Cuộc sống và chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Câu chuyện một số nhà đầu tư bỏ thầu trong đấu giá BĐS ở Thủ Thiêm (TP HCM) cuối năm ngoái chỉ là biểu hiện “tràn ly” của những yếu tố tiêu cực. Đất đắt, giá luôn luôn bị “thổi” lên trời, mừng hay lo âu?
Một số nhà đầu tư bỏ thầu trong đấu giá BĐS ở Thủ Thiêm (TP HCM)
Một số nhà đầu tư bỏ thầu trong đấu giá BĐS ở Thủ Thiêm (TP HCM)

Tại Hội thảo nhận định thị trường bất động sản (BĐS) 2022, xu hướng và thách thức do Hội Môi giới BĐS Việt Nam tổ chức, mới đây, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, thị trường BĐS Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng 15%/năm và dự báo có nhiều triển vọng trong thời gian tới dựa trên các yếu tố vĩ mô bền vững.

Với dự báo sẽ duy trì tăng trưởng hơn 6% trong những năm tới, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế vừa và nhỏ có sức bật tốt so với nhiều nước trong khu vực. Đây cũng chính là lợi thế cạnh tranh giúp BĐS Việt Nam duy trì nhịp tăng trưởng nhất định, vượt qua lực cản dịch bệnh.

Đúng là BĐS Việt Nam luôn nóng, đang nóng, bất chấp dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm qua. Nhưng bên cạnh yếu tố tích cực, nhiều nhân tố tiêu cực đã và đang bộc lộ. Câu chuyện một số nhà đầu tư bỏ thầu trong đấu giá BĐS ở Thủ Thiêm (TP HCM) cuối năm ngoái chỉ là biểu hiện “tràn ly” của những yếu tố tiêu cực. Đất đắt, giá luôn luôn bị “thổi” lên trời, mừng hay lo âu? Chắc chắn lo âu nhiều.

Chính vì thế, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 16/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, trong đó, quy định mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về kinh doanh BĐS. Thế nhưng, mức phạt cao nhất cũng không nhằm nhò gì.

Tình trạng “sốt” đất thời gian qua, kéo dài có nguyên nhân “dân” môi giới kích giá, đẩy giá để làm “nóng” thị trường. Nắm được tình hình đấy, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản gửi các địa phương, đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát xử lý. Để các nhà môi giới không lợi dụng làm “nóng” thị trường lên thì phải công khai thông tin một cách kịp thời nhưng xem ra chưa đáp ứng yêu cầu. Quy luật là, môi giới thường lợi dụng thông tin chưa rõ ràng, chưa chính xác để kích giá. Vì vậy, cần đẩy nhanh cung cấp thông tin công khai, đảm bảo cho người dân, khách hàng tiếp cận được thông tin chính xác, biết được chỗ nào làm đúng, chỗ nào có cơ sở pháp lý, chỗ nào làm sai...

Được biết, Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 117/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Trong đó có những quy định cho các địa phương cung cấp thông tin để làm sao liên thông từ địa phương lên Bộ, từ đó có những cung cấp thông tin kịp thời hơn, chính xác hơn.

Quan trọng nhất là thông tin phải nhanh chóng. Trong đó tối thiểu có những thông tin về quy hoạch dự án, dự án đủ điều kiện được bán. Cùng với đó sẽ có những quy định quản lý chặt chẽ hơn các nhà môi giới. Về việc tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý hoạt động môi giới, Bộ Xây dựng cũng đang trình sửa Nghị định 139/NĐ-CP, theo hướng tăng mức nặng xử lý môi giới vi phạm. Trong dài hạn, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở, trong đó có giải pháp quản lý chặt môi giới. Chính sách, pháp luật nếu không theo kịp cuộc sống bao giờ cũng dẫn đến nhiều hệ lụy, thị trường BĐS Việt Nam chỉ là một “câu chuyện”.

Đọc thêm