Cướp giết hiếp tràn lan tại Nam Phi

Rất ít nước trên thế giới để tình trạng bạo lực xảy ra nhiều hơn ở Nam Phi. Đó chắc hẳn không phải điều mà người Nam Phi muốn nghe, một số người thậm chí còn phủ nhận nhưng lại là sự thực đang tồn tại ở nước này.

Rất ít nước trên thế giới để tình trạng bạo lực xảy ra nhiều hơn ở Nam Phi. Đó chắc hẳn không phải điều mà người Nam Phi muốn nghe, một số người thậm chí còn phủ nhận nhưng lại là sự thực đang tồn tại ở nước này.

Dư luận Nam Phi những ngày đầu năm rúng động trước tin vận động viên nổi tiếng từng được xem là người hùng của Nam Phi Oscar Pistorius phải ra đứng trước vành móng ngựa về cáo buộc giết người. Pistorius thừa nhận đã dùng súng bắn chết cô bạn gái 29 tuổi Reeva Steenkamp, nhưng nói rằng đó là do anh ta nhầm tưởng Steenkamp là một tên trộm.

Trên báo chí địa phương mỗi ngày đều đầy rẫy nhưng câu chuyện kinh hoàng như trên nhưng những câu chuyện dạng này hiện không còn được đưa ra những trang nhất như trước đây vì chúng đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.

Người biểu tình phản đối vụ cảnh sát kéo lê chết người. Ảnh: AFP
Người biểu tình phản đối vụ cảnh sát kéo lê chết người. Ảnh: AFP

Hồi tuần trước, một người đàn ông bị cáo buộc đã bắn chết một cán bộ phòng nhân sự của bệnh viện Vua Edward ở KwaZulu-Natal, sau khi nhận được quyết định sa thải anh ta. Các bác sỹ tại bệnh viện sau đó đã cố gắng hết sức để cứu đồng nghiệp của họ nhưng vì vết thương quá nặng nên người cán bộ phòng nhân sự đã thiệt mạng ngay trên bàn phẫu thuật ở bệnh viện mà anh ta làm việc.

Ngoài tình trạng bạo lực, ở Nam Phi, hiếp dâm cũng đã và đang là một thực trạng nhức nhối. Tại đất nước có 52 triệu dân này, số vụ hiếp dâm xảy ra thậm chí còn cao hơn cả Ấn Độ, đất nước có đến 1 tỉ dân vốn nổi tiếng về vấn nạn hãm hiếp phụ nữ.

Điều đáng nói hơn nữa là, tại Nam Phi, không chỉ người thường mà ngày càng nhiều cảnh sát cũng dính líu đến các cáo buộc giết người. Vụ việc bạo lực đẫm máu nhất do cảnh sát Nam Phi gây ra trong thời gian qua có thể kể đến vụ xả súng tại thị trấn khai thác mỏ Marikana vào ngày 16/8/2012. Trong vụ việc này, cảnh sát địa phương đã chĩa thẳng súng vào đám đông những người thợ mỏ đang tham gia biểu tình đòi tăng lương rồi nhả đạn. Tổng cộng đã có 34 người thợ ngã gục trong vụ việc xảy ra tại khu hầm mỏ Lonmin Platinum.

Trong tuần này, 8 cảnh sát người Nam Phi đã phải ra hầu tòa vì cáo buộc đã kéo lê anh Mido Macia, 27 tuổi, dọc suốt phố Esselen, thuộc thị trấn Daveyton, phía Tây Johannesburg. Tội danh khiến Macia bị trừng phạt kinh khủng đến như vậy chỉ là anh ta đã đỗ xe taxi trái làn đường và chống đối khi cảnh sát đến bắt giữ. Sau khi bị nhóm cảnh sát hành hạ, Macia đã không được đưa đi cấp cứu ngay và đã tử vong sau đó ít lâu vì những vết thương nặng ở đầu.

Vụ việc này đã dấy lên làn sóng giận dữ tại Nam Phi trong thời gian qua. Cuối tuần qua, đám đông những người phụ nữ đã tụ tập trước đồn cảnh sát Daveyton để hát và hô vang những khẩu hiệu phản đối lực lượng cảnh sát nước này. Cô Lindiwe Ngwenya, 27 tuổi và là chị dâu của Macia là một trong những người tham gia vào đám đông nói trên. “Tôi ước gì họ cũng sẽ phải nhận hình phạt như họ đã làm với em tôi. Chỉ có như vậy thì họ mới cảm nhận được nỗi đau của em ấy” – Ngwenya nói về lực lượng cảnh sát địa phương.

Mới tuần trước, cảnh sát phụ trách điều tra vụ việc của Oscar Pistorius đã bị đình chỉ công việc sau khi bị tình nghi đã bắn chết người trong lúc say xỉn. Còn vị thẩm phán đã chủ trì phiên điều trần xem xét cho vận động viên khuyết tật nổi tiếng này được tại ngoại cũng trở thành tâm điểm của sự chú ý vì cáo buộc đã giết chết 2 cậu con trai, 11 và 17 tuổi do tranh chấp với vợ cũ trong quá trình ly hôn.

Những vụ việc bạo lực và cưỡng hiếp như trên có thể bắt gặp ở mọi nơi tại Nam Phi. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được cho là do chính lực lượng cảnh sát ở địa phương. Những người này đôi khi hành động theo ý thích vì họ được xem là người bảo vệ quốc gia và nhân dân, họ luôn là người đúng đắn.

Để góp phần cải thiện tình hình, hiện đang có nhiều lời kêu gọi cần phải cải tổ cách thức làm việc, đào tạo lực lượng cảnh sát tại Nam Phi, giúp họ đạt được chuẩn mực trong quá trình làm việc, giúp đem lại cuộc sống yên bình cho người dân.

Các nhà phân tích cho rằng, trên lý thuyết như vậy nhưng để thực hiện thì rất khó, vì những người như ông Nomvula Mokonyane – người đứng đầu tỉnh Gauteng, nơi xảy ra vụ hành hạ anh Macia - vẫn cho rằng: “Đa số lực lượng cảnh sát đều làm tốt công việc của mình bằng sự cần cù và cẩn trọng”. Ông Mokonyane nói rằng, cái cần phải nhổ bỏ chính là những người đã gieo cho lực lượng chức năng những cái tên xấu xí!

Minh Ngọc (Theo BBC)

Đọc thêm