Đã có thuốc có khả năng điều trị vi rút Ebola

(PLO) - Hôm qua 12-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định cho phép sử dụng loại thuốc ZMapp chưa qua thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh cho các bệnh nhân mắc virus Ebola nguy hiểm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đó là công bố của WHO đưa ra sau cuộc họp các chuyên gia về đạo đức y tế tại Geneva (Thụy Sĩ) nêu rõ, trong tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hiện nay, việc đề xuất các biện pháp điều trị chưa được kiểm tra, chưa được xác nhận về tính hiệu quả và tác động phụ của nó như một khả năng điều trị hoặc phòng ngừa bệnh là không vi phạm đạo đức. ZMapp, là loại huyết thanh gồm 3 kháng thể này được điều chế từ lá cây thuốc lá đã biến đổi gen. Loại thuốc này đã được sử dụng cho 2 nhân viên của tổ chức phi chính phủ "Samaritan’s Purse” (Mỹ) bị mắc virus Ebola tại Liberia. Cả hai người mắc bệnh trên đều có phản ứng tốt với loại thuốc trên.
Trước sự nguy hiểm và lây lan của bệnh dich Ebola, nhằm chủ động trong các tình huống giả định đặt ra, sáng nay 13/8, tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế đã khai mạc lớp tập huấn về điều trị bệnh do virus Ebola cho cán bộ ngành y tế tham gia điều trị bệnh nhân tại khu vực phía Bắc và ra mắt hệ thống khử trùng di động.
Tại lớp tập huấn, các cán bộ, nhân viên y tế được phổ biến các nội dung về hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh do virus Ebola, chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola theo quy định của Bộ Y tế, hướng dẫn thực hiện tờ khai y tế tại khu vực các cửa khẩu… Hiện chưa có thuốc điều trị hiệu quả đối với bệnh do virus Ebola do đó, việc điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng do virus gây ra. Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola, đồng thời giao cho Hội đồng chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola phù hợp theo diễn biến của bệnh dịch.
Tình huống phải dựng nhà bạt dã chiến để thu dung và cách ly bệnh nhân mắc bệnh dịch Ebola
 Tình huống phải dựng nhà bạt dã chiến để thu dung và cách ly bệnh nhân mắc bệnh dịch Ebola

Phát biểu tại lớp tập huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi. Trên cơ sở kế hoạch của Bộ Y tế đã ban hành với 3 tình huống ứng phó với dịch bệnh Ebola, ngành y tế các địa phương cần xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh này trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt, để kịp thời đối phó khi có dịch xảy ra; đồng thời tăng cường truyền thông tình hình dịch bệnh, nguy cơ, hình thức lây truyền và biện pháp phòng chống để nhân dân biết và thực hiện.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã hướng dẫn các cán bộ y tế về chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola, đồng thời giao cho Hội đồng chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola phù hợp theo diễn biến của bệnh dịch.

TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Việt Nam đã có 3 phòng sinh học cấp độ 3, ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và một cái ở Viện Pasters Tp.HCM với đầy đủ tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 3 theo tiêu chuẩn quốc tế do Nhật Bản xây dựng. Hiện nay Bộ Y tế đã cùng Tổ chức Y tế thế giới giúp cho Viện vệ sinh dịch tế TƯ, Viện Pasters Tp.HCM sẵn sàng năng lực tiếp nhận các bệnh phẩm của bệnh nhân bị nghi nhiễm Virus Ebola.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính cho biết: Trong quá trình theo dõi, xem xét tình hình, ứng phó với dịch bệnh Ebola có thể xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế cùng với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh đã xây dựng kế hoạch hành động trình Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã có công điện yêu cầu sự phối hợp của các ngành trong vấn đề phòng chống dịch bệnh. Kế hoạch đã đưa ra 3 tình huống khác nhau với các hành động đáp ứng cụ thể. Nội dung cơ bản là giám sát bệnh dịch, chẩn đoán, điều trị và dự phòng. Trong mục tiêu của giám sát thì cố gắng phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên dựa vào bệnh cảnh lâm sàng và yếu tố dịch tễ; đồng thời tiến hành xét nghiệm để chẩn đoán ca bệnh đầu tiên.

Bộ Y tế tổ chức tập huấn cho hệ dự phòng cách lấy mẫu dự phòng (máu, dịch tiết của người bệnh) nghi ngờ có nhiễm vi rút Ebola và vận chuyển mẫu đúng cách để tránh lây lan bệnh cho cộng đồng cũng như nhân viên y tế. Các mẫu này sẽ được chuyển về Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương (phía Bắc) và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh (phía Nam) để chuyển đi nước ngoài phân lập vi rút Ebola.

Tuy vậy, hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn 1 (chưa có trường hợp mắc bệnh). Mục tiêu cơ bản của giai đoạn này là giúp cho hệ dự phòng giám sát chặt chẽ thông qua kiểm dịch biên giới, kiểm dịch cửa khẩu hàng không, cửa khẩu đường bộ và đường thủy.

Ngày mai (14/8) tại Viện Pasteur- TP HCM cũng sẽ tập huấn về phòng chống dịch Ebola cho cán bộ y tế khu vực phía Nam./.

Đọc thêm