Người bệnh nhồi máu cơ tim ban đầu có những cơn đau ngực rất nhẹ hoặc chỉ cảm thấy khó chịu ở phần dưới xương ức. Những triệu chứng này có thể thoáng qua cho đến khi xuất hiện những cơn đau nặng hơn.
Trưa 19/2, bà Hồ Tố Anh (68 tuổi, trú huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) tự nhiên buồn nôn, mệt mỏi, vã mồ hôi. Người thân đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Cái Nước cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Lúc này, bà đã hôn mê, mấy người con ai cũng nghĩ trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, suy tim, Ths.Bác sĩ Lê Quang Tuấn - Phó trưởng khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau) cùng ekip xác định bệnh nhân bị tắc mạch vành. Mạch vành là hệ thống dẫn máu lưu thông đến các cơ quan nên ekip đã nhanh chóng can thiệp tái thông.
Hiện sức khỏe bà Hồ Tố Anh đã ổn định. |
Sức khỏe bà Hồ Tố Anh dần phục hồi, ổn định. “Nhờ các bác sĩ ở đây tận tình, kịp thời áp dụng kỹ thuật mới nên tôi được tái sinh. Nếu không, chắc tôi không có thể trò chuyện được thế này”, bà Hồ Tố Anh bày tỏ.
Thông thường, với những trường hợp bệnh nhân tắc mạch vành đưa đến bệnh viện sớm như bà Hồ Tố Anh thì Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau sẽ cho dùng thuốc để tan máu đông sau đó chuyển lên bệnh viện tuyến trên ở TP Cần Thơ hay TP Hồ Chí Minh. Do đường xa, mất nhiều thời gian nên tỷ lệ cứu chữa thành công khoảng 50% và bệnh nhân có nguy cơ chịu biến chứng xuất huyết não. Còn các trường hợp đưa bệnh nhân đến trễ thì Bệnh viện không có biện pháp điều trị hiệu quả, còn chuyển đi thì tỷ lệ tử vong rất cao. Từ khi làm chủ kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã cứu chữa được rất nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau được chuyển giao, làm chủ kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân... |
Theo Ths.Bác sĩ Lê Quang Tuấn - Phó trưởng khoa Nội tim mạch cho biết, nhồi máu cơ tim cấp nguy cơ tử vong rất cao. Trong chữa trị nhồi máu cơ tim có một thuật ngữ là “giờ vàng”, nếu bệnh nhân đến bệnh viện khoảng "giờ vàng" này, tương ứng từ 6 đến 12 tiếng đầu khi có triệu chứng và được tiến hành thông mạch cơ tim sớm thì sẽ giữ được chức năng sinh tồn. Nếu tái thông không kịp là bệnh nhân dễ tử vong, hoặc có thể còn giữ được sự sống nhưng cơ tim cũng bị hoại tử nhiều. Kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da là biện pháp giúp cứu bệnh nhân kịp thời.
Bác sĩ Bùi Đức Văn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết: “Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ phía Bệnh viện Chợ Rẫy, ekip chúng tôi được đào tạo bài bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật mới. Hầu hết những ca cấp cứu nhồi máu cơ tim tại Cà Mau không còn phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Bình quân một ngày chúng tôi có thể cấp cứu 2, 3 ca, ngày nhiều nhất có thể lên tới 8 ca, cứu sống được rất nhiều bệnh nhân…”.
Bác sĩ Bùi Đức Văn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. |
Bên cạnh kỹ thuật chuyên sâu về can thiệp mạch vành, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cũng được đào tạo, thực hiện được các kỹ thuật cao khác như đặt máy tạo nhịp tim, hỗ trợ việc can thiệp tim mạch 24/7... Để đảm bảo nhu cầu cứu chữa bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đang cử thêm 1 ekip tiếp tục học tại Bệnh viện Chợ Rẫy để hướng tới không chỉ có thể can thiệp mạch vành mà còn can thiệp được mạch máu não, hay mạch các chi.
Từ năm 2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã cử 2 Bác sĩ đi học, tiếp nhận kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng như chuẩn bị trang thiết bị phục vụ triển khai kỹ thuật này.
Đến năm 2020, các bác sĩ và cả ekip đã đảm bảo thực hiện can thiệp mạch vành qua da tại bệnh viện tỉnh. Tới nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã thực hiện điều trị cho hơn 1.200 ca nhồi máu cơ tim, trong đó, 2/3 số ca là các bệnh nhân cấp cứu đã được can thiệp tái thông mạch vành kịp thời.