Gắn liền với truyền thuyết ấy, từ xa xưa người dân Đà Nẵng đã ấp ủ khát vọng “hóa rồng” và bắt đầu từ chính những cây cầu nối nhịp bờ vui. Mới đây, “thành phố đáng sống” tiếp tục trình làng phương án làm hầm qua sông Hàn để một lần nữa hiện thực hóa mong ước của mình…
“Rồng vươn biển lớn”
“Những người chưa một lần đến Đà Nẵng, thật khó có thể hình dung phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) hôm nay đã từng trải qua những năm tháng bi hài vì nghèo đói, mà nguyên nhân do bị cách trở với trung tâm bởi con sông Hàn”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh mở đầu câu chuyện khi nhắc đến những cây cầu bắc qua dòng Hàn giang.
Theo ông Xuân Anh, sau giải phóng và ngày tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (năm 1997), TP Đà Nẵng đã xây dựng 9 cây cầu bắc qua sông Hàn. Mỗi một cây cầu được người dân Đà Thành ví như “một con rồng nhỏ” tạo ra những điểm nhấn kiến trúc mang dấu ấn riêng của thành phố ven sông.
Điểm lại thông tin, Bí thư Xuân Anh cho biết, quận Sơn Trà có khoảng 650 nhà chồ, tập trung ở các phường An Hải Tây, An Hải Bắc và nhiều nhất Nại Hiên Đông. Ông kể, cho tới nay các cao niên vẫn thường nhắc đi nhắc lại: “Ban đêm nhìn sang bên kia sông, những ngọn đèn tù mù trong căn nhà vách, dập dềnh trên sóng nước như chốt gác; ban ngày đứng trên cầu Nguyễn Văn Trỗi nhìn về những ngôi nhà chồ lô nhô giống như chiếc lược bị gãy răng cài. Ở khu nhà chồ, chuyện các cháu bé vài ba tuổi lẫm chẫm bò qua con đường gập ghềnh đá hộc trở nên bình thường; một đám tang muốn đến nghĩa địa phải khiêng người chết đi bộ vài chặng hoặc đưa bằng thuyền.
Khốn khổ nhất là vào mùa đông, tính mạng và tài sản của dân nhà chồ luôn bị đe doạ nên chỉ có đàn ông “bám trụ”. Buồn hơn, những chị em phụ nữ vốn rất xinh đẹp nhưng bị người đời gắn cho cái mác “gái quận ba, không bằng bà già quận nhất”.
Hiểu điều đó, năm 1997, chính quyền Đà Nẵng chính thức phát lệnh khởi công xây dựng cầu quay Sông Hàn. Sau 3 năm, cây cầu này được đưa vào sử dụng và trở thành biểu tượng của Đà Nẵng. Cũng vào năm 1997, dự án “Vệt đường Bạch Đằng Đông” với tổng số vốn ngót 1.000 tỷ đồng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Còn với dân Đà Nẵng, dự án không chỉ đơn thuần để xây dựng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng mà cốt lõi là giúp xoá đi sự khác biệt giữa các khu vực trong thành phố, đưa người dân nhà chồ về với đất liền.
Vào đầu năm 2000, thêm chiếc Cầu Mới bắc qua sông Hàn đã làm cho “bên nớ, bên ni” gần gũi hơn. Đến năm 2001, thực hiện Nghị quyết HĐND khóa VI về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, giao thương với các vùng lân cận, các cây cầu: Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Tuyên Sơn… lần lượt ra đời ở thượng nguồn sông Hàn.
Đặc biệt, ngày 29/3/2009, cầu Thuận Phước - cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam bắc qua eo biển Tiên Sa, đoạn cuối sông Hàn với số vốn gần 1.000 tỷ đồng tiếp tục hình thành. Và 7 năm nay, cầu Thuận Phước trở thành “cánh tay” nối dài từ đường Nguyễn Tất Thành đến Đại lộ Hoàng Sa và Trường Sa, tạo đòn bẩy đánh thức con “Giao Long”. Từ nội thành, theo cầu Thuận Phước vượt cửa biển sang bán đảo Sơn Trà, tận hưởng “Viên ngọc” đang tỏa sáng.
Chưa dừng lại ở đó, ngay trong ngày khánh thành cầu Thuận Phước, chính quyền Đà Nẵng tiếp tục khởi công cầu Rồng tổng mức dự toán 1.500 tỷ đồng) nối từ trung tâm thành phố sang bán đảo Sơn Trà. Được ví như một điểm nhấn kiến trúc của thành phố, nên cầu Rồng được thiết kế giống hình ảnh một con rồng với cái đầu ngẩng cao kiêu hãnh, thân hình uốn lượn đang “bay” trên sông Hàn. Đầu rồng phun lửa và nước cùng hiệu ứng từ hệ thống đèn chiếu sáng, làm cho cây cầu có một vẻ đẹp lộng lẫy và hình ảnh con rồng luôn ẩn hiện để ngắm nhìn sự đổi thay của thành phố.
Tiếp nối dự án này, 1 tháng sau (tháng 4/2009) cây cầu dây văng một mặt phẳng, với kết cấu dây và tháp nghiêng đầu tiên ở Việt Nam cũng chính thức đặt chiếc dầm đầu tiên. Cầu có tên Trần Thị Lý nằm cách cầu Nguyễn Văn Trỗi khoảng 20m vốn chỉ là một cây cầu đường sắt và sau giải phóng được nâng cấp để sử dụng rộng rãi cho mọi người.
Nhiều năm qua, cùng với cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý cũng đã tạo thành điểm nhấn độc đáo riêng với tháp trụ hình chữ Y ngược cao 149m so với mặt sông và sở hữu sàn vọng cảnh để “bắt” du khách phải nhớ và nhắc đến Đà Nẵng mỗi khi ghé thăm.
|
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh |
Thêm công trình giúp vươn tầm cao mới!
Theo Bí thư Nguyễn Xuân Anh, có được những cây cầu lịch sử trên, diện mạo Đà Nẵng như được khoác chiếc áo mới. Điều này cũng được cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh khẳng định với các cán bộ của thành phố trong thời điểm ông đương chức Bí thư vào năm 2012, khiến ai cũng nhớ: “Trong 40 năm qua sau giải phóng, 15 năm tách tỉnh, Đà Nẵng hầu như bị xới tung lên tất cả. Nhưng sự xới tung này là tất yếu và trong tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ trở thành một đô thị đáng sống”.
Ông Xuân Anh nhấn mạnh, với thành công mà người đi trước đã làm được, nên tất cả các chủ trương Đà Nẵng đưa ra sau này đều không ngoài mong muốn hướng tới mục tiêu “Thành phố đáng sống”, giúp người dân hưởng thụ nhiều hơn các giá trị vật chất và tinh thần. Bởi vậy mới có việc, mới đây, thành phố đã có cuộc sẽ cân đối nguồn thu hàng năm và tính toán việc bán đấu giá các khu đất ven biển để lấy tiền chi trả hơn 4.000 tỉ đồng cho xây dựng công trình hầm qua sông Hàn.
Qua báo cáo của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cầu Lớn - Hầm, dự án hầm qua sông Hàn có điểm nối từ đường 3/2 - Đống Đa (quận Hải Châu) đến vòng xoay đường Vân Đồn (quận Sơn Trà). Hầm có chiều dài 1.315m, trong đó đoạn hầm chìm dài 900m, còn lại là hầm hở, hầm xe có 6 làn xe. Thời gian thực hiện dự án ba năm, bắt đầu từ quý 4/2016, tổng số vốn hơn 4.000 tỉ đồng. Đại diện diện Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cầu Lớn - Hầm cho biết kinh phí duy tu, bảo dưỡng hàng năm 24 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nêu thêm, dự án này sẽ giúp thành phố vươn lên một tầm cao mới, nhưng còn phải mất nhiều lần đặt lên bàn nghị trường thảo luận, tính toán kỹ. Ví như, Đà Nẵng cần có báo cáo chi tiết về độ dốc, độ cong trong hầm khi xây dựng để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân khi công trình đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, tư vấn cần tiếp tục làm rõ và bổ sung chi tiết kế hoạch duy tu bảo dưỡng công trình hàng năm, phương án vận hành, các phương tiện ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp hoàn thiện phương án để chậm nhất có thể báo cáo tại cuộc họp với Ban Thường vụ Thành ủy vào ngày 23/6 tới.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, đơn vị tư vấn cần tiếp tục làm rõ một số vấn đề như khi xây dựng hầm xong, phải tính đến việc khớp nối với các trục giao thông, khu đô thị ở hai bên hầm. Ngoài ra, phải lường trước các tính huống thiên tai như bão lụt để đảm bảo công trình đạt chất lượng, đúng tiến độ.
Nếu được Thường vụ Thành ủy thông qua, dự án cũng sẽ được đưa ra báo cáo tại một kỳ họp HĐND để xin chủ trương triển khai vì đây là dự án đầu tư lớn và nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình chủ yếu sẽ được huy động từ nguồn đấu giá khai thác quỹ đất của thành phố.
Có thể thấy, với những quyết sách đúng đắn, suy nghĩ và hành động vì người dân, vì đất nước của lãnh đạo thành phố, Đà Nẵng đang ngày càng phát triển. Với dự án hầm chui sông Hàn sẽ làm một điểm nhấn quan trọng trên con đường khát vọng hóa rồng của Đà Thành.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh: Dự án này sẽ giúp thành phố vươn lên một tầm cao mới, nhưng còn phải mất nhiều lần đặt lên bàn nghị trường thảo luận, tính toán kỹ. Ví như, Đà Nẵng cần có báo cáo chi tiết về độ dốc, độ cong trong hầm khi xây dựng để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân khi công trình đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, tư vấn cần tiếp tục làm rõ và bổ sung chi tiết kế hoạch duy tu bảo dưỡng công trình hàng năm, phương án vận hành, các phương tiện ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp hoàn thiện phương án để chậm nhất có thể báo cáo tại cuộc họp với Ban Thường vụ Thành ủy vào ngày 23/6 tới.