Chuyện một cuốn sách nghiêm túc nhưng lại được minh hoạ bằng một hình ảnh phản cảm lập tức khiến những người làm luật bức xúc. Luật sư Hà Huy Từ (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đã có bài viết gửi PLVN, thể hiện quan điểm của mình về “hạt sạn” trong ấn phẩm nói trên.
Cuốn sách “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” sử dụng hình ảnh diễn viên Công Lý cắt xén, lắp ghép với nội dung hài hước đã gây ra những hệ luỵ hết sức nguy hiểm. Điều 31 Bộ luật Dân sự quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình”. Vì vậy, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân trong trường hợp này phải được sự đồng ý của nghệ sỹ Công Lý.
Cần lưu ý, luật pháp cũng nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Trong trường hợp này, có thể thấy Nhà xuất bản nói trên khi thiết kế trang bìa ấn phẩm đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân nghệ sỹ Công Lý. Vì thực tế, việc sử dụng hình ảnh của nghệ sỹ sau đó photoshop cắt xén, cho ra hình ảnh phản cảm mà không được sự đồng ý của người có hình ảnh là đã vi phạm quy định của pháp luật dân sự.
Nghệ sỹ Công Lý hoàn toàn có quyền khởi kiện nhà xuất bản ra Toà án có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật. Bởi đến thời điểm hiện nay, Công Lý là một người được đông đảo khán giả biết đến bởi lối sống giản dị, yêu nghề. Vì vậy, việc lắp ghép, đưa ra hình ảnh thiếu thẩm mỹ của anh trên bìa cuốn sách “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đẹp của nghệ sỹ kịch nói này.
Nhiều hệ lụy
Ngoài ra, “hạt sạn” trong xuất bản phẩm nói trên không chỉ ảnh hưởng đến chuẩn mực vốn có của một cuốn sách về pháp luật mà còn “gieo” vào đầu độc giả liên tưởng hết sức tiêu cực… Bởi pháp luật nói chung, Bộ luật Dân sự nói riêng đều thể hiện tính nghiêm túc, thượng tôn pháp luật, đưa ra những quy định pháp lý yêu cầu đối tượng áp dụng phải thực hiện. Trong khi ngay trang bìa của cuốn sách, đơn vị xuất bản đã vi phạm… Bộ luật Dân sự.
Giới làm luật trong cả nước chắc chắn rất bức xúc và phẫn nộ. Nhiều người không hiểu được người thể hiện hình ảnh nghệ sỹ Công Lý đứng trên quả cầu, cười tươi, trên người chỉ mặc độc một chiếc quần … “nhỏ”, hai tay dang ra cầm hai chiếc đĩa cân là có mục đích, ý nghĩa gì? Không biết những người thực hiện cuốn sách này có đọc, tìm hiểu Bộ luật Dân sự hay không mà lại nảy ra ý tưởng làm bìa “độc” đến thế?
Thời gian qua, đã có nhiều vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực xuất bản gây bức xúc trong dư luận như truyện tranh thiếu nhi không phù hợp với lứa tuổi, từ điển tiếng Việt in sai nội dung, sai tên… Vì vậy, để hạn chế kịp thời những hệ luỵ mà ấn phẩm này có thể gây ra, ngoài việc thu hồi triệt để thì phải sớm làm rõ trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai phạm, tránh tái diễn những trường hợp tương tự.
Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
Điều 25. Bảo vệ quyền nhân thân
Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền ...2. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; 3. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.
Điều 31. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
...2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. 3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.