Cuối năm lại canh cánh nỗi lo thiếu máu

(PLO) -Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán đến gần, tất cả y bác sĩ cùng người bệnh lại canh cánh đứng ngồi không yên khi sắp rơi vào cảnh thiếu máu điều trị. 
Nhiều người dân luôn sẵn sàng tham gia hiến máu
Nhiều người dân luôn sẵn sàng tham gia hiến máu

Với người bệnh, máu với họ quan trọng hơn những bữa cơm hàng ngày. Với bác sĩ, họ lo lắng bởi những bệnh nhân mắc căn bệnh về máu hay những bệnh nhân bị tai nan giao thông, thảm họa,... thì việc thiếu máu đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ mất đi cơ hội điều trị. 

Máu thiếu vì hiến máu có đợt

Chẳng riêng dịp Tết mà thậm chí từ nhiều năm nay, cao điểm khan hiến máu thường diễn ra đều đặn 2 lần/ năm vào dịp hè và dịp Tết. Lý giải về nguyên nhân thiếu máu trong những thời điểm này, TS Ngô Mạnh Quân, Trưởng khoa Vận động và Tổ chức hiến máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: lượng máu mà các trung tâm truyền máu tiếp nhận được chủ yếu dựa vào các cơ quan đơn vị trường học, cộng đồng dân cư cấp phường, quận,...

Mỗi năm ở các cơ quan này chỉ tổ chức hiến máu theo kế hoạch một, hai hoặc ba lần dựa vào những thời điểm phù hợp với tổ chức của mình. Các trường học thường tổ chức vào các tháng 3, tháng 4, không tổ chức dịp hè. Các cơ quan cũng tổ chức tháng 3, tháng 4 tháng thanh niên, tháng toàn dân hiến máu, tháng 10, tháng 11 thời tiết mát mẻ dễ chịu.

Đối với các quận huyện thường tránh tổ chức hiến máu dịp hè vì mùa vụ, thời tiết mùa mưa bão không thuận lợi. Chính vì thế có những dịp có nhiều người hiến máu có những dịp thiếu người, thiếu cơ quan tổ chức hiến máu. Đó là tháng 11, 12, tháng mùa đông rồi cả lịch nghỉ Tết Dương lịch kéo dài, kỳ nghỉ âm lịch kéo dài có quá nhiều việc phải làm,... do đó cứ đến mỗi dịp này là có thể tiên lượng được lượng máu hiến sẽ giảm.

Mặt khác, các bệnh viện sẽ không tiên lượng được chính xác tổng lượng máu sử dụng trong từng tháng, trong từng năm. Có những thời điểm bệnh nhân cần truyền nhóm máu A nhiều, thời điểm máu B nhiều hay nhóm máu O nhiều. Hoặc thời điểm này nhóm máu A ở nơi này cần nhưng nơi khác không cần nhiều. Ví dụ Hà Giang tỷ lệ sử dụng máu nhóm B luôn cao hơn các địa phương khác. Trong khi đó chế phẩm máu có thời gian bảo quản trong thời gian nhất định. Ví dụ hồng cầu từ 35 - 42 ngày, tiểu cầu từ 3 - 5 ngày,... không thể dự trữ kéo dài. Do đó có sự mất cân đối giữa đầu ra và đầu vào, giữa nhóm máu này với nhóm máu khác. Trong khi nhóm máu O có thể sử dụng để truyền thay thế nếu cần cho nhóm máu A hoặc B hay AB. Trên thực tế, lượng sử dụng nhóm máu O nhiều hơn và tình trạng này không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới đều gặp tình trạng này.

TS Ngô Mạnh Quân cho hay: “Năm nay, sau dịp nghỉ Tết Dương lịch, lượng máu nhóm O ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương giảm sâu, chỉ còn khoảng 10-15% tổng lượng máu dự trữ. Điều này gây khó khăn cho việc điều trị cho người bệnh. Được sự chia sẻ của mọi người, trong những ngày qua lượng người đến hiến máu khá đông, đặc biệt là tại các cơ sở ở Hà Nội. Nhờ việc người dân tự đến hiến máu, đặc biệt tới 70% là người nhóm máu O thì những ngày qua, lượng máu đã được cải thiện rất đáng kể”.

Vì sao máu hiến tình nguyện nhưng người bệnh vẫn phải trả tiền?

Ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, chi phí để có được một đơn vị máu đầu vào và chi phí để có thể phát máu cho bệnh nhân đều được tính toán và quy định rất chặt chẽ, từ giá một mảnh gạc, mảnh bông, cái kim,... trong đó có cả chi phí hỗ trợ cho người đến hiến máu. Những điều đó nhà nước phải chi trả và bệnh nhân cần nhận máu phải cùng chi trả cho việc đó.

“Để lấy được một đơn vị máu đầu vào chúng tôi ước tính mất khoảng 300 – 400 nghìn đồng, chưa kể một phần máu lấy về phải hủy đi do đơn vị máu nhiễm HIV, giang mai, sốt rét,... nhà nước phải bỏ chi phí để hủy. Máu lấy xong mới chỉ là nguyên liệu thô không truyền được cho người bệnh mà phải trải qua các xét nghiệm bằng nhiều phương pháp khác nhau theo quy định của Bộ Y tế để khẳng định đơn vị máu đó an toàn sau đó tách ra các chế phẩm máu khác nhau để bảo quản với các thiết bị khác nhau và đưa đến các bệnh viện. 

Nhà nước ước tính chi phí để thành phẩm ra một chế phẩm máu an toàn truyền cho người bệnh ví dụ 800 nghìn cho một đơn vị hồng cầu thế nhưng rất may có đến 70 % người dân Việt Nam có bảo hiểm y tế do đó được bảo hiểm chi trả hầu hết số chi phí đó mà người bệnh không phải chi trả. Do đó người bệnh nhận chế phẩm máu giống như nhận thuốc thì phải chi trả và bảo hiểm đã giúp người bệnh chỗ đó”, TS Quân chia sẻ.

Theo TS. Quân, so với một số nước trên thế giới mặc dù chất lượng máu của Việt Nam cũng ngang ngang như thế, nhưng chi phí với một chế phẩm máu ở Việt Nam dao động 200 - 300 nghìn đồng có loại 800 – 900 nghìn đồng, tùy thuộc theo từng chế phẩm. Còn đối với một số các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore rơi vào khoảng 3 triệu. Do đó, có thể thấy giá chế phẩm máu của Việt Nam là hợp lý với chi phí y tế nói chung.

Ngoài ra, theo quy định những người đã tham gia hiến máu sẽ được bồi hoàn lượng máu tương ứng trong trường hợp cần truyền máu. Tuy nhiên trên thực tế do chưa có liên thông dữ liệu về người hiến máu, chủ yếu liên thông bằng việc phát thẻ chứng nhận hiến máu nên có nhiều trường hợp người dân không giữ thẻ  hoặc đã đánh mất giấy chứng nhận nên trong trường hợp cần hiến máu đã không xuất trình được thẻ đó chưa tạo thuận lợi cho người hiến khi họ cần máu.

Đọc thêm