Cuộc tìm mộ ám ảnh ở "khe núi chặt đầu"

(PLO) - Trong cảnh máu chảy thành sông, chết chóc kinh hoàng, có 13 đứa trẻ sống sót được đưa lên máy bay trực thăng, về sống trong cô nhi viện tại Đà Nẵng. Chị A Chước Đen (còn có tên Đinh Thị Hải Đăng, hiện trú tại 9A Lý Thường Kiệt, TP Đà Nẵng) là đứa trẻ nhỏ nhất trong 13 đứa trẻ ngày ấy, đã trở về tìm mộ mẹ theo “chỉ dẫn” của “linh hồn”.
Bao nhiêu năm đã qua, nhưng mối khi nhắc lại chuyện cũ, chị A Chước Đen vẫn khóc ròng
Bao nhiêu năm đã qua, nhưng mối khi nhắc lại chuyện cũ, chị A Chước Đen vẫn khóc ròng
Những giấc mơ lạ đưa đứa con đến "khe núi chặt đầu"
Năm 1963, do chỉ điểm, Mỹ - Ngụy biết được dân làng T’râu (xã Thượng Quảng cũ, giờ là xã Hương Sơn, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nuôi giấu, tiếp tế cho cách mạng, nên đã ra tay thảm sát. Ngôi làng bị “xóa sổ” với gần 40 người bị giết, chặt đầu. 
Chị A Chước Đen là một trong số những người sống sót. Bao nhiêu năm, ký ức chỉ còn như sương khói lảng bảng, bỗng hiện về rõ rệt trong đứa trẻ 4 tuổi ngày nào, thúc giục chị đi tìm mẹ. Nhớ lại chị A Chước Đen vẫn còn nguyên nỗi xúc động, và cho rằng, chính linh hồn người mẹ đã “đi” vào cơ thể chị:
“Tôi cảm nhận trong cơ thể tôi lúc đó là một người phụ nữ rất già, gần gũi với tôi. Đặc biệt, “người đó” thật u buồn”. Theo tâm sự của chị Đen, dù gặp cảnh kinh hoàng đến mấy, nhưng ký ức của đứa trẻ non nớt chỉ mới 4 tuổi, cũng đã mờ nhạt cùng thời gian. 
Tuy nhiên, khi “linh hồn” mẹ “nhắc nhở”, toàn bộ trí óc chị tập trung cao độ. Từ ký ức mờ nhạt, lần lượt hiện về cảnh tượng kinh hoàng mấy chục năm về trước. 
“Tiếng máy bay gào rú. Tiếng súng đạn. Tiếng người la hét thất thanh. Máu. Và bây giờ, tôi nhớ rõ cảnh mẹ ôm tôi vào lòng, nằm đè lên tôi, lấy thân thể của mẹ để che chắn cho tôi. Vậy nên tôi mới sống sót và may mắn lành lặn. Vậy mà bao năm qua, tôi đã không nghĩ tới việc đi tìm mẹ”, chị Đen lấy ống tay áo chấm nước mắt, tự trách mình vô tâm. 
Từ Đà Nẵng, chị A Chước Đen vội vã tìm về huyện Nam Đông, gặp cậu ruột là ông Trần Văn Ca (lúc bấy giờ là Bí thư xã Hồng Quảng). Chị Đen mừng đến rơi nước mắt khi ông Ca trả lời biết nơi chôn mẹ chị. 
Tuy nhiên, theo phong tục của người dân tộc, sau khi chôn cất người chết xong là người ta bỏ mồ bỏ mả, không thăm nom gì nữa. Mẹ tôi và những người làng bị giết chết năm đó được chôn chung trên núi. Mấy chục năm không thăm nom nên cũng “lạc” mất, không còn biết vị trí chính xác”. 
Quyết tâm tìm được nơi mẹ nằm, chị bắt đầu tìm kiếm vào ngày 8/3/2003 - một ngày có ý nghĩa, như món quà tặng mẹ. “Tôi, cậu (ông Trần Văn Ca) và vài người khác vào núi tìm mộ. Bắt đầu đi, mưa lắc rắc. Càng đến gần chân núi, mưa càng nặng hạt. 
Mưa rừng khiến quang cảnh ảm đạm, quạnh hiu. Càng mưa trời càng tối. Đường dốc cao, trơn, khó đi, tôi té lên té xuống. Nhưng niềm mong mỏi tìm thấy mộ mẹ tiếp thêm sức mạnh, tôi không còn biết mệt là gì, lặng lẽ theo đoàn người. 
Đến khe Tăng go (tức là "khe chặt đầu", theo lý giải của nhân vật, bởi người dân bị giặc tàn sát, chặt đầu ở đây nhiều quá, nên người ta đặt tên khe như vậy), cậu tôi nói đây chính là địa điểm chôn gần 40 xác người làng T’râu năm ấy”. 
Hình ảnh tố cáo tội ác của Mỹ Ngụy trong chiến tranh Việt Nam
 Hình ảnh tố cáo tội ác của  Mỹ Ngụy trong chiến tranh Việt Nam
Chị kể tiếp: “Tôi nhờ người chặt một cây chuối rừng, dùng để cắm hương. Đưa nén hương cháy nghi ngút ngang ngực, tôi thành kính khấn: “Mẹ ơi, con đến đây rồi nhưng không biết chính xác mẹ nằm ở đâu. Hồn mẹ linh thiêng, mẹ bay theo làn khói hương. Khói hương đến chỗ nào, con tìm mẹ ở chỗ đó”. 
Quả nhiên, khói hương bay đến cây bạc lá, rồi cứ quẩn quanh vương vít ở đó. Tôi thắp nén hương thứ hai, khói hương lại quẩn quanh tại vị trí cây bạc lá. Tôi chạy đến gục mặt vào gốc cây. Lúc này, cậu tôi cũng nói: “Đúng là mộ mẹ con ở đây rồi.” 
Cầm nhà, lấy tiền xây mộ cho mẹ
Giọng bùi ngùi, chị Đen kể lại, sau khi tìm được mộ mẹ, chị quyết định xây lăng đắp mộ cho mẹ. Nhưng làm gì để có tiền? Chỉ còn “sổ đỏ” quyền sử dụng 18m2 đất của gia đình, chị xin phép chồng đem ra ngân hàng thế chấp, lấy tiền xây mộ.
Sợ mất nhà, cả gia đình ra đường sống, nên chồng chị không đồng ý. “Tôi với chồng mỗi người cầm một bên cuốn sổ đỏ giằng qua giằng lại. Cuối cùng tôi giằng được. Nhưng lúc đó, chồng tôi căng đến nỗi đòi ly hôn. 
Tôi khóc cạn nước mắt, thấy suy nghĩ của chồng mình cũng có lý. Nếu không kiếm được tiền trả ngân hàng, coi như gia đình tôi mất nhà. Nếu ly hôn thật, gia đình tôi tan đàn xẻ nghé. 
Nhưng chữ hiếu với người mẹ đã lấy thân mình ra che chở, hứng đạn cho con, nay xương cốt lạnh lẽo dần biến tan trong đất, khiến tôi trăn trở. Tâm can giằng xé, nhiều đêm liền tôi ngủ không được. Suy nghĩ thật lâu, tôi quyết định nói với chồng: 
“Nếu anh vẫn không đồng ý, em đành chấp nhận ly hôn. Nhưng em mong anh hiểu, cho em có cơ hội trả hiếu cho mẹ, được tìm lại quá khứ, cội nguồn. Coi như em gửi tiền vào “ngân hàng ở rừng”, có nghĩa là gửi gắm ở tổ tiên. Cái được là ý nghĩa không gì đo đếm được”. 
May mà chồng tôi rất thương yêu vợ, là người hiếu đạo, hiểu biết, nên cuối cùng cũng chấp nhận. Chúng tôi thế chấp nhà được hai chục triệu, cùng với chút ít tiền gom góp, đem lên núi ở Nam Đông xây mộ.”
Ban đầu, nghĩ đến lúc mình tuổi già sức yếu, sẽ không thể nào vào núi thăm, thắp cho mẹ nén hương được, chị A Chước Đen xin phép chính UBND xã Thượng Quảng và những người có người thân chết trong cuộc thảm sát (chôn chung với mẹ chị) bốc gần 40 bộ hài cốt xuống núi, cải táng tại nghĩa trang làng T’râu mới. Nhưng cả chính quyền địa phương và thân nhân những người đang nằm chung với mẹ chị không chấp nhận. 
Vậy là bắt đầu cuộc hành trình hai tháng gian nan, thuê người cõng từng gùi cát sạn lên núi cao. 
Đêm. Một mình chị là phụ nữ ở lại trên núi. Cũng vì hoàn cảnh đó mà chị A Chước Đen phải đối mặt với nhiều tình huống “hiểm nguy”, có nguy cơ bị xâm hại. “Nhưng tôi nghĩ, mẹ linh thiêng, luôn đi theo phù hộ, nên lần nào tôi cũng “thoát hiểm””, chị hồi ức.
Theo lời kể của chị A Chước Đen, những người mà chị thuê thực hiện việc xây mộ, thấy công việc di chuyển vật liệu từ chân núi lên cao, đường đi hiểm trở khó khăn, chủ thuê lại là phụ nữ nên “bắt thóp”, đòi hỏi yêu sách đủ thứ. 
Có người còn định “tòm tem” chị, nhưng bị phản đối quyết liệt. “Không đạt được ý đồ xấu, họ dọa ngày mai sẽ bỏ về, không tiếp tục làm cho tôi nữa. Nếu họ làm như vậy thật, một nửa vật liệu đang ở dưới núi, mưa rừng trôi đi cả thì một nửa đã gùi lên trên này cũng…tiêu tan. 
Nửa đêm, cảm thấy cô đơn, bơ vơ và tủi thân quá, tôi chong đèn ngồi nén tiếng khóc, lầm rầm than thở với mẹ. Trong lúc đang buồn, con gái tôi (lúc đó mới học lớp sáu) gọi điện thoại, nó an ủi: “Mẹ đừng buồn, đừng lo nữa, ngày mai công việc sẽ trôi chảy thôi”. 
Y như rằng, hôm sau, những người làm đột nhiên xin lỗi tôi vì đã dọa bỏ công việc nửa chừng. Rồi xi măng, cát sạn được họ nhanh chóng ùn ùn gùi lên núi”. Chị A Chước Đen bật cười nhớ lại những chuyện “kỳ lạ” đã qua. 
Không chỉ tìm được mộ mẹ, chị A Chước Đen còn tìm được cả mộ người bố và mộ người anh trai đều bị giặc giết hại. Bây giờ, thân xác những người thân “vất vưởng” trong lòng đất đã được chị A Chước Đen tìm thấy, xây mồ yên mả đẹp, hàng năm hương khói chăm sóc. 
"Âm dương cách biệt, nhưng tôi đã cảm nhận được người thân “hiện hữu” trong cơ thể mình, để làm được những điều tưởng chừng không thể, bởi sự xóa nhòa của thời gian”, chị A Chước Đen trải lòng./.

Đọc thêm