Đà Nẵng: Chuyên gia thủy lợi khẳng định dự án Marina Complex đã được thẩm định một cách tin cậy

(PLVN) - Là Ủy viên phụ trách phản biện của Hội đồng đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Dự án Bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng, GS.TS. Phạm Thị Hương Lan, Trưởng khoa thủy văn Tài nguyên nước, Viện trưởng viện Thủy văn Môi trường Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Thủy lợi) đã có bài viết phân tích, đánh giá cụ thể về dự án này.

Phù hợp với định hướng phát triển đô thị của TP Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Dự án Bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng (nay là dự án Marina Complex) được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch lần đầu tại Quyết định số 906/QĐ-UBND ngày 26/1/2011 với tổng diện tích 175.512m2. Dự án đã lập báo cáo ĐTM và được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3392/QĐ-UBND ngày 21/4/2011.

Trong các năm tiếp theo, dự án tiếp tục điều chỉnh quy hoạch tại các Quyết định số 5559 ngày 3/8/2015, Quyết định số 658 ngày 3/2/2017 và lần gần đây nhất tại Quyết định số 5197 ngày 15/9/2017 dẫn đến thay đổi quy mô dự án. Trong những lần điều chỉnh đó, chủ đầu tư dự án cũng đã lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường và được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6039/QĐ-UBND ngày 27/10/2017.

Về quy hoạch phát triển đô thị, dự án phù hợp với định hướng phát triển đô thị của Thành phố Đà Nẵng theo Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. 

Kết quả đánh giá tác động môi trường của dự án thể hiện, trong điều kiện hiện có của dự án (thông tin, cơ sở dữ liệu, số liệu cập nhật đến năm 2011) có thể coi kết quả phân tích, tính toán đánh giá tác động môi trường của dự án là có cơ sở khoa học và thực tiễn, có thể chấp nhận được tại thời điểm họp thẩm định báo cáo.

Tại cuộc họp thẩm định báo cáo ĐTM dự án diễn ra ngày 15/8/2017, các thành viên Hội đồng thẩm định về cơ bản thống nhất với kết quả đánh giá tác động môi trường của dự án. Đồng thời  yêu cầu chủ đầu tư bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung chính như: Mô tả bình đồ khu vực hệ thống đê kè xung quanh dự án, chỉ rõ vị trí tuyến kè đá hiện trạng và tuyến kè dự kiến xây dựng mới, cơ sở lựa chọn độ dốc tuyến kè, cao trình đỉnh kè, thông tin chi tiết về công nghệ, quy mô phá dỡ tuyến kè hiện trạng.

Mô tả chi tiết vị trí, quy mô các thông số kỹ thuật và khối lượng xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật; bổ sung số liệu các trạm đo thủy văn trong khu vực, số liệu dòng chảy, vận chuyển bùn cát; cần đánh giá trên số liệu và chuỗi thời gian thích hợp; thiết lập lại mô hình trên toàn vùng, kết quả hiệu chỉnh mô hình, phương án mô phỏng, kiểm tra lại các kết quả tính toán và đánh giá, kết luận việc thoát lũ, diễn biến xói lở và ảnh hưởng khu vực xung quanh, cần có cơ quan chuyên môn độc lập thẩm định mô hình để đảm bảo tính khách quan; cần làm rõ cao độ mực nước sông Hàn ứng với các tần suất khác nhau, thông tin về thủy văn sông Hàn (diện tích, địa hình đáy sông, diễn biến dòng chảy qua các mùa, thủy triều) đoạn trước và sau khi qua khu vực dự án, tình hình lũ lụt ở khu vực dự án, hiện trạng tài nguyên sinh vật khu vực dự án, thông tin, số liệu về các hiện tượng thời tiết cực đoan và biểu hiện của BĐKH. 

Bờ kè có bề rộng hơn 1 mét của dự án Marina Complex trở thành chỗ dựa vững chắc cho bờ sông Hàn

Sau khi các chuyên gia đóng góp ý kiến, chủ đầu tư dự án đã tiếp thu và chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo ĐTM trình UBND Thành phố Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 6039/QĐ-UBND ngày 27/10/2017.

Chúng tôi đánh giá, việc thực hiện dự án phù hợp với định hướng phát triển đô thị của Thành phố Đà Nẵng theo Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Khi thực hiện dự án, số liệu Khí tượng Thủy văn đã được thu thập đồng bộ từ năm 1976 đến thời điểm lập báo cáo. Trong đó, trận lũ 2009 và 2010 được sử dụng để hiệu chỉnh và kiểm định mô hình. Các số liệu này đã được kiểm chứng thông qua việc nghiệm thu các dự án là có đủ độ tin cậy phục vụ tính toán. Với chuỗi số liệu hiện có từ năm 1976 đến thời điểm lập báo cáo có thể coi là đủ dài và nguồn số liệu được thu thập từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương nên có thể dùng để thực hiện tính toán phục vụ dự án này và đảm bảo đủ độ tin cậy phục vụ cho việc thẩm định đánh giá dự án. 

Để đánh giá tác động của dự án đến việc thoát lũ, tư vấn đã mô phỏng  các kịch bản lũ hiện trạng IX/2009, XI/2010 và kịch bản lũ thiết kế với tần suất 5%, 1% lũ sớm, lũ muộn tổ hợp với các biên triều tần suất 10% ứng với đặc trưng mực nước triều lớn nhất, trung bình và nhỏ nhất...

Kết quả cho thấy phương án mô phỏng lũ hiện trạng cho thấy mực nước trên sông quanh khu vực dự án có thay đổi, chủ yếu là giảm mực nước dưới tác động của công trình kè. Lưu tốc thay đổi quanh khu vực kè, làm tăng lưu lượng vào luồng. Hướng dòng chảy chính về cơ bản không thay đổi, một số vị trí quanh khu vực kè có sự thay đổi do tác động hướng dòng của kè. Kết quả tính toán trên là phù hợp với quy luật chế độ thủy động lực khu vực dự án. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cụ thể trận lũ 2017, trận lũ 12/2018 gây ngập lớn trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng, vì vậy cần cập nhật thêm số liệu KTTV đến nay để đánh giá tình hình ngập lụt thành phố trong những năm gần đây, có cập nhật hiện trạng cơ sở hạ tầng và các công trình lân cận trên sông Hàn và vùng cửa sông để đánh giá một cách khách quan ảnh hưởng của dự án đến vấn đề ngập lụt. 

Về hệ thống đê kè xung quanh dự án, tại khu vực dự án có tuyến kè đá hiện trạng được xây dựng từ thời Pháp thuộc với tổng chiều dài khoảng 350m, để hướng dòng chảy sông Hàn nhằm không gây sạt lở khu vực hạ lưu sông Hàn, trong đó đoạn kè nằm trong phần đất của dự án có chiều dài khoảng 310m. Tuyến kè bao mới với chiều dài 731m là một phần của tuyến kè Mân Quang đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đầu tư xây dựng tại quyết định số 7221/QĐ-UBND ngày 21/9/2009.

Tôi kiến nghị, dự án đã có nghiên cứu hơn mười năm qua và nhiều lần được điều chỉnh quy hoạch, sau khi phê duyệt ĐTM của dự án, do phát sinh nhiều yếu tố như có nhiều công trình ảnh hưởng được xây dựng trên sông vùng thượng và hạ lưu khu vực dự án, vùng cửa sông, ảnh hưởng của điều kiện thời tiết cực đoan cụ thể trận mưa lớn năm 2018, nước biển dâng.

Do đó, để đảm bảo tính khách quan và khoa học, làm cơ sở quyết định việc tiếp tục thực hiện hay dừng dự án cần làm rõ rà soát toàn bộ các công trình hiện có trên sông Hàn, các công trình dự kiến xây dựng, khảo sát bổ sung, cập nhật số liệu đến hiện nay, tính toán đánh giá lại để định lượng cụ thể các tác động đến thoát lũ, lưu thông dòng chảy, sạt lở lòng, bờ bãi sông trên toàn tuyến sông Hàn và vùng cửa sông trong điều kiện hiện nay và có xét đến BĐKH để từ đó có đánh giá khách quan các dự án ở sông Hàn vì sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội của Thành phố Đà Nẵng.

Chuyển từ rà soát hồ sơ pháp lý sang "phản biện dự án", Đà Nẵng đã để lộ mục đích thực sự của mình đối với dự án Marina Complex

Cùng một thời điểm xuất hiện những thông tin về việc "lấn sông Hàn phân lô bán nền" làm ảnh hưởng đến dòng chảy, vấn đề đã được giải quyết từ năm 2016. Ngay sau đó Lãnh đạo TP Đà Nẵng chỉ đạo tạm dừng thực hiện dự án để rà soát hồ sơ pháp lý và lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và ý kiến bộ ngành Trung ương.

Nhưng việc lấy ý kiến đã không được tổ chức mà Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Đà Nẵng được giao chủ trì Hội nghị phản biện dự án Marina Complex. Như vậy, vấn đề pháp lý và kỹ thuật đã không được xem xét nữa, mà thay vào đó là việc phản biện theo hướng đồng ý hay không đồng ý thự hiện dự án.

Cách làm này, cùng với những diễn biến của sự việc liên quan đến dự án trong 2 tuần qua đã phần nào cho thấy, những thông tin về dự án này không phải là ngẫu nhiên và cũng bắt đầu cho thấy ý định thực sự đối với dự án này là gì. Doanh nghiệp thực sự hoang mang với việc làm này của chính quyền TP Đà Nẵng.

Đọc thêm