Cách đây 30 năm, con đường thủy từ sông Giăng xuống sông Lam trở về xuôi trở thành con đường lý tưởng của những người buôn gỗ. Từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, các đầu nậu mua gỗ từ miền núi chọn đường sông để vận chuyển về xuôi vì đường sá thời bấy giờ còn rất khó khăn. Xe cộ đi trên đường cũng rất hiếm, vì thế đường sông là con đường thuận tiện nhất, nhưng cũng có nhiều nguy hiểm rập rình.
Ngoài việc phải đối mặt với con nước đục trong trong mùa mưa lũ hết sức hiểm nguy thì cướp cũng là một vấn nạn mà nhiều người khiếp sợ. Người dân tại đây còn nhớ một vụ cướp xảy ra vào cuối những năm 1988, một bè gỗ của người dân thu mua đang thả trôi trên sông Giăng, khi đến đoạn qua xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An) thì trời nhá nhem tối đã ghé lại nghỉ ngơi chờ trời sáng.
Khi vừa neo bè gỗ lại thì một nhóm cướp xuất hiện với dao kiếm, gậy gộc xộc vào khống chế những người trên bè gỗ để cướp tài sản. Tài sản lúc bấy giờ là quần áo, giày dép, tiền vàng, và những vật dụng cá nhân có giá trị đều bị lột sạch. Dù biết là tài sản quý giá nhưng giữ rừng sâu, không có ai cứu giúp nên các chủ bè gỗ đành đứng im cho cướp gom tài sản đổi mạng sống của mình.
Liên tiếp hai vụ cướp xảy ra khiến ai cũng khiếp sợ, sự việc được trình báo cơ quan công an Con Cuông. Sau khi vào cuộc thì xác định các đối tượng gây ra các vụ cướp là: Hà Văn Thu (SN 1971), Hà Văn Tư, Lô Văn Hồng, Vi Văn Bảy, đều trú tại xã Môn Sơn, Con Cuông. Hai đối tượng Lô Văn Hồng, Vi Văn Bảy bị bắt giữ ngay sau đó, còn Hà Văn Thu, Hà Văn Tư nghe tin đã nhanh chân tẩu thoát.
Năm 1994, Công an huyện Con Cuông đã phát lệnh truy nã đối với Hà Văn Thu và Hà Văn Tư. Khi đang điều tra truy bắt hai đối tượng thì công an nhận được thông tin Hà Văn Tư tử vong khi đang chạy trốn trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An). Riêng đối tượng Hà Văn Thu thì không có thông tin gì.
Năm 1996, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Hà Văn Thu, Chuyên án mang bí số 996T cũng được xác lập để đấu tranh truy bắt nhưng không có kết quả. Năm 2010, khi PC52, Công an Nghệ An được thành lập, cũng đã nhiều lần triển khai truy bắt nhưng mọi thông tin về Thu vẫn như một ẩn số.
Đến đầu năm 2017, qua nguồn tin từ cơ sở và trinh sát nắm được đối tượng Hà Văn Thu từng lẩn trốn tại huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa), sau chuyển đến xã Sơn Lư (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Qua xác minh thông tin, cảnh sát không tìm thấy có ai tên Thu như hồ sơ truy nã. Hành trình truy tìm Thu lại rơi vào ngõ cụt. Bất ngờ thì một bức ảnh danh chỉ bản trong hồ sơ truy nã công an xã Sơn Lư nhận thấy có nhiều đặc điểm giống với một người từng làm công an viên bản Na Mèo tên Lương Văn Giang.
Qua xác minh, Giang không phải là người gốc địa phương, năm 1998, Giang được một người dân địa phương nhận làm con nuôi và bảo lãnh để nhập hộ khẩu. Hồ sơ địa phương thể hiện là Lương Văn Giang (SN 1972) nhưng phần nguyên quán không trùng khớp với thông tin trong hồ sơ truy nã.
Tại địa phương Lương Văn Giang còn được xem là hình mẫu gia đình ở vùng biên giới này vì chỉ sinh hai con và nuôi dạy cho ăn học đến nơi đến chốn. Sau khi củng cố các hồ sơ, xác định chính xác Giang chính là Thu ngày 28/3, Phòng PC52 Công an Nghệ An lên đường sang Thanh Hóa phối hợp với công an tỉnh bạn triển khai vây bắt đối tượng.
Vì địa bàn gần biên giới nên cảnh sát luôn thận trọng hết sức để Thu không bỏ trốn sang Lào gây khó khăn cho việc truy bắt. Thiếu tá Biện Viết Chiến, Đội trưởng Đội 3, Phong PC52 thành viên tổ công tác nhớ lại: “Khi Giang và vợ đang đứng thu mua nông sản tại cửa hàng nhà mình thì cảnh sát ập đến đọc lệnh bắt. Khi đọc đúng tên, Hà Văn Thu giật mình nhưng không kịp phản kháng lại. Vợ con và người nhà Thu cho rằng cảnh sát bắt nhầm người nên đã kéo nhau lên ủy ban xã đề nghị thả người. Nhưng sau đó, Giang khẳng định với gia đình mình là người trong lệnh truy nã thì cả nhà choáng váng, vợ Thu ngất xỉu mọi người phải dìu về nhà...”.