Nguồn vốn chủ yếu vay ngân hàng
Tại hội thảo “Giải pháp huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh mới” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC) tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI dẫn kết quả khảo sát của VCCI cho biết, bên cạnh việc thiếu hụt thị trường và nguồn nguyên liệu do đại dịch Covid-19 thì gần 10% DN thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh.
Không chỉ có vậy, ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch VEC cho rằng, cơ cấu vốn của DN còn bất hợp lý ở chỗ nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 20-30% còn lại là vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại, trong khi khu vực này lại thường không thể đáp ứng được nhu cầu vốn vay trung và dài hạn của DN.
“Hiện nay điểm yếu của DN Việt Nam là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Trong khi đó thị trường tín dụng đang bị “quá tải” do vừa phải lo cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, vừa phải lo cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và DN…” - ông Thành nhấn mạnh.
Phân tích sâu hơn thực trạng này, Chủ tịch VEC cho rằng do tiềm lực của các ngân hàng Việt Nam còn hạn chế, để bảo đảm có nguồn vốn trung và dài hạn, các ngân hàng buộc phải đi vay (chủ yếu từ dân cư) nguồn vốn ngắn hạn, lấy nguồn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Điều này chứa đựng nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, DN và nền kinh tế.
“Nếu ngân hàng phụ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng cho DN thì có thể bị thiếu thanh khoản do DN khó trả nợ do dịch bệnh. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ gia tăng nợ xấu, làm suy yếu hệ thống ngân hàng…” - Tổng thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh lo ngại.
Về phía DN, nguy cơ phải vay lãi suất cao, chi phí vốn cao dẫn đến hiệu quả sinh lời thấp; mặt khác việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của DN trong trường hợp nguồn vay bị hạn chế hoặc gián đoạn.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, tái cấu trúc về vốn là một nội dung quan trọng trong tái cấu trúc DN hiện nay.
Giảm tải cho vốn tín dụng
“Ngoài việc huy động vốn từ chủ sở hữu và tín dụng ngân hàng, giải pháp cơ bản về phía DN là phải huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu và cổ phiếu DN…”- Chủ tịch VEC, ông Đặng Đức Thành đề xuất. Ngoài ra, ông Thành cũng cho rằng các DN cần tận dụng các hình thức huy động vốn khác như thuê tài sản hoặc các hình thức tài trợ thương mại quốc tế.
“Việc thuê tài sản sẽ giúp DN tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư đối với các DN có nhu cầu lớn về đầu tư tài sản cố định. Việc sử dụng các hình thức tài trợ thương mại như cầm cố giấy tờ có giá, thư tín dụng (L/C), chiết khấu thương phiếu, bao thanh toán... là biện pháp hữu ích đối với các DN xuất nhập khẩu, giúp hạn chế rủi ro trong giao dịch và thanh toán quốc tế, đồng thời giúp cho DN chủ động tránh khỏi những thiếu hụt tạm thời về vốn lưu động trong quá trình hoạt động kinh doanh…” - ông Thành phân tích. Ông Thành cũng nhấn mạnh đến việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán là giải pháp tối ưu mang lại hiệu quả to lớn cho DN.
Phân tích thêm về những xu hướng mới để thu hút vốn đầu tư của các DN trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, TS. Lê Anh Tú, Cố vấn cấp cao PwC, Phó Chủ tịch VEC cho biết hệ thống tiền mã hóa đã và đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Hiện có trên 40 ngân hàng Trung ương toàn cầu đang nghiên cứu loại tiền này.
Về xu hướng này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, đây là xu hướng không mới ở trên thế giới, nhưng số lượng các nước triển khai cũng không phải quá nhiều. Ở Việt Nam, hành lang pháp lý cho vấn đề này hầu như chưa có, vẫn còn khá nhiều rủi ro, thậm chí có trường hợp “sập sàn”, gây hệ lụy cho các nhà đầu tư. Chính phủ đã sớm có chỉ đạo các cơ quan quản lý của Việt Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý. Hiện Ngân hàng Nhà nước có tổ nghiên cứu về tiền kỹ thuật số, Bộ Tài chính cũng có tổ nghiên cứu về tiền ảo, tài sản ảo.