Nỗi khổ khi chồng là “ma men”
Mới đây, tìm đến chuyên gia tâm lý, chị N.T.N.T (32 tuổi, ngụ Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ nỗi khổ tâm khi có ông chồng mê nhậu nhẹt. Chồng chị bằng tuổi, là nhân viên kinh doanh làm việc tại một công ty thiết bị điện tử. Mỗi ngày anh làm việc 8 tiếng đồng hồ như mọi người làm văn phòng khác, nhưng thực tế thì mỗi tuần có đến 3 buổi về nhà vào lúc... nửa đêm vì “bận” la cà nhậu nhẹt với bạn bè. Chưa kể có những cuối tuần anh còn rủ bạn bè, đồng nghiệp về nhà bày ra nhậu.
Điều làm chị T bức xúc là hiện hai con đang học cấp 1, cần có cha mẹ sát sao theo dõi việc học hành, dạy dỗ, nhưng chồng lại dành quá nhiều thời gian cho việc ăn nhậu. Mỗi lần thấy anh về nhà trong trạng thái “chân nam đá chân chiêu” là chị lại ngao ngán, dấy lên mong muốn buông xuôi cuộc hôn nhân này. Đến tham vấn chuyên gia tâm lý, chị T mong muốn nhận được lời khuyên phải làm thế nào để thay đổi được chồng, cứu vãn hôn nhân, bởi theo chị, người chồng ngoài việc nhậu nhẹt thì vẫn thương vợ con, chịu khó làm việc để bảo đảm bảo kinh tế gia đình.
Theo một thống kê vào năm 2022, Việt Nam đang xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu, bia/người. Tỉ lệ tiêu thụ bia, rượu trước đây cứ “tăng đều” qua mỗi năm, bình quân 1 người Việt Nam (trên 15 tuổi) uống khoảng 170 lít bia/năm. Và nam giới chiếm tỉ lệ đa số, cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại. Trong một cuộc điều tra thực hiện năm 2021 tại Việt Nam trong vòng 30 ngày, có tới 64% nam giới có uống rượu, bia.
Điều đáng báo động là nhiều quan điểm độc hại cho rằng “phải có bia, rượu mới ra dáng đàn ông”, hay “đàn ông mà không biết nhậu là vứt đi”. Chuyện đàn ông Việt sau giờ làm đi nhậu nhẹt, la cà với bạn bè đã trở thành “chuyện thường” trong xã hội. Thậm chí, có nhiều ông chồng, vợ mới sinh vẫn để vợ đối mặt với việc chăm lo con cái, bản thân thì... đi nhậu với bạn.
Khắp nơi, người ta còn thói quen mời mọc, rủ rê, ép nhau nhậu đến say khướt, nhất là thời điểm cuối năm lại có muôn vàn lý do để tụ tập. Sau những cuộc vui ấy, đổi lại là sự chán nản, khổ đau, rạn nứt cho những thành viên còn lại trong gia đình.
Hậu quả buồn
Một trong những hệ quả mệt mỏi mà “ma men” đem lại cho người nhà là tài chính gia đình bị thâm hụt nghiêm trọng. Mới đây, một người vợ đã lên một hội nhóm dành cho gia đình để “bóc phốt” chuyện ăn nhậu của chồng, trong đó chị liệt kê số buổi nhậu và số tiền chồng tiêu cho việc ăn nhậu mỗi tháng, chị nhân lên cho 15 năm từ thuở hai người mới cưới nhau, để rồi cho ra kết quả số tiền chi cho ăn nhậu của ông chồng có thể mua được một chiếc xe ô tô tầm trung.
Không chỉ thế, những người vợ còn đối mặt mối nguy thường trực về sức khỏe, tính mạng của đức ông chồng khi ăn nhậu quá đà, hại cơ thể hay điều khiển xe trong trạng thái say xỉn.
Rượu, bia được cho là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại nước ta. Thống kê sơ bộ cho thấy có tới 40.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam có liên quan đến rượu bia. Ở khía cạnh gia đình, rượu, bia là nguyên nhân dẫn đến 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam.
Nhiều cuộc cãi cọ, mối bất hòa, thậm chí “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, gây thương tích, án mạng cho bạn đời từ bia, rượu mà ra. Nhiều tệ nạn xảy đến sau những chầu bia, rượu bù khú. Trong gia đình có một “trụ cột” mê nhậu nhẹt thì sự tôn trọng lẫn nhau cũng khó giữ được và nỗi khổ tâm cũng đè nặng lên những thành viên còn lại, nhất là những đứa trẻ đang tuổi lớn.
Thời gian qua, việc cơ quan chức năng đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng có cồn khi lái xe đã nhận được sự đồng tình của nhiều người dân. Ghi nhận sơ bộ cho thấy, tình trạng la cà, nhậu nhẹt sau giờ làm đã giảm rõ rệt, “dân nhậu” cũng có ý thức hơn, không dám tự lái xe sau khi uống bia, rượu, giảm thiểu được những rủi ro về tai nạn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hàng đầu vẫn là nhận thức của mỗi người về tác hại của bia, rượu và ý thức tự giác hạn chế để bảo vệ sức khỏe chính mình, giảm bớt được những bất hạnh trong hôn nhân do bia, rượu.