Đặc cách cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên trong giai đoạn đầu

(PLO) - Một trong những điểm mới của Luật Phá sản sửa đổi năm 2014 là quy định về quản tài viên. Đây cũng chính là vấn đề nhận được nhiều góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. 
Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền kết luận cuộc họp
Theo đó, từ nay đến thời điểm Luật Phá sản sửa đổi có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2015) không còn dài nên nhiều ý kiến cho rằng cần đặc cách cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên trong giai đoạn đầu để bảo đảm chế định này phát huy tác dụng trên thực tế.
Đơn giản hóa thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề
Luật Phá sản 2014 quy định chức danh quản tài viên và hoạt động quản lý, thanh lý tài sản của quản tài viên là một hoạt động mang tính nghề nghiệp, phải đáp ứng đủ các điều kiện pháp luật quy định mới được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản nhằm đáp ứng yêu cầu về tính nhanh chóng, hiệu quả và chuyên nghiệp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Để triển khai thi hành quy định liên quan đến quản tài viên, Dự thảo Nghị định đã quy định chi tiết việc cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề quản tài viên. 
Cụ thể, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến cho biết: Đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, Dự thảo Nghị định quy định tương đối đơn giản về thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên. Những loại giấy tờ thiết yếu phải nộp đối với người đề nghị cấp Chứng chỉ này chỉ gồm Giấy đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên, Sơ yếu lý lịch, giấy tờ chứng minh là đối tượng được cấp Chứng chỉ, giấy chứng nhận sức khỏe và Phiếu lý lịch tư pháp. Dự thảo cũng nêu rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc cấp Chứng chỉ cho người đề nghị trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. 
Qua quá trình soạn thảo Nghị định, theo bà Yến, một số ý kiến cho rằng không nên vì chủ trương đơn giản hóa thủ tục rồi quy định như Dự thảo mà phải siết chặt điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên bởi đây là hoạt động kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Các ý kiến này đề nghị Dự thảo Nghị định cần quy định người muốn được cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên thì phải qua khóa đào tạo nghề quản tài viên. 
Còn đối với yêu cầu thực tế cần nhanh chóng hình thành đội ngũ quản tài viên sau khi Luật Phá sản và văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thì có thể xem xét miễn đào tạo nghề quản tài viên cho một số trường hợp như luật sư, kiểm toán viên đã có từ 5 năm kinh nghiệm hành nghề trở lên hoặc người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, tài chính có 10 năm kinh nghiệm trở lên trong lĩnh vực được đào tạo…
Không đào tạo nghề nhưng phải tham gia bồi dưỡng
Tại cuộc họp về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phá sản diễn ra vào hôm qua (9/9) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với quy định của Dự thảo Nghị định. 
Phó Chánh Tòa Hành chính (TANDTC) Nguyễn Văn Cường cho biết, hiện tại chúng ta vẫn chưa có quản tài viên nào trong khi thời điểm có hiệu lực của Luật Phá sản đang đến gần. Vì vậy theo ông, không nên đề cập tới việc đào tạo nghề quản tài viên mà cần “đặc cách” trong giai đoạn đầu bằng việc cho người có đủ điều kiện đăng ký để trở thành quản tài viên. Tuy nhiên, sau một năm thì người muốn hành nghề quản tài viên phải qua khóa đào tạo, khóa này có thể kéo dài 6 tháng.
Đồng tình phải có thời gian, lộ trình để thực hiện quy định về quản tài viên, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát án lao động – hành chính – kinh tế (VKSNDTC) Phương Hữu Oanh nhấn mạnh, những người được cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên, điều kiện hành nghề quản tài viên đã được quy định tại Điều 12 Luật Phá sản năm 2014. Nhưng ông Oanh phân tích, việc trang bị kiến thức cho quản tài viên lại là việc khác, cần phải có khóa bồi dưỡng với mức độ phù hợp theo từng đối tượng.
Ông Lê Anh Tuấn (Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp) thì đề xuất vẫn phải có thời gian bồi dưỡng miễn phí khoảng một tuần đối với các quản tài viên trong thời gian đầu thực hiện và miễn bồi dưỡng cho một số trường hợp. 
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam Trần Văn Tá lại kiến nghị, hàng năm phải có cơ chế xem xét liệu quản tài viên có đủ điều kiện hành nghề hay không. Chẳng hạn, nếu trong năm vi phạm đạo đức thì không thể cho phép hành nghề và tiếp đến là bắt buộc phải cập nhật kiến thức qua đào tạo bồi dưỡng, tương tự như kiểm toán viên bắt buộc phải cập nhật kiến thức 40 giờ/năm.
Kết luận về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cũng cho rằng, để hành nghề quản tài viên, những người được cấp Chứng chỉ không cần phải qua đào tạo mà chỉ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Phá sản năm 2014. Tuy nhiên, qua các ý kiến góp ý, Thứ trưởng đồng tình nghiên cứu thêm về quy định hàng năm bắt buộc quản tài viên tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức.
Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản. 
(Khoản 7 Điều 4 Luật Phá sản 2014) 

Đọc thêm