Bệnh nhân nữ L.T.R, sinh năm 1954, địa chỉ tại Phụng Hiệp, Hậu Giang nhập viện cấp cứu vào lúc 16 giờ 15 phút ngày 11/01/2021 trong tình trạng ho khạc đàm nhiều, khó thở phải ngồi, thể trạng suy kiệt.
Bệnh nhân đau tức vùng ngực trái nhiều, đến bệnh viện địa phương khám và được chỉ định nhập viện theo dõi, nhận thấy tình trạng bệnh nặng vượt quá khả năng chuyên môn nên chuyển đến BVĐKTW Cần Thơ.
Kết quả siêu âm tim, khối u nhầy nhĩ trái kích thước 29x27mm; cuống u rộng bám vào vách liên nhĩ, rất di động. Van động mạch chủ hở nặng, dãn thất trái. Bệnh nhân được chụp tầm soát bệnh lý động mạch vành kèm theo. Chẩn đoán xác định: u nhầy nhĩ trái, hở nặng van động mạch chủ; suy tim độ II/ lớn tuổi, suy kiệt.
Hội chẩn chuyên khoa kết luận: Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật lấy u nhầy nhĩ trái kèm thay van động mạch chủ sinh học với nguy cơ cao. Ê-kíp phẫu thuật đã thực hiện lấy trọn u kèm cuống, tái tạo vách liên nhĩ bằng màng ngoài tim; thay van động mạch chủ sinh học. Phẫu thuật diễn ra thành công sau 4 giờ.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi tích cực tại đơn vị hồi sức phẫu thuật tim. Sáng 19/01/2021: bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn và các chỉ số xét nghiệm ổn định, bệnh nhân sinh hoạt bình thường, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Theo Bs.CK2 Lâm Việt Triều – Phó khoa, phụ trách khoa Phẫu thuật tim, bệnh nhân này cùng lúc ghi nhận 2 tổn thương u nhầy nhĩ trái và hở van động mạch chủ nặng, nên ê-kíp phẫu thuật phải xử lý cùng lúc cả 2 tổn thương này. Do đó, thời gian phẫu thuật sẽ kéo dài hơn, tiên lượng cuộc mổ và hồi sức sau phẫu thuật sẽ khó khăn và phức tạp hơn so với chỉ xử lý tổn thương u nhầy đơn thuần.
U nhầy (Myxoma) là u nguyên phát thường gặp nhất ở tim. U nhầy thường là loại u lành tính. Tuy là u lành tính nhưng hậu quả gây ra về mặt huyết động học thường rất nặng, cần phải điều trị ngay, nếu chậm trễ có thể gây tử vong.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất và phải mổ càng sớm càng tốt ngay sau khi có chẩn đoán. Theo các khuyến cáo, bệnh u ở tim là bệnh lý không thể dự phòng, bệnh ghi nhận ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Vì thế khi có biểu hiện đau ngực, nhịp tim nhanh biểu hiện bằng đánh trống ngực, khó thở, mệt mỏi và đặc biệt ngất khi thay đổi tư thế, người bệnh cần được kiểm tra tại cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch để có thể phát hiện bệnh sớm.
Bệnh có tỷ lệ tái phát dù đã được phẫu thuật, vì vậy người bệnh nên tuân thủ tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.