. Thỏa thuận Xanh châu Âu đã mang lại những kết quả tích cực. Năm ngoái, lượng phát thải khí nhà kính ở châu Âu đã giảm khoảng 2,5%, trong khi nền kinh tế tăng trưởng 3,5%. “Đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy việc giảm phát thải khí nhà kính thành công là khả thi song song với việc duy trì sự tăng trưởng nền kinh tế” - Đại sứ EU tại Việt Nam nói.

Ông Julien Guerrier cũng chia sẻ, cam kết đầy tham vọng của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH, bao gồm cả cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 khiến ông nghĩ rằng EU và Việt Nam có chung lợi ích trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, ít phát thải. Và những lợi ích chung như vậy có tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hình sự hợp tác song phương của 2 bên. Đồng thời cho biết, thông qua cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), EU sẽ cung cấp các nguồn lực đáng kể để đồng hành cùng Việt Nam.

Bên cạnh đó, EU sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển một hệ thống tài chính minh bạch và chống chịu tốt, thúc đẩy đầu tư bền vững và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Bởi hệ thống tài chính minh bạch và lành mạnh đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi của nền kinh tế thực theo hướng bền vững. EU đã thể hiện cam kết thực hiện các quy định tài chính nghiêm ngặt, hỗ trợ các sáng kiến tài chính xanh và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư.

Đọc thêm