Bệnh nhân N.T.K.T nhập viện trong tình trạng bị bỏng rộp toàn thân, li bì, sốt cao, tinh thần rối loạn và được chẩn đoán bị hội chứng Liell, nghĩ nhiều đến dị ứng thuốc. |
Ngày 9/9, bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Khoa Lây - Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết, sau 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân N.T.K.T (SN 2002, trú tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) đã qua cơn nguy kịch và đang hồi phục sức khỏe.
Trước đó, vào ngày 30/8, Khoa Lây - Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An tiếp nhận bệnh nhân K.T trong tình trạng bị nổi các bỏng nước toàn thân, các hốc tự nhiên như mắt, mũi, miệng, tai bị bỏng ban và bong ra, chảy nước, toàn thân lở loét, bong da như bị bỏng vôi. Các điểm bỏng sâu dưới mặt da, li bì, sốt cao liên tục và bị rối loạn tinh thần.
Theo người nhà bệnh nhân cho biết, trưa ngày 27/8, cháu T. bất ngờ có biểu hiện đau mắt, nước mắt chảy nhiều. Gia đình đưa cháu bé đến Trạm Y tế xã để khám. Sau khi được chẩn đoán bị phát ban, cháu bé được cho uống thuốc hạ sốt. Lúc này, xung quanh miệng cháu T. nổi mẩn đỏ và nhanh chóng lan rộng ra mặt, bụng, ngực, cổ và tay. Cháu T. được chuyển lên Bệnh viện huyện Quỳ Hợp.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị thủy đậu. Các vết phòng rộp nhanh chóng lan rộng toàn cơ thể. Mặt, bụng, cổ, ngực và tay bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những vết phồng rộp lớn. Thấy diễn biến của bệnh quá nhanh, gia đình đưa cháu bé xuống Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An.
“Lúc xuống đến đây, các vết bỏng ở miệng cháu đã lên dày đặc, miệng chảy mủ, mắt bị sưng không mở được”, chị H., mẹ bệnh nhân T. cho hay.
“Nhìn biểu hiện bệnh của bệnh nhân chúng tôi chẩn đoán bị hội chứng Liell, nghĩ nhiều đến dị ứng thuốc và chỉ định chuyển cháu lên tuyến trên. Tuy nhiên, với diện tích bị bỏng rộp lớn như vậy, nếu di chuyển trên đoạn đường dài sẽ ảnh hưởng đến tình mạng bởi đây là một dạng dị ứng ít gặp, tỷ lệ tử vong cao. Nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến tổn thương thận, tim. Các nốt bỏng trên da lớn, việc điều trị, chăm sóc khó khăn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ”, bác sỹ Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Các bác sỹ Khoa Lây – Truyền nhiễm quyết định để bệnh nhân ở lại, tập trung cứu chữa, hồi sức, cho truyền dịch, kháng sinh chống dị ứng và phối hợp với Khoa bỏng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân. Sau 10 ngày chữa trị tích cực, đến nay các vết bỏng trên người bệnh nhân đã xẹp bớt, các vết thương bị vỡ đã bắt đầu se lại, bệnh nhân tiếp xúc tỉnh táo và đã có thể ăn được cháo.
“Hiện tại vẫn chưa xác định được bệnh nhân bị dị ứng thuốc gì. Khi dùng thuốc có các biểu hiện ngứa, nổi ban... cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng cách. Đặc biệt là đối với trẻ em và người có tiền sử dị ứng cần được theo dõi và cẩn trọng khi sử dụng thuốc”, bác sĩ Nguyễn Văn Sơn khuyến cáo.