Vay tiền tỷ hứa 1 năm trả nhưng hơn 6 năm sau 'biệt vô âm tín', chủ nợ 'cầu cứu' Báo Pháp luật Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bà L.Th.G. (hiện ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) phản ánh về việc cho bà Chu Thị Th. (quê huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, có hộ khẩu tại Hà Nội) vay 1,285 triệu đồng. Bà Th. cam kết trả trong thời hạn 12 tháng, tuy nhiên, hơn 6 năm trôi qua, bà Th. vẫn chưa trả hết tiền cho bà G. Hiện bà G gần như không liên lạc được với bà Th., không có thông tin về nơi ở hiện tại của bà Th.

Do thu xếp tiền cho bà Th. vay, bà G cũng thành "con nợ". Bất đắc dĩ, bà G phải gửi Đơn Kêu cứu tới Báo Pháp luật Việt Nam.

Bà G trình bày, trong 2 năm 2016 và 2017, bà Chu Thị Th. (sinh năm 1972, quê thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; có hộ khẩu tại thị trấn Đông Anh, có nhà ở tại Khu đô thị Đại Thanh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã 6 lần vay tiền của bà G.

Cụ thể, ngày 1/1/2017, bà Th vay 300 triệu đồng; ngày 31/1/2017, bà Th vay tiếp 300 triệu đồng; ngày 18/7/2016 vay 175 triệu đồng; ngày 14/3/2016 vay 150 triệu đồng; ngày 22/4/2017 vay 70 triệu đồng; ngày 25/5/2017 vay 290 triệu đồng. Tổng số tiền các lần bà Th vay là 1,285 tỷ đồng.

Bà Chu Thị Th. cam kết sẽ trả tiền cho bà G. trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 27/9/2018. "Nếu có gì sai, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật", bà Th. ghi rõ trong giấy vay nợ.

Đến nay, đã hơn 6 năm kể từ ngày cam kết, bà Chu Thị Th. vẫn không có động thái gì về việc trả lại hết số tiền trên cho bà L.Th. G.

Bà L.Th.G. cho biết, sau khi cho bà Th. vay tiền, gia đình bà gặp nhiều khó khăn, phải bán nhà và ở nhà thuê. Bà G. Bà G. nhiều lần liên lạc điện thoại nhưng bà Th không phản hồi, bà G cũng không biết người phụ nữ này đang ở đâu.

Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam trao đổi với Luật sư Phan Văn Khánh - Trưởng Văn Phòng Luật sư Win – Win, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, liên quan đến nội dung vụ việc này.

Luật sư nhận định thế nào về việc bà Chu Thị Th. vay tiền của bà L.Th.G nhưng không trả đúng hạn và cắt liên lạc với người cho vay như trên?

- Việc vay và cho vay đã trở thành loại giao dịch dân sự rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Đó là nhu cầu hết sức chính đáng nếu như các bên đều coi trọng chữ tín, tuân thủ pháp luật và thực hiện đúng thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại không phải hoàn toàn đúng như vậy. Vụ việc trên là một ví dụ.

Hành vi của bà Chu Thị Th. như trên có vi phạm pháp luật không, cách giải quyết thế nào, thưa Luật sư?

- Căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành, có 2 phương án giải quyết sự việc của bà L.Th.G. và bà Chu Thị Th. như sau:

Phương án thứ nhất, bên vay khi đến hạn thanh toán nhưng không có khả năng trả nợ dẫn đến việc chậm trả thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi theo lãi suất chậm trả được quy định theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam tại thời điểm trả nợ hoặc theo lãi suất quy định của pháp luật. Đây được coi là tranh chấp dân sự phát sinh từ thỏa thuận vay tiền của các bên.

Việc khi đến hạn thanh toán khoản nợ mà bên vay tiền chậm trả hoặc chưa trả nợ theo đúng thỏa thuận cam kết thì bên cho vay có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ và thanh toán các khoản lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật.

Phương án thứ hai, bên vay có đủ điều kiện, khả năng trả nợ nhưng cố tình chậm trả hoặc không chịu trả nợ, khi có căn cứ chứng minh có yếu tố hình sự như người vay cố tình không trả mặc dù có điều kiện, người vay đã sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, hay người vay bỏ trốn…, thì bên cho vay có thể làm đơn tố giác tội phạm về hành vi của người vay có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự hoặc có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự tuỳ theo dấu hiệu, tính chất vụ việc.

Xin cảm ơn luật sư!

Đọc thêm