Ngọn nguồn bi kịch
Cơ quan điều tra xác định Trần Văn Thắng (SN 1986, ngụ ấp Hòa Hưng, xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) – nghi phạm giết vợ là chị Phạm Thị Kim (SN 1986, quê huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) rồi tự tử.
Theo kết quả điều tra ban đầu, năm 2011, Thắng và chị Kim cưới nhau, sau đó sinh được 2 người con. Cuộc sống nghèo khó nhưng gia đình 4 người khá hạnh phúc. Năm 2015, cả gia đình đi Bình Dương làm thuê kiếm sống nhưng chỉ được hơn một năm, giữa họ nảy sinh nhiều vấn đề mâu thuẫn.
Đỉnh điểm là việc Thắng cùng 2 con bỏ về lại quê nhà còn chị Kim thì một mình ở lại Bình Dương tiếp tục cuộc sống mà không có chồng, con bên cạnh.
Thời gian vợ chồng xa nhau, Thắng thường xuyên gọi điện thoại cho vợ. Tuy nhiên những lời nói nhẹ nhàng tình cảm thì ít mà cãi vã, xung đột thì nhiều. Đến sáng 28/9, Thắng gọi điện thoại cho chị vợ nhờ báo tin con gái bị bệnh, kêu vợ về chăm sóc cho con.
Khoảng 10 giờ khuya cùng ngày, Thắng ra Quốc lộ 91 đón vợ xuống xe đò (xe khách) về nhà. Sau khi ăn cơm, cả hai cùng 2 con vào phòng ngủ. Tuy nhiên, chừng hơn 1 giờ đồng hồ sau đó, Thắng bất ngờ dùng dao đâm vợ 7 nhát khiến nạn nhân chết tại chỗ.
Thấy vợ đã tắt thở, Thắng uống thuốc sâu rồi chạy ra phía sau nhà bếp ném hung khí xuống ruộng và nằm vật vã trên sàn nước.
Phát hiện con trai nôn ói, bà Phạm Thị Hoàng Oanh (SN 1961, mẹ Thắng) chạy đến thì Thắng thú nhận đã đâm chết vợ và cho biết mình đã uống thuốc sâu tự tử. Nghe vậy, bà Oanh tức tốc kêu người đưa Thắng đi cấp cứu.
|
Người vợ xấu số |
Trao đổi với PV, bà Oanh bùi ngùi kể lại: “Trước hôm xảy ra vụ án đau lòng, tôi có nghe Thắng điện thoại cãi nhau với vợ. Sau nhiều lần gặng hỏi nguyên nhân gì mà vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn nhau thì Thắng cho biết vừa điện thoại cho vợ để thăm sức khỏe nhưng có người đàn ông lạ mặt bắt máy”.
“Nghĩ vợ có người khác khiến thằng Thắng không giữ được bình tĩnh. Từ đó hai vợ chồng nó hay gây gổ nhau. Rồi con Kim vợ nó cúp (tắt-PV) luôn điện thoại suốt ngày 26/9 khiến Thắng đứng ngồi không yên. Sau đó, Thắng gửi 2 con nhỏ cho tôi trông giữ rồi lấy xe máy bảo ra chợ ở xã có công việc”, mẹ nghi phạm kể.
Những đứa trẻ bơ vơ
Cũng theo lời bà Oanh, mãi đến sáng ngày 27/9, Thắng mới lặng lẽ về nhà với vẻ mặt buồn bã. Thắng kể vừa lên Sài Gòn tìm vợ nhưng không gặp. Sau đó, Thắng điện thoại cho vợ cho hay con gái bệnh và gọi vợ về nhà chăm sóc.
Lúc đón vợ về nhà, hai vợ chồng còn nói chuyện, hỏi han nhau. Thắng nói với vợ mẹ đã chuẩn bị bữa ăn tươm tất cho hai vợ chồng. Thấy các con vui vẻ, bà Oanh cũng không để ý gì mà yên tâm đi ngủ.
“Đến tối đó thì tôi nghe tiếng thằng Thắng ói sau nhà nên lật đật chạy ra xem có chuyện gì. Tôi ra tới nơi thì Thắng thú nhận vừa uống thuốc sâu tự tử và đã giết chết vợ nó. Nghe con nói, tôi điếng người, chạy vô giường hai đứa coi thì thấy con dâu đã chết rồi.
Lúc này, tôi gọi người thân nhờ đưa thằng con đến bệnh viện cấp cứu nhưng nó nhất quyết không đi và đòi gọi công an. Sau đó, công an xã Hòa Bình Thạnh đã nhanh chóng có mặt bảo vệ hiện trường. Còn Thắng thì được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê”, bà Oanh thuật lại.
|
Thắng, người chồng quẫn trí giết vợ vì ghen tuông |
Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, thi thể của người vợ xấu số được bàn giao cho gia đình lo hậu sự. Do quê nạn nhân ở tỉnh Kiên Giang nên gia đình bà Oanh phải thuê xe đưa con dâu về quê yên nghỉ.
Ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1946, ông chú Thắng) là người trực tiếp đưa thi thể nạn nhân về quê chôn cất cho biết thêm: “Ban đầu phía gia đình, người thân của cháu Kim bức xúc, giận dữ lắm. Nhưng sau khi nghe chúng tôi trình bày, họ cũng nguôi ngoai đi.
Trước giờ, quan hệ của thằng Thắng với gia đình bên vợ vẫn rất tốt. Nó cũng chưa làm buồn lòng ai, sự việc xảy ra như vậy, cả hai bên gia đình đều khổ”.
Chị Trần Thị Quẩn (SN 1987, em gái Thắng) tiết lộ, thời gian gần đây Thắng thường tỏ ra buồn phiền, ít nói chuyện. Nhiều lần người nhà bắt gặp Thắng nói chuyện với vợ, khuyên vợ về quê sinh sống.
Cũng có lúc nghe thấy hai vợ chồng cãi nhau qua điện thoại. Nhưng không một ai nghĩ đến sự việc sẽ đi đến cơ sự thế này. Điều gia đình cả hai bên lo lắng là hai đứa trẻ thơ, con của Thắng và chị Kim sẽ như thế nào. Sự mất mát ngay từ bé đối với những đứa trẻ này sẽ ảnh hưởng rất nhiều sau này.
Được biết, Thắng sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó, không ruột đất canh tác. Thắng chỉ học đến lớp 5 rồi nghỉ, lớn lên chủ yếu làm thuê kiếm sống. Bản thân Thắng ngay từ bé đã phải chịu cảnh cha mẹ chia lìa. Nên hơn ai hết, Thắng không muốn những đứa con của mình phải chịu cảnh tương tự.
“Lỗi cũng do chúng tôi đã không quan tâm nhiều đến nó. Sống mãi trong buồn bực, nghi ngờ dễ sinh quẫn trí. Chúng tôi đã không lường trước được chuyện sẽ nghiêm trọng như thế này”, bà Oanh nói trong hoang mang.
“Mâu thuẫn vợ chồng là chuyện muôn đời và không một gia đình nào có thể tránh được. Điều cốt yếu là sự bình tĩnh, sáng suốt của những người trong cuộc để tránh những hậu quả đáng tiếc. Để hòa giải những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, người thân của họ thường khuyên cả hai bên nhường nhịn.
Nhưng thực chất, nếu vấn đề nghiêm trọng, vợ chồng nên thẳng thắng ngồi nói chuyện với nhau. Cần thiết thì có sự chứng kiến của những người thân khác. Nhường nhịn lâu ngày dễ nảy sinh những ức chế, đó cũng là điều hết sức nguy hiểm”, một chuyên gia tâm lý phân tích.
• Tên nạn nhân đã thay đổi