Cuộc thi Pháp luật học đường: “Sân chơi” tìm hiểu pháp luật thiết thực, bổ ích

(PLVN) -Với số lượng thí sinh tham gia tăng từng tuần cho thấy, cuộc thi Pháp luật học đường đã thu hút, hấp dẫn tuổi trẻ học đường, tạo “sân chơi” tìm hiểu pháp luật bổ ích, lý thú và tạo hiệu ứng xã hội tích cực.

Sẽ ưu tiên xét tuyển vào Đại học Luật cho thí sinh đạt giải cao

Để việc tổ chức Cuộc thi Pháp luật học đường được hiệu quả, sau khi Kế hoạch tổ chức Cuộc thi được ban hành, Bộ Tư pháp đã thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu làm Trưởng ban. Thành viên Ban Tổ chức và Tổ Thư ký giúp việc gồm đại diện lãnh đạo, chuyên viên của một số đơn vị chức năng, trong đó, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp là đơn vị thường trực của Cuộc thi. 

Đến nay, hầu hết các địa phương đều tham mưu ban hành các văn bản triển khai, hưởng ứng, tham gia Cuộc thi. Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản cam kết thực hiện chính sách ưu tiên xét tuyển cho thí sinh đạt giải cao của Cuộc thi khi đăng ký xét tuyển vào Trường; thí sinh đạt Giải nhất có thể được xét cấp học bổng tương tự như thủ khoa đầu vào khi đăng ký dự tuyển và trúng tuyển vào hai trường. Qua đó, tạo động lực, khuyến khích các em học sinh phấn khởi tham gia, hưởng ứng Cuộc thi. 

Một cuộc họp của Ban Tổ chức cuộc thi nhằm chuẩn bị Lễ Phát động
 Một cuộc họp của Ban Tổ chức cuộc thi nhằm chuẩn bị Lễ Phát động

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Cuộc thi đã phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup xây dựng website (timhieuphapluat.vn), hệ cơ sở dữ liệu, phần mềm thi trực tuyến và chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật phục vụ Cuộc thi.

Ban Tổ chức Cuộc thi đã xây dựng, thẩm định Bộ câu hỏi và đáp án phục vụ tổ chức Cuộc thi với số lượng 1.240 câu hỏi thi gắn với kiến thức môn học giáo dục công dân, pháp luật cho học sinh, học viên, sinh viên các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đồng thời cập nhật, mở rộng một số nội dung, kiến thức pháp luật phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các em. Để các câu hỏi thi đảm bảo chất lượng, phù hợp với đối tượng dự thi, Ban Tổ chức đã thành lập Hội đồng thẩm định Bộ câu hỏi và đáp án thi; tổ chức cuộc họp thẩm định Bộ câu hỏi và đáp án thi.

Các cuộc họp Ban Tổ chức diễn ra thường xuyên để kịp thời đánh giá và điều chỉnh những vấn đề phát sinh từ cuộc thi
 Các cuộc họp Ban Tổ chức diễn ra thường xuyên để kịp thời đánh giá và điều chỉnh những vấn đề phát sinh từ cuộc thi

Sau Lễ phát động được tổ chức trang trọng, thành công ở Trung ương, nhiều địa phương, trường học đã hưởng ứng, tổ chức phát động Cuộc thi và vận động, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên dự thi. Kết thúc mỗi tuần thi của vòng loại, Ban Tổ chức tiến hành rà soát, xác minh thông tin và tiến hành trao giải thưởng.

Xây dựng thói quen học tập pháp luật

Theo đánh giá của Ban Tổ chức cuộc thi, với số lượng gần 315.000 lượt thí sinh dự thi chứng tỏ Cuộc thi đã thu hút, hấp dẫn tuổi trẻ học đường, tạo “sân chơi” tìm hiểu pháp luật bổ ích, lý thú và tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Cuộc thi nhận được những đánh giá tốt về mục đích, ý nghĩa, nội dung thi, hình thức thi; góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong học sinh, sinh viên; xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật. 

SV Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội tham gia cuộc thi
 SV Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội tham gia cuộc thi

Cuộc thi đã nhận được sự phối hợp khá chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tập đoàn giáo dục Egroup, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan; phát huy các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội trong truyền thông, thông tin về Cuộc thi.

Bên cạnh kinh phí từ ngân sách nhà nước, Cuộc thi đã huy động được nguồn lực kinh phí xã hội hóa hỗ trợ cho công tác tổ chức Cuộc thi.

Tuy nhiên, cuộc thi còn một số khó khăn, hạn chế: Một số địa phương có số lượng thí sinh tham gia dự thi còn thấp. Kết quả thi Vòng loại cho thấy có sự chênh lệch khá lớn về số lượng thí sinh dự thi giữa các địa phương. Số lượng thí sinh vi phạm Thể lệ của Cuộc thi còn nhiều…

Học sinh Trường THPT Lương Văn Tụy, Ninh Bình tham gia cuộc thi
Học sinh Trường THPT Lương Văn Tụy, Ninh Bình tham gia cuộc thi 

Cuộc thi Pháp luật học đường được tổ chức thành 03 vòng, gồm: Vòng loại, vòng bán kết và vòng chung kết toàn quốc. Trong năm 2019 đã tập trung tổ chức thi vòng loại, diễn ra trong 06 tuần, bắt đầu từ ngày 11/11/2019 đến hết ngày 22/12/2019.

Trong 6 tuần vòng thi loại, Cuộc thi đã có 314.675 lượt thí sinh tham gia thi. Nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối 300/300 điểm. Ở bảng A, tỉnh Ninh Bình dẫn đầu về số lượng thí sinh đăng ký dự thi với 12.481thí sinh; tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh với 10.116 thí sinh. Trường THPT Trần Phú, TP Hồ Chí Minh có số lượng thí sinh tham gia thi đông nhất với 2.289 thí sinh. Ở bảng B, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu về số lượng thí sinh đăng ký dự thi với 3.705 thí sinh; tiếp đến là tỉnh Bắc Ninh với 1.120 thí sinh. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, TP Hồ Chí Minh có số lượng thí sinh tham gia thi đông nhất với 2.360 thí sinh. 

Theo Ban Tổ chức cuộc thi, Vòng Bán kết của Cuộc thi bắt đầu từ 09h00 ngày 24/02/2020 đến 21h00 ngày 08/3/2020. Hiện nay, Ban Tổ chức cuộc thi cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Vòng bán kết, Vòng chung kết toàn quốc và Lễ tổng kết Cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường” .

Đọc thêm