Đã công bằng khi chia việc trên cao tốc Bắc - Nam?

(PLO) - Có Ban quản lý dự án (PMU) nhân lực ít, nhưng được giao nhiều dự án trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng. Ngược lại, có PMU rất đông “quân” thì chỉ tham gia kiểu “gọi là” trên Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông?
Lãnh đạo Bộ GTVT thị sát hướng tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, trị giá gần 8.000 tỷ đồng
Lãnh đạo Bộ GTVT thị sát hướng tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, trị giá gần 8.000 tỷ đồng

Sáu PMU thuộc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) là PMU 2, 6, 7, 85, Thăng Long và PMU đường Hồ Chí Minh sẽ làm chủ đầu tư hoặc đóng vai cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với 10 dự án thành phần trị giá hơn 100.000 tỷ đồng, giai đoạn từ nay cho đến năm 2020. 

Công việc tỷ lệ thuận với quy mô Ban?

Dự án cao tốc Bắc - Nam đang vào kỳ bận rộn và phải gấp rút cho khâu hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) để khởi công 1 - 2 dự án thành phần ngay trong năm nay. Tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT, ngoài các Vụ, Cục chức năng, các PMU hiện đang đóng vai trò chủ lực với những phần việc đã được giao.

Theo đó, từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến lúc tổ chức thi công… đòi hỏi rất  lớn ở năng lực và khả năng quán xuyến công việc của các PMU. Tuy nhiên, theo quan sát, có Ban cùng lúc “ôm” nhiều dự án án, có Ban lai tham gia kiểu “gọi lạ”.

Cụ thể, tại siêu dự án nói trên, PMU Thăng Long hiện đang dẫn đầu với vai trò  là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền 2 dự án thành phần theo hình thức Hợp đồng BOT (đoạn Mai Sơn - QL45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Dây) trị giá 34.274 tỷ đồng. Tiếp đó, PMU 6 đang cùng lúc nắm 2 dự án (đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt), trị giá 22.244 tỷ đồng…

Việc PMU Thăng Long được giao một khối lượng công việc lớn như vậy có thể hiểu do đây là PMU lớn nhất thuộc Bộ (sáp nhập với PMU 1), với gần 300 người lao động. Những ở phía Nam, PMU 7  - một Ban có quy mô nhỏ, nhân sự ít thì lại được giao làm chủ đầu tư Dự án cầu Mỹ Thuận 2, với mức đầu tư 5.125 tỷ đồng từ vốn ngân sách và cả Dự án BOT đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, trị giá gần 20.000 tỷ đồng?

Các đơn vị khác như PMU 85 có trụ sở ở Nghệ An được phân công làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, với tổng đầu tư 15.031 tỷ đồng theo hình thức Hợp đồng BOT. Trong khi PMU 2 cũng được xếp vào hàng các Ban lớn của Bộ này, với 240 lao động, thì chỉ thấy quản lý hơn 40km đoạn QL45 - Nghi Sơn, trị giá 7.769 tỷ đồng.

Lãnh đạo Bộ GTVT thị sát hiện trường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dài 106km do PMU 7 làm chủ đầu tư bước FS
Lãnh đạo Bộ GTVT thị sát hiện trường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dài 106km do PMU 7 làm chủ đầu tư bước FS

Đã cắt chuyển 2 dự án giữa các PMU

Trong bối cảnh nguồn việc đang khan hiếm, thì việc phân chia dự án là điều khiến các PMU quan tâm, thậm chí là phản ứng nếu có sự không công bằng.

Theo một nguồn tin của PLVN, trong quá trình chuẩn bị cho Dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã từng cắt chuyển Dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn (dài 43km) trước do PMU Thăng Long (trước nữa là PMU 1) chủ trì từ năm 2009 để giao lại cho PMU 2 quản lý. 

Gần đây nhất, lãnh đạo Bộ GTVT đã tiếp tục điều chuyển 1 dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm (dài 29km) trị giá 5.131 tỷ đồng từ PMU 7 về PMU đường Hồ Chí Minh để Ban này đóng vai cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án. 

Vì thể, trong trường hợp này, câu hỏi đặt ra là: Bộ GTVT đã căn cứ vào những tiêu chí nào để tiến hành phân công công việc cho các PMU? Với thực tế vừa nêu, liệu có hay không những bất hợp lý vẫn đang tồn tại trong quyết định phân chia công việc cho các PMU ở Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam? 

Theo tìm hiểu thêm của PLVN, ở Bộ GTVT, hai Vụ Kế hoạch - Đầu tư và Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) là những đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ khi quyết định phân bổ dự án đầu tư công và dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT cho các PMU làm đại diện chủ đầu tư hoặc thực hiện vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án. 

Tư vấn quản lý dự án nên giao cho ai?

Đối với các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, các PMU thuộc Bộ GTVT chỉ đóng vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và sau đó chỉ được hưởng chi phí cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ các nhà đầu tư dự án. 

Ngoài ra, ở những dự án dạng này còn có phần việc gọi là “Tư vấn quản lý dự án” thường do các nhà đầu tư quyết định việc lựa chọn đơn vị có chức năng tham gia. Tuy nhiên, trao đổi với PLVN, lãnh đạo một PMU kiến nghị, phần việc này Bộ GTVT nên yêu cầu giao cho các PMU thuộc Bộ thực hiện theo tinh thần quản lý dự án chéo - tức Ban này quản lý dự án của Ban kia đối với các Dự án BOT. “Cách này giúp các PMU có thêm việc làm; các Ban của Bộ với kinh nghiệm lâu năm chắc chắn đủ khả năng để quản lý dự án quy mô lớn. Hơn nữa, chúng tôi là người của Bộ nên khi thực hiện việc này Bộ dễ điều hành”, vị lãnh đạo PMU này nói.

Đọc thêm