Ưu tiên số 1 là thoát nước, cứu người
Sau khi cập nhật các thông tin tại hiện trường, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị các lực lượng cứu hộ tập trung toàn lực, ưu tiên số 1 cho việc giải cứu toàn bộ 12 công nhân bị mắc kẹt phía bên trong hầm. Đặc biệt là việc khoan tháo nước ra ngoài trước khi tiếp tục đào thông hầm.
Đến thời điểm này, công tác cứu hộ vẫn đang được các lực lượng chức năng gấp rút triển khai. Lực lượng công binh bắt đầu thực hiện việc đào hầm, gia cố bên trong đường hầm. Trong khi đó, lực lượng y tế cũng đặt một trại dã chiến tại hiện trường và đưa thêm thuốc men, dụng cụ y tế để sẵn sàng ứng cứu các nạn nhân.
Ông Dũng nhấn mạnh, cần sớm có phương án thoát nước phía trong đường hầm để đảm bảo an toàn cho nhóm công nhân do hiện nước trong hầm đang dâng lên. Song song đó cần có phương án đào xuyên qua lớp đất đá theo hình tròn, hình tam giác, hình vuông có đủ kích thước để đưa người ra ngoài an toàn.
Khi nghe báo cáo cần có máy khoan cọc nhồi chuyên dụng và hiện máy đang có tại Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1), Bộ trưởng Xây dựng chỉ đạo ngay lập tức điều động máy khoan từ TP.Hồ Chí Minh lên Lâm Đồng để tham gia cứu hộ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, để phục vụ công tác cứu hộ, Bộ đã cử một đội thuộc Trung tâm cứu hộ mỏ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đến hỗ trợ. Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh, việc cần kíp trước mắt là tập trung cứu người và sau khi giải cứu thành công các nạn nhân, chắc chắn sẽ phải xem xét vấn đề trách nhiệm và xử lý các sai phạm trong vụ sập hầm.
Hai Bộ trưởng cũng thống nhất cho tạm ngừng thi công công trình sau khi đã giải cứu được các nạn nhân.
Lực lượng cứu hộ đang tìm cách để thoát nước ra ngoài |
Việc cho thi công lại, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng sau khi kiểm tra, rà soát sẽ có đề nghị để Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương xem xét.
Nước dâng, đe dọa nạn nhân bị kẹt
Trước đó, đến trưa nay (17/12), với sự tham gia của công binh Quân khu 7 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, công tác cứu hộ được đẩy nhanh và triển khai thêm phương án để giải cứu các nạn nhân.
Trong cả buổi sáng, lực lượng cứu hộ đã đưa gỗ và sắt vào gia cố phần mái và hai bên thành đường hầm để tránh sập thêm. Do phía trên đỉnh đồi, tại vị trí hầm sập đã tạo ra một hố sâu khoảng 10m, đường kính rộng 15m, khiến lượng đất đá tiếp tục dồn xuống thêm gây khó khăn cho việc khoan, đào để đưa ống thoát hiểm qua đoạn hầm bị sập.
Trong khi đó, phía bên trong đoạn hầm nơi 12 công nhân đang bị mắc kẹt, nước đang dâng lên cao khoảng 1m nên lực lượng cứu hộ buộc phải thêm phương án thoát nước để bảo đảm an toàn cho các nạn nhân.
Có mặt tại hiện trường, ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, tỉnh đang tập trung tất cả cho công tác cứu hộ, cứu nạn; quan trọng nhất là việc đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho các công nhân đang gặp nạn.
Bí thư Tỉnh ủy đã họp với lực lượng chức năng và thống nhất phương án đưa máy bơm vào để thoát nước trong đường hầm, đồng thời cho khoan thêm phía đầu bên kia đường hầm để làm đường thoát xả nước, bùn ra ngoài.
Thông tin từ Ban Chỉ huy công trình, thời điểm sự cố xảy ra có 32 công nhân đang ở trong đường hầm để chuẩn bị thi công hầm; trong đó 20 người ở phía ngoài đã kịp thoát thân, còn lại 12 công nhân (có 1 nữ) đã vào sâu bên trong hơn 600m bị kẹt lại.
Được biết, nhận được đề nghị, Phòng Phòng cháy chữa cháy TP.Hồ Chí Minh đã cử 45 cán bộ, chiến sỹ với bốn xe các loại (hai xe chuyên dụng, một xe chở quân, một xe chở thiết bị cứu nạn, cứu hộ) xuất phát từ 15 giờ ngày 17/12 với tinh thần khẩn trương để kịp thời tiếp ứng, cứu hộ trong vụ sập hầm thủy điện.