Cuộc hành trình tri ân lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng triệu cựu chiến binh, thân nhân tới thăm chiến trường xưa để nhớ lại một thời chiến đấu hào hùng, tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Đông đảo khách du lịch, các thanh niên, sinh viên cũng muốn đến để tham quan, học hỏi, giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc.
Huyền thoại tuổi thanh xuân khiến người xem xúc động. (ảnh: Bảo Châu)
Huyền thoại tuổi thanh xuân khiến người xem xúc động. (ảnh: Bảo Châu)

Rưng rưng những địa danh anh hùng

Những ngày tháng 7, giữa cái nắng hè chói chang, những đoàn người di chuyển về với Quảng Bình, Quảng Trị ngày một nhiều thêm. Tuyến du lịch về nguồn thường xuyên được du khách Việt tìm về vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 cận kề.

Quảng Bình và Quảng Trị, những địa danh từng diễn ra những trận chiến ác liệt để đất nước giành được độc lập ngày nào. Trong tiềm thức của các thế hệ Việt Nam, Quảng Bình, Quảng Trị luôn in sâu với dấu ấn là hành trình ký ức lịch sử với những người đầu bạc và là hành trình về nguồn với những ai tóc còn xanh.

Nằm trong tuyến hành trình về nguồn còn có một số điểm đến khác như Tân Trào - Tuyên Quang, Cao Bằng - Pác Bó, Điện Biên… Song cung đường miền Trung với hành trình về thăm quê Bác, kết hợp đi dọc các địa danh chứng tích lịch sử Quảng Bình, Quảng Trị là hành trình các cựu chiến binh, hội hưu trí, người cao tuổi mong mỏi thực hiện hơn cả. Đây cũng là hành trình phù hợp để các thế hệ thanh, thiếu niên sau này hiểu hơn về lịch sử dân tộc, về những chiến công, hy sinh của cha anh dành cho thế hệ sau.

Hành trình: Vinh - Quê Bác - Quảng Bình - Thành cổ Quảng Trị - Cố đô Huế với những địa danh từng chứng kiến trận đánh cam go, những câu chuyện về một thời khói lửa thương đau nhưng cũng đầy huy hoàng, bất khuất… sẽ được tái hiện lại một cách sinh động, chân thực, qua lời thuyết minh của những cựu chiến binh, những người làm du lịch.

“Ngọn lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi hai mươi” với chuyến hành trình qua các địa điểm lịch sử như thăm khu tưởng niệm vụ thảm sát làng Mỹ Lai - Sơn Mỹ, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi) hoặc “Trở về chiến trường xưa Quảng Trị” thăm nhiều di tích lịch sử ở Quảng Trị như Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vĩnh Mốc... Đây là tour du lịch giúp thế hệ trẻ tìm về cội nguồn.

Tháng 7 luôn là thời điểm được nhiều du khách lựa chọn nhất để đến Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho các hoạt động du lịch về nguồn. Du khách viếng thăm Nhà tù Côn Đảo - nơi thực dân Pháp biệt giam hàng nghìn chiến sĩ cộng sản Việt Nam, dùng những biện pháp tra tấn, hành hạ về cả thể xác và tinh thần.

Du khách cúi mình thắp hương tại nghĩa trang Hàng Dương: Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước Việt Nam. Đến Côn Đảo tháng 7, du khách tham gia nghi lễ viếng và thắp hương tưởng niệm tổ chức vào buổi tối. Sau đó có thể kết hợp viếng mộ chị Võ Thị Sáu - người con gái Đất Đỏ, nữ tử tù đầu tiên tại Côn Đảo. Thăm Côn Đảo tháng 7, du khách còn viếng thăm miếu An Sơn - là nơi thờ bà Phi Yến - vợ Chúa Nguyễn Ánh. Ngôi miếu này rất linh thiêng bởi nó gắn liền với câu chuyện bi thương của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn với tấm lòng yêu nước thiết tha đó là truyền thuyết bà Phi Yến.

Tham gia tour “Khám phá quốc lộ 279”, du khách đến với tỉnh Phú Thọ để tri ân Mẫu Thượng ngàn tại đền Hạ và tri ân công đức của các vua Hùng tại Đền Hùng; dâng hương tại nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang). Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên), Nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang), Địa đạo Củ Chi (TP HCM)…

Chương trình trải nghiệm tôn vinh những chiến sĩ năm xưa

Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức tour du lịch đêm mới với chủ đề “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân”. Chương trình trải nghiệm kết hợp giữa tham quan di tích với nhiều hoạt cảnh, tái hiện chân thực cuộc sống khắc nghiệt trong Nhà tù Hỏa Lò. Chương trình vừa tạo sức hút cho du lịch; vừa góp phần giúp mọi người hiểu thêm tinh thần cách mạng của những chiến sĩ năm xưa. Qua cách thiết kế các hoạt cảnh, những tình tiết đời sống khắc nghiệt trong Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã được tái hiện chân thực, từ đó làm nổi bật hình ảnh những nhân vật ưu tú của dân tộc. Dù bị bỏ đói, bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn và thậm chí đối mặt với cái chết, những chiến sĩ bị địch bắt giam cầm năm xưa vẫn giữ vững niềm tin, lạc quan và khí tiết kiên trung đến phút cuối cùng của cuộc đời.

Hành trình Đêm thiêng liêng 3 với nhiều hoạt cảnh tái hiện chân thực cuộc sống khắc nghiệt đối với các chiến sĩ cách mạng trong Nhà tù Hoả Lò. (Ảnh: Thanh Tùng)

Hành trình Đêm thiêng liêng 3 với nhiều hoạt cảnh tái hiện chân thực cuộc sống khắc nghiệt đối với các chiến sĩ cách mạng trong Nhà tù Hoả Lò.

(Ảnh: Thanh Tùng)

Trải nghiệm vào hành trình này, khách tham quan được xem nhiều hoạt cảnh ấn tượng như đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn kiêu hãnh đón nhận cái chết bằng máy chém trước cổng chính Nhà tù Hỏa Lò vào năm 1931, “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”, “Vượt ngục năm 1945” và câu chuyện đồng chí Nguyễn Đức Cảnh gặp mẹ lần cuối trước khi chịu án tử hình. Ngoài ra, câu chuyện về đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh sau này) kiên cường đấu tranh trong ngục tối, đồng chí Đặng Việt Châu (Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ) hy sinh trọn đời cho Tổ quốc cũng là những tấm gương kiên trung đáng ngưỡng mộ.

Các hoạt cảnh được dàn dựng chân thực, góp phần làm nổi bật hình tượng những người con ưu tú của dân tộc dù bị bỏ đói, hành hạ, đánh đập dã man, thậm chí đối mặt với cái chết vẫn lạc quan, giữ vững khí tiết kiên trung đến giây phút cuối cùng. Tham gia trải nghiệm, khách du lịch còn nhập vai tù chính trị để trải nghiệm sự ngột ngạt, u tối trong các phòng giam, xà lim; trải nghiệm sự gian nan, nguy hiểm khi chui cống ngầm vượt ngục... Từ đó, cảm nhận rõ nét tinh thần vượt lên gian khổ, ngọn lửa đấu tranh bền bỉ trong chốn lao tù khắc nghiệt. Chặng cuối của hành trình là lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ trong không gian thiêng liêng tại Đài tưởng niệm.

Tour “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân” là lời tri ân đối với những đóng góp, sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng trẻ tuổi, từng bị thực dân Pháp bắt giam trong Nhà tù Hỏa Lò. Chương trình tạo thêm sản phẩm cho du lịch đêm Hà Nội, vừa góp phần giúp mọi người hiểu thêm tinh thần cách mạng của những chiến sĩ cộng sản năm xưa.

Chương trình trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt “Huyền thoại tuổi thanh xuân” được đạo diễn Lê Quý Dương phối hợp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức được công diễn vào các ngày cuối tuần tại sân khấu Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam (Hà Nội).

“Huyền thoại tuổi thanh xuân” tái hiện lại câu chuyện xảy ra tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc, năm 1968, trên tuyến đường huyết mạch 15A, nơi 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP đã sống, chiến đấu, học tập, lao động sản xuất và anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm liên tục thông đường cho các đoàn xe chở vũ khí, lương thực từ miền Bắc tiến vào chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, “Ngã ba Đồng Lộc” được nhắc đến như một khúc tráng ca về tinh thần bất khuất, anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây, 56 năm về trước đã chứng kiến sự ngã xuống đầy anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong.

Không chỉ thưởng thức nghệ thuật, người xem thực sự được trải nghiệm bối cảnh không gian chiến trường khốc liệt bằng công nghệ hình ảnh, ánh sáng, hiệu ứng 3D với những hố bom, những căn hầm chữ A, con đường vượt qua trọng điểm trận địa pháo và các đoàn xe chở hàng, chở quân ra trận. Qua đó, người xem cảm nhận và trải nghiệm chân thực, sống động hơn về 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng trên chiến trường Ngã ba Đồng Lộc ở tuổi mới chỉ mười tám, đôi mươi. Dù cuộc đời ngắn ngủi, nhưng họ đã làm nên huyền thoại tuổi thanh xuân bất tử của chính mình.

Sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong, tinh thần xả thân của cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân thuộc các lực lượng tại chiến trường Đồng Lộc là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện khát vọng hòa bình của mỗi người dân Việt Nam.

Địa đạo Củ Chi trở thành địa danh lịch sử thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan. (ảnh: Bảo An)

Địa đạo Củ Chi trở thành địa danh lịch sử thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan. (ảnh: Bảo An)

Tour đêm trải nghiệm tại Địa đạo Củ Chi tour đêm, du khách được tham quan và trải nghiệm sinh hoạt vào buổi tối của người dân vùng giải phóng những năm 1960. Đây là giai đoạn sau Đồng Khởi 1960, Mỹ ngụy tiến hành chiến lược "chiến tranh đặc biệt" đánh phá ác liệt, do quân ngụy trực tiếp tác chiến, quân Mỹ làm cố vấn. Con người Củ Chi sống trong giai đoạn này hòa cùng khí thế hào hùng của dân tộc, luôn giữ sự lạc quan, tin tưởng, hăng hái tham gia phong trào cách mạng.

Tour tham quan lấy ánh trăng làm chủ đạo, tái hiện cuộc sống về đêm của người dân Củ Chi sống trong vùng giải phóng với những hoạt động như đào địa đạo, đan lát dưới ánh trăng, thanh niên đăng ký tòng quân đánh giặc, xay lúa, giã gạo, trai gái hò đối đáp nhau trên đồng ruộng, họp chợ, văn công về biểu diễn phục vụ bộ đội, du kích và người dân hòa lẫn với tiếng bom, tiếng pháo, tiếng máy bay địch tuần tiễu.

Du khách sẽ được xem sa bàn, phim 3D tái hiện trận càn Cedar Falls năm 1967 và chương trình nghệ thuật chủ đề “Trăng chiến khu”. Chương trình trải nghiệm này góp phần giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ trẻ Việt Nam.

Đọc thêm