Cuối đời quạnh hiu của “đại mỹ nhân” tuồng cổ

(PLO) - Nghệ sĩ Mộng Lành từng được xếp trong “tứ đại mỹ nhân” cải lương tuồng cổ làm mưa làm gió trên khắp sân khấu vùng Nam Kỳ lục tỉnh. Mấy ai ngờ sau rực rỡ ánh đèn sân khấu, mỹ nhân một thời nay đã là bà lão không nhà, không chồng con, nghèo khổ.
Nghệ sĩ Mộng Lành đang ở tại khu dưỡng lão nghệ sĩ.
 Nghệ sĩ Mộng Lành đang ở tại khu dưỡng lão nghệ sĩ.
Chín tuổi trốn nhà theo gánh hát
Chúng tôi đến thăm khu dưỡng lão nghệ sĩ ở sâu trong con hẻm vắng, đường Âu Dương Lân (quận 8) vào một buổi trưa hè nắng gắt. Soạn giả Đức Hiền, Trưởng ban quản lý nơi này giới thiệu về nhiều hoàn cảnh đáng thương của những “ngôi sao” vang bóng một thời. Ông nhấn mạnh: “Nếu nói đến sự đóng góp cho dòng nhạc cổ thì phải nhắc đến chị Mộng Lành. Có gặp chị mới hiểu được cuộc đời bạc bẽo của kiếp cầm ca”. 
Cô đào Mộng Lành nức tiếng xinh đẹp một thời nay đã là bà lão yếu ớt, mái đầu bạc trắng. Sau cơn tai biến “thập tử nhất sinh”, việc đi lại đối với bà cũng rất khó khăn. Trên tay chống chiếc gậy gỗ, bà lụ khụ nhích từng bước nặng nhọc đến chiếc ghế đá nơi khách đang ngồi rồi ngồi bịch xuống ghế thở hổn hển.
Phải ngồi nghỉ hồi lâu, nghệ sĩ mới lấy lại sức để trải lòng về cuộc đời mình. Bà tên thật là Võ Hiếu Nghĩa, SN 1946. Ký ức về nơi “chôn rau cắt rốn” đến nay không còn nhớ rõ. Mộng Lành chỉ nhớ mang máng mình là chị ba trong gia đình nghèo đói, đông con. Ở đó là một miền sông nước lênh đênh, ba má đi làm thuê cho tá điền. 
Ngày đó ở miền quê nghèo đói của bà lâu lâu lại có các gánh hát bội, cải lương biểu diễn rộn ràng khắp đình làng. Thấy người ta kéo nhau ùn ùn đi xem, bà khi ấy cũng tò mò trốn bố mẹ theo đám bạn nghe hát và mê mẩn những câu hát bội. Chỉ nghe qua vài lần, bà đã thuộc làu, ca lại y như vậy. Niềm đam mê nhen nhóm tự lúc nào không hay, Mộng Lành xin mẹ đi theo đoàn hát nhưng bị cấm cản. Như định mệnh, 9 tuổi, Mộng Lành trốn nhà đi theo đoàn hát. 
Không một xu dính túi, chỉ mang trên người bộ quần áo chắp vá, cô bé xin ông bầu đoàn Minh Tơ cho theo học hát. “Ngày đó má đi kiếm tôi nhiều lắm. Không hiểu sao tôi lì lợm đến nỗi má đứng khóc tu tu năn nỉ về mới má, thế mà tôi vẫn không đi. Tôi bảo với má khi nào nổi tiếng tôi mới về”, bà nghẹn ngào kể. 

Quá khứ nổi danh “đại mỹ nhân”  

Những ngày đầu đi theo đoàn, Mộng Lành phải làm những công việc nhỏ nhất trong gánh hát và bắt đầu học xướng ca bằng cách lẩm nhẩm theo điệu nhạc từ trong cánh gà. Những vai diễn đầu tiên là vai tì nữ, a hoàn không có lời, tiến đến được làm diễn viên dự phòng khi diễn viên chính nghỉ ốm. Nhờ năng khiếu ca hát và sự chăm chỉ học hỏi, Mộng Lành 13 tuổi đã trở thành đào chính trên sân khấu đoàn Minh Tơ. 
Những năm 1960, phim ảnh và tuồng Đài Loan du nhập vào Việt Nam như bông hoa lạ làm nhiều người thích thú. Gánh hát của Mộng Lành ngày đó cũng lâm vào khó khăn. Để có chỗ đứng tồn tại, các nghệ sĩ trong đoàn đã sáng tạo đưa cải lương vào lối hát bội đơn thuần. Những điệu nhạc Đài Loan, nhạc Quảng cũng được tiếp thu đưa vào làm ca khúc trong tuồng hình thành nên cải lương Hồ Quảng, làm phong phú thêm sân khấu cải lương tuồng cổ. 
Như sống lại thời xưa, bà ngân ngấn nước mắt nhớ lại thời đầu quân cho đoàn cải lương Minh Tơ, bà được ưu ái, kiếm bộn tiền. Thời hoàng kim, đoàn Minh Tơ “làm mưa làm gió”, được ưa chuộng từ thành phố lớn đến tận chốn thôn quê. Mộng Lành đóng đủ loại vai từ đào lẳng, đào độc con nít, đến kép …vai nào cũng ấn tượng khó quên.
Đặc biệt là vai nữ tướng Phàn Lê Huê trong vở “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”, hay vai phản diện Hàn Tố Mai trong vở “Đàm Tam Xuân”. Thời ấy, báo chí ca ngợi Mộng Lành là một trong “tứ đại mỹ nhân” cải lương tuồng cổ, cùng với Bạch Lê, Thanh thế, Bạch Yến. 
Mộng Lành trong vở “Ngũ sắc châu ảnh”.
Mộng Lành trong vở “Ngũ sắc châu ảnh”. 
Năm 23 tuổi, Mộng Lành nên duyên với nghệ sĩ Xuân Thu ở cùng đoàn hát Minh Tơ. Đó cũng là năm tháng hào quang nhất của cặp đôi nghệ sĩ. Nhưng họ không thể có con vì Mộng Lành mắc chứng vô sinh. 
“Thân tàn ma dại” sống nhờ người dưng
Khi cải lương Hồ Quảng suy tàn, Mộng Lành đành cởi bỏ lớp son phấn phù hoa và những bộ trang phục lộng lẫy trên sân khấu, trở lại với đời thường. Vợ chồng nghệ sĩ lâm vào cảnh bữa đói bữa no vất vưởng. Trong thời gian khó khăn ấy, năm 1984, chồng bà qua đời vì bạo bệnh khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều lần bà chán chường cũng tìm đến cái chết, nhưng không thành. 
Mộng Lành gắng gượng sống tiếp quãng đời còn lại trong sự nghèo khó cô đơn đến cùng cực khi không nhà cửa, chồng con… Năm 1997, đoàn hát Minh Tơ tan rã, những oan trái khổ đau đến với nghệ sĩ Mộng Lành từ đây. Bà lang thang khắp các đình chùa hát tuồng khi có người thuê. Khi nghỉ hát lại rong ruổi khắp ngõ hẻm đường Vĩnh Khánh (quận 4) bán vé số kiếm cơm qua ngày. Phố phường tấp nập mà trong đầu bà cứ váng vất câu ca: “Nửa đời phiêu bạt tha hương, bóng quê dáng mẹ trĩu vương cõi lòng…”. Bà tâm sự, tuy lang thang ngủ nhờ khắp các đình làng, nhưng vẫn còn hơn là trở thành gánh nặng cho người khác. Chị em ruột thịt của bà đều đã có gia đình riêng, ai cũng nghèo khó nên không thể nhờ vả. 
Năm 2006, sau một lần đi hát, ngủ đình, bà bị tai biến liệt nửa người, mồm méo, lưỡi rụt, nói không được. Thương cảnh đơn chiếc bệnh tật của nghệ sĩ, một người bạn vốn là khán giả mến mộ giọng hát Mộng Lành đã đem bà về nhà chăm sóc. Sau một thời gian chạy chữa bệnh tật thuyên giảm, Mộng Lành nổi danh một thời trở thành bà lão tàn phế, liêu xiêu bước đi khắp các ngõ hẻm bán vé số cùng bà bạn.
Tưởng đời thế là đủ khổ, nào ngờ nhà bà bạn bị giải tỏa. Hai người bấm bụng che tấm bạt tá túc một thời gian nơi góc vỉa hè bên căn nhà nương tựa nhau sống. Cuối cùng, người kia được người cháu đón về sống cùng. Mộng Lành không còn nơi nào để đi, đúng lúc đó bà được mời vào sống tại khu dưỡng lão nghệ sĩ. 
Mấy ai có thể tưởng tượng phía sau ánh hào quang sân khấu của đào chánh Mộng Lành ngày ấy là cuộc sống khốn khổ đến vậy. Bà vẫn canh cánh trong lòng vì gánh nặng hai vai: nợ áo cơm và nợ nghệ thuật. Bà bảo đời nghệ sĩ chẳng khác gì kiếp tằm nhả tơ. Cứ rút ruột nhả những sợi tơ vàng óng ả, đem đến cho đời bao điều tốt đẹp, nhưng đến tuổi xế chiều, kiếp tằm lại không thể dệt cho mình chiếc áo an lành.