Kiểm định phân bón bằng… miệng
Gây sốc nhất có lẽ là việc Bộ trưởng tiết lộ: “Để có thể xác định chất lượng phân bón trên thị trường, khá nhiều nơi, cán bộ chi cục QLTT đã phải thử bằng miệng, tức là dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón. Đây là một hiện tượng có thật, xin báo cáo Quốc hội như vậy”.
Thông tin trên được Bộ trưởng đưa ra để làm ví dụ cho tình trạng phương tiện, công cụ của lực lượng quản lý thị trường vừa yếu, vừa thiếu, trang thiết bị không đầy đủ; đi kiểm tra còn thiếu trang thiết bị kiểm nghiệm, thiếu thiết bị đánh giá chất lượng, do đó, hàng giả, hàng lậu vẫn là nỗi bức xúc của cử tri.
Trước thông tin của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Thị Khá bày tỏ: “Tôi rất buồn, vì theo Bộ trưởng, do thiếu phương tiện kiểm định đến nỗi phân bón phải kiểm định bằng miệng, vậy thuốc trừ sâu phải kiểm định bằng gì? Nếu thiếu phương tiện đến vậy, giải pháp nào? Bộ trưởng có trách nhiệm đến đâu?”
Đáp lời, Bô trưởng biện minh: “Tôi dẫn ví dụ này chỉ là một ví dụ để nói rằng, chúng ta còn đang thiếu công cụ phục vụ kiểm tra chất lượng, không phải chỉ trong phân bón vô cơ, mà còn trong thực phẩm, hàng hóa khác liên quan đến sức khỏe và đời sống nhân dân. Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều kiến nghị để Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét bổ sung thiết bị cho ngành quản lý thị trường”.
ĐB Nguyễn Thị Khá chất vấn bộ trưởng Vũ Huy Hoàng |
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng không phủ nhận một nguyên nhân cho sự tồn tại của hàng giả, hàng lậu là tình trạng tiêu cực, làm việc chưa hết trách nhiệm, bao che cho sai phạm của đội ngũ quản lý thị trường, nên dẫn đến hiệu quả công tác này chưa cao.
Trước đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, là vấn đề nhức nhối, tồn tại từ nhiều năm nay. Các lực lượng chức năng đã cố gắng, nhưng kết quả còn hạn chế, trong đó có lực lượng quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương.
Ngoài những nguyên nhân như đã nói ở trên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng còn cho rằng do dung lượng thị trường ngày càng phát triển và phát triển rất mạnh, tốc độ tăng trưởng rất cao; độ mở của nền kinh tế cũng rất lớn. Cho nên, việc giao thương hàng hóa với tỷ trọng ngày càng tăng là một xu thế. Đi liền với xu thế giao thương này, một số phần tử làm ăn không đứng đắn kể cả trong nước và móc nối với nước ngoài cũng lợi dụng kẽ hở để đưa hàng chất lượng kém, hàng giả, hàng không đáp ứng được yêu cầu vào tiêu thụ trong thị trường nội địa.
Việt Nam đã nội địa hóa 90% đối với sản xuất xe máy
Trả lời câu hỏi của ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) về vấn đề công nghiệp phụ trợ> Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thông tin: Gần đây nhât là năm 2012, Chính phủ đã ban hành một số chính sách liên quan đến công nghiệp hỗ trợ. Có thể khẳng định, về chính sách là có ưu tiên, nhưng về cấp độ pháp lý là chưa đủ. Thậm chí là chưa có một văn bản ở cấp Nghị định đối với vấn đề công nghiệp phụ trợ.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế ngành công nghiệp trong nước Bộ trưởng thừa nhận để công nghiệp phụ trợ phát triển thì quy mô sản xuất phải lớn, số lượng nhiều thì giá thành mới cạnh tranh, tổ chức sản xuất thuận lợi hơn. Như ô tô chỉ khoảng 70 nghìn xe/năm, khó có DN hỗ trợ nào đứng ra cung cấp phụ tùng cho hơn một chục nhà sản xuất với các yêu cầu, mà sản lượng phải từ 100 nghìn xe một năm thì công nghiệp phụ trợ mới có lãi.
Thêm một lý do nữa để ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển yếu là bởi các DN lớn đã có các cơ sở cung cấp phụ kiện nên VN đi sau khó chen chân trong khi sức đang yếu trong chuỗi sản xuất toàn cầu. “Ngành CN hỗ trợ đòi hỏi vật liệu mới, thép chế tạo, chất dẻo mà VN hầu như chưa có, vẫn phải nhập nên giá thành khó cạnh tranh với nước ngoài. "CN phụ trợ là ngành thâm dụng lao động, trình độ tay nghề phải cao, gần như là nghệ nhân mà VN lại thiếu những lao động như vậy". Bộ trưởng cho biết thêm.
Một thông tin được cho là tín hiệu vui được Bộ trưởng đưa ra là con số nội địa hóa sản xuất xe máy đạt đến 90%, đánh bật các hãng xe máy nước ngoài, thậm chí còn xuất khẩu đạt 280 triệu USD. Tỉ lệ nội địa hóa trong sản xuất ô tô có mức khác nhau như 40% ô tô chở khách, xe tải nông dụng 70%, xe con chỉ khoảng 10%...