Trước đó, ngày 12/12/2024, Thủ tướng ký ban hành Quyết định 1568/QĐ-TTg kiện toàn Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án và Công điện 112/CĐ-TTg về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Báo cáo kết quả rà soát các công trình, dự án tồn đọng trên địa bàn theo Công điện 112, đại diện UBND TP HCM cho biết, tính đến 25/12/2024, có 12 công trình, dự án tồn đọng cần kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, giải quyết, cụ thể. Trong đó có 6 dự án đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cùng 3 dự án, 3 tài sản công vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, ngành.
Đối với các dự án đầu tư, các khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan giải phóng mặt bằng; điều kiện, mục tiêu sử dụng đất; chỉ tiêu quy hoạch của dự án thành phần; phương án tài chính của dự án; một số nội dung trong quyết định đầu tư cần điều chỉnh để phù hợp quy định pháp luật mới. Còn vướng mắc tại với các tài sản công đều liên quan sắp xếp lại cơ sở nhà đất do các Bộ, ngành Trung ương quản lý.
TP HCM cũng đã thống kê 66 dự án bất động sản vướng mắc, kéo dài, trong đó TP đã giải quyết được 34 dự án, còn 32 dự án cần tiếp tục giải quyết. Ngoài ra, còn có 200 dự án khác đang tập hợp thông tin.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết, qua rà soát, xử lý các dự án, Chính phủ cũng đã có thêm nhiều kinh nghiệm để trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), sửa đổi 13 luật khác; và trong hơn 1 tháng qua, Chính phủ cũng đã ban hành hàng chục nghị định hướng dẫn.
Để gỡ vướng cho các dự án có nhiều “điểm nghẽn” theo báo cáo mới của TP HCM, dự kiến trước 15/1, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết mới, là điểm tựa giúp TP giải quyết khó khăn. Với 200 dự án vướng mắc đang được TP rà soát, Thủ tướng yêu cầu phân loại, xác định thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc, đề xuất phương án xử lý theo các luật mới ban hành. Còn 32/66 các dự án bất động sản tồn đọng chưa được xử lý, đề nghị rà soát lại, vận dụng kinh nghiệm xử lý các dự án tương tự để tháo gỡ.
Thủ tướng chỉ đạo, sắp tới TP cần phân loại các dự án theo 2 nhóm. Với các dự án đã có tiền lệ thì xử lý theo thẩm quyền, nếu vướng ở đâu, quy định pháp luật nào thì báo cáo Chính phủ để đề xuất Quốc hội tháo gỡ. Riêng những dự án chưa có tiền lệ thì đề xuất quy định xử lý, tháo gỡ. Quá trình giải quyết không để “sai chồng sai”, không xảy ra tiêu cực, lãng phí; tất cả thực hiện trên tinh thần “không câu nệ”, “có thông tin đến đâu thì xử lý đến đó”.
Để gỡ vướng, khơi thông được nguồn lực, “cái gốc” là từ luật pháp. Thực tế công việc gỡ vướng một số “điểm nghẽn” của TP HCM cho thấy, những quyết định, quan điểm giải quyết như trên là rất đúng đắn, hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, để công việc này có hiệu quả hơn nữa, không chỉ riêng TP HCM mà các địa phương, các Bộ, ngành cần mạnh dạn đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đưa ra những kiến nghị khi thấy vấn đề chưa rõ, từ đó mới có thể tìm ra cách để giải quyết.