Khả năng có thể điều chỉnh nhẹ của VN-Index trong phiên cuối tuần đã được một số công ty chứng khoán dự báo trước. Tuy nhiên, trái với lo lắng của giới phân tích, thị trường đã có được một phiên "thử lửa" khá vững vàng.
Cân bằng cung - cầu và sự ổn định của tâm lý nhà đầu tư cùng với sự hỗ trợ tích cực từ những diễn biến khả quan của thị trường chứng khoán thế giới phiên sáng nay đã giúp VN-Index kháng cự thành công.
Cổ phiếu nhỏ - lực đỡ thị trường
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index tăng nhẹ 0,09 điểm (tương đương tăng 0,02%) lên 439,94 điểm. Khối lượng giao dịch tăng mạnh, đạt 45,4 triệu cổ phiếu, tương đương 1.071 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận lên tới gần 12,6 triệu cổ phiếu, tương đương 433,77 tỷ, khối lượng lớn giao dịch thỏa thuận nằm ở các bluechips như STB, VNM, HAG…
|
Tuy nhiên, các cổ phiếu đóng góp vào sức tăng của VN-Index sáng qua (26/11) chủ yếu là cổ phiếu nhỏ (penny chip). Các mã PVF, BVH, FPT… rớt giá đã kéo Vn-Index đi xuống, trong khi đó, MSN, SBS, EIB… trở thành lực đỡ, kéo thị trường đi lên. Các cổ phiếu giao dịch mạnh là VNE (khớp 2,87 triệu đơn vị, còn dư bán giá trần hơn 300 nghìn đơn vị); KSS (khớp hơn 1 triệu đơn vị, còn dư mua trần hơn 460 nghìn đơn vị); VIS (khớp hơn 800 nghìn đơn vị, cuối phiên vẫn còn dư mua trần hơn 200 nghìn đơn vị; VES, NVT, MCV, DIC, MCG... cuối phiên đều không còn dư bán.
Tuy nhiên, trái với không khí khá lạc quan trên sàn HoSE, sàn HNX đã khép lại phiên cuối tuần HNX-Index đảo chiều giảm nhẹ 0,5 điểm (tương đương 0,49%) đứng ở mức 101,57 điểm. Bù lại, thanh khoản trên sàn này tiếp đà tăng vọt. Đóng cửa phiên, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 40,44 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 727,23 tỷ đồng.
OTC “nóng” nhờ cổ phiếu tiêu dùng
Trong khi cổ phiếu niêm yết “vật vã” kháng cự xu thế tụt dốc thì trên thị trường OTC, nhiều mã chứng khoán của các ngành hàng tiêu dùng lại giữ được “phong độ” ổn định.
Lý do được ghi nhận là do cổ phiếu các ngành hàng tiêu dùng có thị phần ổn định, lượng cổ phiếu lưu hành hạn chế và có hoạt động đặc thù. Ví dụ, 10 tháng đầu năm 2010, Cty cổ phần Everpia Việt Nam (nhãn hàng Everon) đạt 65,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, dự kiến cả năm đạt trên 100 tỷ đồng lợi nhuận do hai tháng cuối năm là hai tháng cao điểm tiêu dùng các sản phẩm của nhãn hàng này. Cty này cũng đang gấp rút chuẩn bị để giữa tháng 12/2010 lên sàn. Cổ phiếu Everon hiện được giao dịch trong khoảng 42.000 - 45.000 đồng/đơn vị, giữ mức giảm chậm và được đánh giá là có khả năng giữ giá tốt so với bình diện chung của thị trường.
Tương tự, cổ phiếu của Cty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico) cũng đang được nhà đầu tư quan tâm do mức lợi nhuận sau thuế của DN lớn và khả năng chi trả cổ tức cao (lên đến 94,33%, trong đó trả bằng tiền mặt 10%, còn lại trả bằng cổ phiếu). Cổ phiếu Halico đang được giao dịch ở mức giá 75.000 đồng/đơn vị. Trong khi đó, cổ phiếu của Cty cổ phần Thực phẩm Masan (Massan Food) giữ giá trên 90.000 đồng/CP; cổ phiếu của Cty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCTS) cũng đang được giao dịch quanh mức 50.000 đồng/đơn vị….
“Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng đang được đánh giá là “giữ được niềm tin của nhà đầu tư” trong bối cảnh thị trường ảm đạm này” – ông Nguyễn Ngọc Hạnh – một nhà môi giới tự do – nhận định.
Thu Hường