Cựu Cục trưởng Xuất bản đề nghị phạt nặng vụ đưa diễn viên Công Lý lên bìa sách luật

(PLO) - Để “lọt lưới” ấn phẩm nói trên, trước tiên phải nói đến nhận thức của hoạ sỹ trình bày, tiếp đó là người biên tập kỹ, mỹ thuật và cuối cùng là Giám đốc Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, người đã ký lưu chiểu trước khi ấn phẩm phát hành.
Sách luật chứ không phải sách hài kịch!
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) nay là Phó Chủ tịch Thường trực của Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, những sai sót trên cuốn sách “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội (Bộ LĐTB&XH) là một lỗi hết sức sơ đẳng và cực kỳ tối kỵ đối với người làm xuất bản phẩm.
Ông Nguyễn Kiểm
Ông Nguyễn Kiểm 
Đây rõ ràng là một cuốn sách chứa đựng những thông tin về luật pháp, hết sức nghiêm túc và chuẩn mực, nhưng họa sỹ trình bày bìa trong trường hợp này có thể do không có kiến thức về pháp luật nên đã bỏ qua những yêu cầu cơ bản đối với việc trình bày bìa một ấn phẩm đặc thù như vậy. 
“Nhiệm vụ chính của anh họa sỹ là phải minh họa sát với nội dung của cuốn sách. Nhưng ở đây, người trình bày mới chỉ “họa” chứ không minh. Ý tôi muốn nói là việc vẽ bìa cuốn sách này đã gây ra họa, tai họa cho người đọc...” - cựu Cục trưởng Xuất bản nhận xét. 
Dưới góc độ mỹ thuật, ông Kiểm cho rằng, bìa của một cuốn sách phải hội đủ các điều kiện “đẹp” và “đúng”, có nghĩa là đối với một cuốn sách chính trị, pháp lý, khi làm bìa hoàn toàn khác với một ấn phẩm về văn nghệ từ kiểu chữ, hình ảnh minh hoạ…  
“Tôi nói thí dụ như chữ trên trang bìa của những cuốn sách loại này phải là Roman, không thể bay bướm được. Bay bướm, màu mè chỉ dùng để in thiệp đám cưới. Nói tóm lại về mặt mỹ thuật, cuốn sách nói trên bị lỗi rất nặng và không biểu đạt được giá trị thẩm mỹ.” - ông Kiểm nhấn mạnh.
Giám đốc Nhà xuất bản không xem khi ký?
Với một “hạt sạn” lớn như vậy, nhưng ấn phẩm trên không hiểu tại sao vẫn lọt ra bên ngoài khiến không chỉ người đọc mà người bị lấy hình ảnh để minh họa trên trang bìa cuốn sách (Nghệ sỹ Ưu tú Công Lý) đều bức xúc. Vì thế, trách nhiệm trong trường hợp này chắc chắn không chỉ mỗi họa sỹ trình bày, bởi đằng sau khâu thiết kế trình bày còn có bộ phận biên tập kỹ, mỹ thuật, Giám đốc của Nhà xuất bản Lao động – Xã hội. “Trong trường hợp này, có thể ông Giám đốc Nhà xuất bản khi ký nộp lưu chiểu sách đã không để ý đến bìa.” - ông Kiểm nhận định.
Xử lý sai phạm này không đơn thuần chỉ là câu chuyện thu hồi toàn bộ số sách đã phát hành mà cần phải xử lý nghiêm. “Phải cá thể hoá trách nhiệm của người để xảy ra sai phạm. Họ đã phạm phải những lỗi rất sơ đẳng thì phải phạt nặng. Phải bắt  họ trả “học phí” để “học” lại kỹ năng trình bày.” - Cựu Cục trưởng Xuất bản nói. 
* Đã gây ra họa…
“Nhiệm vụ chính của anh họa sỹ là phải minh họa sát với nội dung của cuốn sách. Nhưng ở đây, người trình bày mới chỉ “họa” chứ không minh. Ý tôi muốn nói là việc vẽ bìa cuốn sách này đã gây ra họa, tai họa cho người đọc...” - ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam.
* Coi thường độc giả!
“Khi đọc những thông tin trên mạng, cảm giác đầu tiên của tôi là bất bình. Một cuốn sách chứa đựng nhiều quy phạm của Nhà nước mà đơn vị xuất bản lại ngô nghê khi sử dụng những hình ảnh thiếu thẩm mỹ như thế thì thật không thể chấp nhận nổi. Đó không chỉ là sự coi thường pháp luật của Nhà nước mà còn coi thường cả người đọc” - ông Nguyễn Hồng Hải (trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội).
* Không hiểu Nhà xuất bản muốn nói gì?
“Cuốn “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” với hình  ảnh “Cán cân công lý” là diễn viên hài Công Lý mặc chiếc “quần nhỏ”, mình để trần, hai tay cầm hai cán cân đứng trên quả cầu lửa, tôi không khỏi bị sốc, Bộ luật là những văn bản pháp lý, luật định chứ không phải nơi để đùa cợt, hình ảnh phản cảm này đã làm mất đi sự uy nghiêm của pháp luật nhà nước, tôi không hiểu thông điệp mà nhà xuất bản muốn truyển tải đến người đọc ở đây là gì?” - ông Nguyễn Văn Bình (trú tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Đọc thêm