Gần 70% người lái xe mô tô nhập viện liên quan đến rượu bia là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm với chủ đề “Tác hại của rượu bia và giải pháp” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada vừa tổ chức chiều qua (19/10) tại Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thị Hoàng Anh - Giám đốc HealthBridge Canada lo ngại cho biết, tỷ lệ cũng như mức độ lạm dụng rượu bia ở thanh thiếu niên Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng. Cụ thể, gần 80% nam và 36,5% nữ ở độ tuổi từ 14 - 25 có sử dụng rượu bia (năm 2008) tăng 10% với nam và 8% với nữ so với năm 2003. Trong đó có 60,5% nam và 22% nữ đã từng uống say.
Tỷ lệ sử dụng rượu bia trong nhóm 14 -17 tuổi cũng tăng từ 34,9% lên 47,5% và nhóm 18-21 tuổi cũng tăng từ 55,9% lên 67% (Nghiên cứu của SAVY 2003 và 2009). Ngoài ra, nghiên cứu của SAVY năm 2009 cũng cho kết quả: có tới 20,8% nam vị thành niên đã lái xe sau uống rượu bia và bị các chấn thương phải nghỉ học/lao động 1 tuần trở lên…
Không chỉ có vậy, một kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tình trạng sử dụng rượu bia gần đây cũng cho thấy rượu bia là yếu tố nguy cơ thứ 4 trong 8 nguy cơ lớn nhất đối với gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam trong năm 2008.
Thậm chí có tới 66,8% người lái xe mô tô và 36% người lái xe máy nhập viện vì chấn thương do tai nạn giao thông, có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép. Và 1/3 các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở nước ta là do rượu bia. Nó cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra khoảng 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam theo Tổng cục Thống kê năm 2010.
Thật đáng buồn khi các chuyên gia y tế và các nhà xã hội học cho hay, trẻ em chính là nạn nhân chính của tình trạng lạm dụng rượu bia. Bằng chứng là các em thường xuyên bị xúc phạm, lăng mạ, mắng chửi (11,1%); bị bỏ mặc, thiếu sự chăm sóc, bảo vệ của người lớn (65%); bị đánh đập gây đau đớn về thể xác (3,8%); phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng trong gia đình (6,1%)…
Từ thực trạng đau lòng trên, Tổ chức HealthBridge Canada đưa ra khuyến nghị: đã đến lúc Việt Nam phải hạn chế quảng cáo rượu bia, làm giảm tiêu thụ rượu bia và giảm tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia; cấm uống rượu bia tại một số địa điểm/hoàn cảnh (đường phố, công sở, trong giờ làm việc…); quy định tuổi tối thiểu mua và sử dụng rượu bia; quy định nồng độ cồn trong máu cho người tham gia giao thông; tịch thu bằng lái xe ô tô, mô tô do vi phạm/tái vi phạm…
Tham dự buổi tọa đàm, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng không khỏi quan ngại khi cho hay, có những địa phương chỉ vì muốn thu thuế rượu bia mà khuyến khích người dân, cán bộ địa phương mình uống bia của hãng đó, thậm chí dọa kỷ luật một số cán bộ của tỉnh vì… từ chối uống loại bia này, mà không hề biết rằng ngân sách thu được từ thuốc lá và rượu bia không bù được chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe và để khắc phục hậu quả do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia.
Từ thực tế trên, TS. Doanh đề xuất Chính phủ nên quy định chặt chẽ việc dùng tiền ngân sách để chi cho việc chiêu đãi rượu bia, tăng giá bán rượu bia, kiểm soát nghiêm ngặt việc nấu rượu thủ công ở nông thôn; vận động thanh niên, sinh viên giảm hẳn uống rượu bia, giảm thời gian ngồi quán nhậu, tăng cường hoạt động thể dục thể thao lành mạnh; cấm quảng cáo rượu bia trên truyền hình; đồng thời có các biện pháp tuyên truyền hiệu quả để góp phần đẩy lùi và ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu bia.